Các văn bản có hiệu lực trong tháng 5/2017
1. Quảng cáo trên cây, cột điện sẽ bị phạt tới 10 triệu đồng
Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Nghị định có hiệu lực từ 5/5/2017.
Theo đó người có hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội bị phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo thực hiện hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Nghị định 28/2017 cũng bổ sung quy định phạt từ 15 -20 triệu đồng đối với hành vi: Phổ biến, lưu hành hình ảnh cá nhân người trình diễn thời trang, biểu diễn nghệ thuật có nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Cũng theo Nghị định này, hành vi phổ biến phim không đúng nội dung và phạm vi trong giấy phép, phổ biến phim hoặc quyết định phát sóng sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
2. Chế độ với người tham gia tìm kiếm cứu nạn bị tai nạn, chết
Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/03/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/05/2017
Theo đó người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bị ốm đau, tai nạn trong thực hiện nhiệm vụ tại nơi làm việc, kể cả trong và ngoài giờ hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền; bị ốm đau, tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú sẽ được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bị ốm đau trong khi làm nhiệm vụ, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu chưa tham gia đóng bảo hiểm y tế vẫn được thanh toán tiền khám chữa bệnh như tiêu chuẩn của người tham gia bảo hiểm y tế.
Với người bị tai nạn không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sẽ được thanh toán chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật, xuất viện; sau khi điều trị sẽ được giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa. Trường hợp chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội mà bị suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Nếu người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bị chết, kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu, người trực tiếp mai táng sẽ được nhận tiền mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở và gia đình của người đó được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở ngay cả khi chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
Cũng theo Nghị định này, người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi làm nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, nếu bị thương, hi sinh sẽ được xem xét hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
3.Căn cứ lập dự toán ngân sách địa phương
Nghị định 31/2017/NĐ-CP về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương (NSĐP) hằng năm. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/5/2017.
Theo đó, quy định về các căn cứ để lập dự toán NSĐP như sau:
- Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bình đẳng giới;
- Chính sách, chế độ thu ngân sách nhà nước, định mức phân bổ ngân sách và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách;
- Kế hoạch tài chính 05 năm địa phương và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương (đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương;
- Tình hình thực hiện NSĐP năm hiện hành;
- Nhiệm vụ thu, chi ngân sách cấp trên giao; nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách được phân cấp; báo cáo dự toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình, địa phương cấp dưới trực tiếp; và các căn cứ khác.
4.Xả thải không phép vào nguồn nước, phạt đến 250 triệu
Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/04/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2017.
Theo đó mức phạt tiền đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép dao động từ 20 - 250 triệu đồng. Cụ thể:
- Mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng áp dụng với hành vi xả nước thải có chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước với lưu lượng nước thải không vượt quá 5m3/ngày đêm;
- Mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng áp dụng với hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ trên 10.000m3/ngày đêm đến dưới 30.000m3/ngày đêm;
- Mức phạt từ 220 - 250 triệu đồng với hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000m3/ngày đêm trở lên và hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 200.00m3/ngày đêm trở lên…
Đối với hành vi chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận, mức phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; 120 - 150 triệu đồng với khai thác khác thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh và từ 260 - 300 triệu đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng theo Nghị định này, cá nhân không đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, không đăng ký ngày bắt đầu khai thác với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng với trường hợp do UBND tỉnh cấp phép hoặc từ 30 - 50 triệu đồng với trường hợp do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép…
5.Không dùng kháng sinh trong thức ăn thủy sản
Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/04/2017 của Chính phủ ban hành, quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2017, thay thế Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010.
Theo Nghị định, kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích tăng trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo đơn của bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật. Bên cạnh đó, chỉ được sử dụng tối đa 02 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi; Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải ghi rõ tên, hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo…
Nghị định cũng chỉ rõ, cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phải đáp ứng các điều kiện sau: Thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại nơi bày bán, kho chứa phải cách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác; Có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà cung cấp; Có giải pháp phòng chống chuột, chim và động vật gây hại khác. Tương tự, tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản phải đáp ứng các điều kiện như: Địa điểm sản xuất, gia công phải nằm trong khu vực không ô nhiễm; Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài; Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường; Có hoặc thuê phòng thử nghiệp để phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong quá trình sản xuất, gia công…
6. Phạt 3 triệu nếu không tiêm phòng cho chó, vứt xác động vật bừa bãi
Nghị định 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 20/5/2017
Theo đó, phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với chủ vật nuôi có một trong các hành vi vi phạm dưới đây:
- Sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật;
- Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường;
- Không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó nuôi.
Nghị định cũng quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thì sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng.
Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi; đồng thời đình chỉ hoạt động từ 06 đến 12 tháng (mức hiện tại từ 01 đến 03 tháng).
7. Bãi bỏ nhiều mẫu hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất
Thông tư 04/2017/TT-BTP ngày 12/4/2017 của Bộ Tư pháp về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, liên tịch ban hành. Thông tư có hiệu lực từ ngày 28/5/2017.
Theo đó, Thông tư bãi bỏ toàn bộ Thông tư liên tịch 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT; các mẫu hợp đồng (HĐ) liên quan đến quyền sử dụng đất (QSDĐ) sử dụng cho Phòng Công chứng và UBND xã được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 04 cũng sẽ bị bãi bỏ như: Hợp đồng chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; HĐ chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, thuê QSDĐ và tài sản gắn liền với đất; HĐ chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, thuê QSDĐ; HĐ mua bán, tặng cho, thế chấp, thuê tài sản gắn liền với đất; HĐ góp vốn bằng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất; HĐ góp vốn bằng QSDĐ; HĐ góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất;
Nguồn: Tư pháp