Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm 06 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất, theo Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022, khái niệm hành vi bạo lực gia đình được mở rộng so với luật cũ. Theo đó tại Điều 2 quy định “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Như vậy, so với luật cũ thì đã bổ sung thêm nội dung “gây tổn hại tình dục” trong khái niệm. Nội dung này thể hiện tính kịp thời của cơ quan xây dựng pháp luật trong việc nắm bắt được thực trạng xâm hại tình dục bằng nhiều cách thức đã và đang tồn tại trong gia đình, xã hội hiện nay.

          Thứ hai, Luật mới đã nâng các hành vi bị coi là bạo lực gia đình lên 16 hành vi, trong đó bổ sung mới gồm các hành vi: Cưỡng ép chứng kiến bạo lực với người, vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc (là thành viên gia đình); không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em; Kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, hình thể, năng lực của thành viên gia đình; Tiết lộ/phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cưỡng ép trình diễn khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực; Cưỡng ép mang thai, lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai; Cô lập, giam cầm thành viên gia đình; Cưỡng ép thành viên gia đình học tập. Sửa đổi hành vi “Cưỡng ép quan hệ tình dục” thành “Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng”.

          Như vậy, so với quy định hiện hành chỉ có 09 hành vi bạo lực gia đình, Luật mới đã tăng lên 16 hành vi trong đó có nhiều hành vi mà trước nay nhiều người chưa nghĩ tới đó là bạo lực gia đình và không lường trước được hậu quả có thể xảy ra. Rõ ràng, bạo lực gia đình không chỉ là sự ứng xử bằng “nắm đấm” của những thành viên trong gia đình, mà đôi khi còn là sự khủng bố tinh thần như lăng mạ hoặc im lặng, bỏ mặc.

          Thứ ba, Luật mới cho thấy nội dung các quy định được tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, khoản 1 Điều 4 quy định “người bị bạo lực gia đình là trung tâm phòng, chống bạo lực gia đình”. Đây là quy định bổ sung so với nguyên tắc trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007.

          Thứ tư, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Cụ thể quy định về các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình như: Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình; Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; Về hình thức tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình thì đa dạng, phong phú, bằng các hình thức khác nhau như: Hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; Tổ chức cuộc thi, chiến dịch truyền thông; Hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình là đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

          Thứ năm, Luật đã sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình, cụ thể: “Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực gia đình; Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.”.

          Ngoài ra, Luật mới bổ sung "Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình". Đối với trẻ em là nạn nhân bị bạo hành, xâm hại thì cá nhân, tổ chức có thể gọi đến tổng đài quốc gia 111 để bảo vệ các quyền lợi của trẻ em. Song song với đó là trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình. Việc báo tin, tố giác bạo lực gia đình có thể thực hiện theo các hình thức: Gọi điện, nhắn tin, gửi đơn hoặc thư hoặc trực tiếp.

          Luật phòng, chống bạo lực gia đình 13/2022/QH15 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 và thay thế cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12. Với những nội dung mới mà Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 bổ sung, sửa đổi trong thời gian tới công tác phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình sẽ có những chuyển biến tích cực góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người mất khả năng tự chăm sóc. Từ đó, xây dựng giá trị đạo đức, nhân văn, tình cảm tốt đẹp trong gia đình, vợ chồng, con cái. Gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới vững bền./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 118.802
    Online: 237