Điều kiện hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội
Ngày 12/09/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2017/NĐ-CP , về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội (có hiệu lực 01/11/2017), theo đó:
Cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực. Trong đó, cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành; Diện tích đất bình quân 20m2/đối tượng ở khu vực nông thôn và 10m2/đối tượng ở khu vực thành thị; Diện tích phòng ở của đối tượng phải đạt tối thiểu 6m2/đối tượng; Cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước; Các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em sử dụng thuận tiện…
Nhân viên trợ giúp xã hội tại cơ sở phải có sức khỏe; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; Có kỹ năng để trợ giúp xã hội…
Một nội dung đáng chú ý khác của Nghị định này là quy định về các hành vi vi phạm của các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó có: Lợi dụng việc thành lập cơ sở để vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cộng đồng; Vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống và bản sắc dân tộc; Đánh đập, nhốt đối tượng, trói đối tượng; Không cho đối tượng ăn, uống hoặc ngủ; Buộc đối tượng mặc những loại quần áo dị thường hoặc không phù hợp; Dùng đối tượng này để kỷ luật đối tượng khác; đe dọa hoặc mắng nhiếc, xúc phạm đối tượng bằng những từ ngữ thiếu lịch sự, thô tục; Buộc đối tượng làm những việc quá sức…