Thực hiện công văn số 78/ TGPL-NV ngày 25 /07/2019 của Trung tâm pháp lý nhà nước Tỉnh Hà Tĩnh; Công văn số 2737/UBND-TP ngày 12/08/2019 của UBND huyện Đức Thọ về việc phối hợp tổ chức TGPL và tập huấn kỷ năng pháp luật hòa giải viên cơ sở. Chiều ngày16/8/2019, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND xã Đức Dũng tổ chức tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn toàn xã.
Tại hội nghị, cán bộ và nhân dân trong xã đã được tiếp thu một số nội dung cơ bản của Luật trợ giúp pháp lý 2017, được Quốc hội khóa 14 kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017. Theo đó Luật trợ giúp pháp lý 2017 gồm có 8 Chương, 48 Điều. Trong đó Hội nghị được phân tích làm rõ một số nội dung để cán bộ và nhân dân được hiểu rõ và nắm thêm như: Lĩnh vực được trợ giúp pháp lý (có 8 lĩnh vực); các hình thức trợ giúp pháp lý (3 hình thức); đối tượng được trợ giúp pháp lý (gồm có 7 nhóm đối tượng đó là: 1.Người có công với cách mạng; 2.Người thuộc hộ nghèo; 3.Trẻ em; 4.Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 5.Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; 6.Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; 7.Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.
Tiếp đó Hội nghị đã được nghe trao đổi một số nội dung liên quan đến các Luật như luật dân sự 2015, một số chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, một số kỹ năng hòa giải ở cơ sở như: kỹ năng tiếp cận đối tượng; kỹ năng xem xét, xác minh vụ việc; kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột lợi ích cốt lõi, nguyên nhân chủ yếu; kỹ năng tra cứu, tìm kiếm văn bản pháp luật, tìm kiếm giải pháp tư vấn cho các bên; kỹ năng chuẩn bị tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hòa giải; kỹ năng giải thích, thuyết phục, hướng dẫn các bên tự thỏa thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp; kỹ năng ghi chép của hòa giải viên, ghi sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở, lập văn bản hòa giải thành, văn bản hòa giải không thành…
Thông qua Hội nghị tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý đã góp phần trang bị cho người tham dự những nội dung cơ bản của các luật để từ đó nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tránh những hành vi vi phạm pháp luật do không nắm rõ quy định của pháp luật gây ra, đồng thời góp phần bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và giảm thiểu những vấn đề bức xúc diễn ra trong đời sống hằng ngày./.
Nguyễn Viết Lượng - Tư pháp hộ tịch