Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã An Dũng đang diễn biến phức tạp, hiện đã có 100 con lợn bị chết và phải tiêu hủy. Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, xã An Dũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt, nỗ lực khống chế, dập dịch không để dịch lây lan.
Tính đến trưa ngày 18/3, trên địa bàn xã An Dũng đã có 33 hộ dân ở 6 thôn gồm: Đông Dũng, Nội Trung, Trung Nam, Đại An, Long Thành và Hữu Chế bùng phát dịch tả lợn Châu Phi với 100 con lợn bị chết và phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 6.367 kg.
Bà Phan Thị Linh, ở thôn Đông Dũng, xã An Dũng cho biết, sau khi DTLCP bùng phát tại một số hộ chăn nuôi thôn Đông Dũng, gia đình bà đã mua hóa chất và vôi bột về để phun tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng nuôi… Tuy nhiên, ngày 13/3, đàn lợn gồm 1 lợn nái gần 400 kg và 10 lợn con gần 200 kg của gia đình xuất hiện một số triệu chứng, sau đó đến sáng ngày 16/3 lợn nái đã bị chết. Gia đình báo lên chính quyền, cơ quan chức năng cử cán bộ về lấy mẫu rồi phun hóa chất xung quanh chuồng trại và lập biên bản tiêu hủy.
Theo bà Linh, khi lợn nái của gia đình có dấu hiệu bị ốm, đã có nhiều thương lái đến mua với giá 7 triệu đồng, tuy nhiên bà không bán, bởi bà đã hiểu rõ được tác hại của dịch tả lợn Châu Phi.
Tất các trục đường chính ra vào địa bàn và các vùng có nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi được xã An Dũng phun tiêu độc khử trùng.
Bắt đầu từ ngày 10/3, ở An Dũng, ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 2 hộ gia đình ở thôn Đông Dũng và Long Thành với 5 con bị ốm, bỏ ăn và có các triệu chứng của dịch bệnh. Chính quyền địa phương đã khoanh vùng, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và kết quả dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.
Các chốt kiểm dịch ra vào địa bàn xã An Dũng đều được kiểm soát chặt chẽ và phun phòng, rắc vôi bột để khử khuẩn.
Ngay sau khi dịch tả lợn Châu phi xuất hiện trên địa bàn, xã An Dũng đã thành lập 3 chốt kiểm dịch, thường trực 24/24h. Vừa tiến hành phun tiêu độc, khử trùng, vừa kiểm soát tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc; tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và nắm được tác hại của DTLCP, thường xuyên tổng dọn vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột khu vực xung quanh chuồng trại.
Xã An Dũng lựa chọn khu vực tiêu hủy bằng cách chôn lấp cách xa khu dân cư để đảm bảo an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Phan Trung Kiên, phó Chủ tịch UBND xã An Dũng cho biết: Để ngăn chặn kịp thời DTLCP, An Dũng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời tổ chức ký cam kết thực hiện “ 5 không” không dấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra ngoài môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; chỉ đạo quyết liệt, triển khai phun phòng các trục đường chính đi qua địa bàn. Đồng thời cung ứng 50 lít hóa chất cho các thôn xóm có dịch để phun tiêu độc khử trùng. Với những thôn xóm chưa xảy ra dịch, xã đang tích cực hướng dẫn người chăn nuôi tự thực hiện và chủ động mua hóa chất sát trùng, vôi bột… để tiêu độc, khử trùng ngay tại hộ./.
Theo Nam Thắng