ĐIỂM MỚI 09 LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ 01/7/2018
1. Bổ sung thêm trường hợp được nổ súng có cảnh báo
Đây là nội dung mới nổi bật tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Theo đó, người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng nhưng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng trong trường hợp sau đây:
- Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; (Quy định mới)
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;…
Bên cạnh đó, một số điểm mới đáng chú ý trong Luật này là:
- Cho phép các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.
- Dành một Chương riêng để quy định cụ thể về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ (Chương IV).
2. Những đối tượng có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường
Theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, các đối tượng dưới đây có quyền gửi văn bản yêu cầu Nhà nước bồi thường:
- Người bị thiệt hại;
- Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;
- Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;
Luật này cũng quy định tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường từ 02 năm lên 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp tại Khoản 2 Điều 52 và yêu cầu phục hồi danh dự.
3. Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan đại diện VN ở nước ngoài
Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài sửa đổi 2017 sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài như sau:
- Bãi bỏ thẩm quyền tiếp nhận đơn và chứng cứ liên quan của công dân, pháp nhân Việt Nam để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, giải quyết;
- Bãi bỏ thẩm quyền cấp đổi, cấp lại hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam; gia hạn, sửa đổi, cấp lại thị thực và giấy miễn thị thực của Việt Nam;
- Được phép tiếp nhận, bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu miễn là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận.
4. Người dân có quyền yêu cầu Nhà nước cung cấp thông tin
Đây là nội dung đáng chú ý tại Luật tiếp cận thông tin năm 2016, cụ thể là, người dân có thể lập Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin để yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp một số thông tin sau:
- Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp theo quy định tại Điều 7 của Luật này.
- Thông tin khác liên quan đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin quy định tại Điều 17 của Luật này.
- Những thông tin phải được công khai theo quy định nhưng thuộc trường hợp sau đây:
+ Thông tin trong thời hạn công khai nhưng chưa được công khai;
+ Thông tin hết thời hạn công khai theo quy định của pháp luật;
+ Thông tin đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng người yêu cầu không thể tiếp cận được.
6. Từ 1/7/2018, chiến sỹ cảnh vệ được phép nổ súng
Đây là quy định nổi bật tại Luật Cảnh vệ 2017 Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Theo đó, Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng trong các trường hợp sau:
- Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ;
- Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả;
- Vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ;
- Trường hợp nổ súng khác quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
7. Ban hành danh mục Công nghệ cấm chuyển giao
Đây là quy định mới đáng chú ý tại Luật Chuyển giao công nghệ 2017 được thông qua ngày 19/6/2017.
Theo đó, Chính phủ ban hành chi tiết Danh mục công nghệ cấm chuyển giao, bao gồm:
- Không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học;
- Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội;
- Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
- Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
8. Chính phủ bảo lãnh tới 70% đối với dự án đầu tư
Ngày 23/11/2017, Quốc hội thông qua Luật quản lý nợ công 2017 quy định về Mức bảo lãnh Chính phủ đối với dự án đầu tư.
Theo đó, mức bảo lãnh Chính phủ đối với trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu cho dự án đầu tư không vượt quá 70% tổng mức đầu tư đã được phê duyệt của dự án.
Dự án được bảo lãnh là dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
9. Quyền của hành khách tham gia giao thông vận tải đường sắt
Luật đường sắt năm 2017 quy định hành khách di chuyển bằng phương tiện vận tải đường sắt có các quyền sau:
- Được hưởng mọi quyền lợi theo đúng hạng vé và không phải trả tiền vận chuyển đối với hành lý mang theo người trong phạm vi khối lượng và chủng loại theo quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
- Trả lại vé, đổi vé trước giờ tàu chạy và chịu các khoản chi phí (nếu có) theo quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
- Được hoàn trả tiền vé, bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh khi bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định của pháp luật;
- Được bảo hiểm về tính mạng, sức khoẻ theo quy định của pháp luật;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Hoàng Thị Thơ