I. KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Đức Đồng là một xã thuộc miền núi huyện Đức Thọ, cách thị trấn khoảng 10 km về phía Nam. Phía Bắc giáp xã Đức Lạc, phía Nam giáp xã Đức Lạng, phí Đông giáp hai xã Đức Lập, Tân Hương, phía Tây giáp sông Ngàn Sâu (là ranh giới giữa xã Đức Đồng và xã Đức Giang, huyện Vũ Quang)

Tổng diện tích tự nhiên của xã 1.536,77 ha, trong đó: đất nông nghiệp: 720 ha, đất lâm nghiệm 289,4ha, đất phi nông nghiệp 71,13 ha, đất chưa sử dụng 156.24 ha và các loại đất khác. Đất đai Đức Đồng chủ yếu là sản xuất nông – lâm nghiệp.

Đức Đồng vừa có núi vừa có đồng băng. Bao bọc quanh xã là đồi núi trung điệp. Theo các cụ cao tuôi kể lại: Xưa kia đây là rừng rậm, đồng lầy. Những  địa danh: Đò Đại Ngàn, lầy Đồng Chọ nói lên điều đó, dãy Eo Hương (Nghiễn Sơn) bao bọc suốt phía tây xã, chay theo dọc sông Ngàn Sâu từ Đức Lạng xuống đến giáp Đức Lạc, phía Đông có dãy núi Đá Trắng giáp xã Tân Hương, dãy Rú Mu, Rú Bạc giáp xã Đức Lập; phía Bắc có Rú Dầu giáp xã Đức Lạc, phía Nam có Rú Miệu giáp xã Đức Lạng

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH DÂN CƯ, LÀNG XÃ

Xã Đức Đồng hiện nay gồm ba làng: Chính Trung Hạ (gồm có 5 thôn: Đồng Tâm, Thanh Sơn, Phúc Hòa, Thanh Phúc, Đồng Quang); Du Đồng (gồm có 3 thôn Đồng Vịnh, Hồng Hoa, Sơn Thành) và Lai Đồng

Căn cứ vào di chỉ khảo cổ Rú Dầu thì 5000 năm trước, vùng này đã có người sinh sống. Nhưng đến cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, khi Bạch Ngọc Hoàng Hậu về khai khẩn, lập ra các trang Quang Tệ, Chính Trung, Ngụ Khê, Đồng Công… thì cư dân mới đông đúc hơn. Người trực tiếp chiêu dân lập ấp vùng Tư Đồng (từ 1848 đổi tên là Du Đồng) là Bùi Thúc Ngật (là con cháu Mậu Quân công Bùi Bị, một danh tướng của nhà Lê). Từ đó hình thành nên các thôn và trong mỗi thôn lại có từng xóm riêng. Dưới thời phong kiến quy định, vùng nào có dân cư từ 500-800 hô được gọi là một xã, từ 200-500 hộ được gọi là một thôn, còn dưới 200 hộ gọi là một xóm hoặc một ấp. Làng ở Đức Đồng xưa (theo đơn vị hành chính của Nhà nước) được thành lập vào khoảng thể kỷ XV, thuộc tổng Du Đồng, phủ Đức Thọ.

Sự thay đổi tên gọi của xã Đức Đồng:

Thời gian

Tên làng

Thuộc xã, huyện

Trước 1945

Du Đồng, Chính Trung

Tổng Du Đồng, phủ Đức Thọ

10/1945-1955

Du Đồng, Chính Trung, Lạng Quang, Làng thôn Tồn

Xã Đại Đồng, huyện Đức Thọ

1955-1976

Chính Trung, Du Đồng

Xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ

1976-nay

Chính Trung, Du Đồng, Lai Đồng

Xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ

Hiện nay, Đức Đồng có 9 thôn và 74 dòng họ, có 1961 với 6883 nhân khẩu

III. VĂN HÓA, TRUYỀN THỐNG

1. Đời sống

Cơ cấu tổ chức của làng: Cơ cấu hành chính ở làng Chính Trung, Du Đồng thời phong kiến cũng như các địa phương khác rất chặt chẽ với 3 bộ phận chính:

- Bộ máy hành chính: Do làng là đơn vị hành chính cơ sở nên bộ máy hành chính được tổ chức chặt chẽ bao gồm: Lý trưởng, phó lý, ngũ hương. Các chức danh này thường do dân cử hoặc quan trên bổ nhiệm theo từng thời kỳ. Mỗi làng đều có một con dấu riêng do Lý trưởng giữ để chứng nhận vào các giấy tờ theo những quy định do Nhà nước đặt ra. Bộ máy này tồn tại đến khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công

- Hội đồng Kỳ mục: bao gồm các khoa bảng, các quan, viên chức đã nghỉ hưu, ngũ hương đã nghỉ hoặc từ chức sau hơn 3 năm làm việc và những người có phẩm hàm từ cửu phẩm trở lên

- Các dịch, mục làng:  bao gồm các Tri giáp, Tri xóm, Trương dịch, Trương tuần

- Lệ làng và hương ước: Là những thiết chế kèm theo bên cạnh luật nước để đảm bảo tính ổn định và trật tự làng, xã. Cũng như các địa phương khác, nhân dân trong làng Chính Trung, Du Đồng cũng bị chi phối chủ yếu bởi lệ làng (phép vua thua lệ làng). Từ sau cách mạng tháng tám, những thiết chế của xã hội phong kiến dần dân được xóa bỏ, mọi người dân đều thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của minh theo Hiến pháp và pháp luật

- Quan hệ xã hội trong làng:

Trước khi thực dân pháp xâm lược, ở Đức Đồng, tầng lớp chính trong xã hội là nông dân và địa chủ, thời kỳ này xã hội có phân chia giai cấp: Địa chủ phong kiến chiếm thiểu số (khoảng 5% dân số) nhưng lại có thế lực về chính trị và kinh tế; nông dân chiếm 95% dân số (gồm 3 loại: Bần nông khoảng 50%, trung nông khoảng 40% và cố nông khoảng 5%) nhưng không có thế lực về kinh tế và chính trị.

Sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tầng lớp cường hào xuất hiện làm quan hệ xã hội càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Số cường hao này bị mua chuộc, vì quyền lợi riêng mà đi ngược với lợi ích của nhân dân nên bị nhân dân phản đối. Tuy nhiên, trong làng xã, mối quan hệ xã hội mang đậm tính láng giềng, họ hàng nên tính cộng đồng rất được đề cao. Mẫu thuẫn chủ yếu, cơ bản trong cộng đồng làng xã Đức Đông lúc này nằm trong mâu thuẫn chung của cả dân tộc đó là mẫu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược.

Khi cách mạng tháng tám thành công, nhất là sau khi thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cữu nước, cả nước ta đi lên Chủ nghĩa xã hội thì các mối quan hệ trong xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn bình đẳng. Mọi công dân sống theo Hiến pháp và Pháp luật. Ở Đức ĐỒng hiện nay, moi người dân sống trong mối quan hệ xóm làng thân mật và gần gũi. Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và toàn dân luôn phấn đấu vì một xã hội văn minh, giàu mạnh, mọi người dân đều được chăn sóc tốt cả vật chất lẫn tinh thần

2. Phong tục, tín ngưỡng

- Tục thờ Thành Hoàng: Mỗi làng ở nông thôn Việt Nam đều thờ một hay nhiều vị Thành hoàng, nhân dân ta đã giành cho Thành hoàng làng một niềm tin thiêng liêng, kính cẩn. Trong quan niệm dân gian, Thành hoàng là những vị thần trong thần thoại, cũng có thể là những anh hùng võ tướng, những người có công khai dân, lấp ấp, mở rộng cơ nghiệp bảo vệ đất nước … ở Đức Đồng xưa Thành hoàng được thờ ở Đình, Đền

- Tục thờ cúng tổ tiên: Thờ ông bà, tổ tiên là một trách nhiệm có tính luân lý, không có tính cách thanh hóa và xuất phát từ tấm long của người sống, của thế hệ sau đối với thế hệ trước “cây có cội, nước có nguồn”. Vào bất kỳ nhà một người dân nào trong xã chúng ta đều thấy bàn thờ tổ tiên được đặt trang trọng ở gian giữa nhà, các đồ thờ tự rất phong phú và sạch sẽ. Các ngày rằm, mùng một hay các ngày giỗ, tết người nhà đều trầu, rượu, hoa quả và thắp hương để tưởng nhớ các bậc sinh thành.

- Các hoạt động văn hóa: Trước đây, tuy cuộc sống còn nghèo khổ nhưng người dân Đức Đồng lại có một đời sống tinh thần phong phú.

Trong ngày mùng một tết, các trò chơi dân gian như: đánh đu, đánh cù, đánh cờ, vật, đánh sớ, đánh đạo lộ, đáo châm, đáo nhảy, nhảy dây… đã được tổ chức kéo dài đến 3-4 ngày đêm và luôn thu hút sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên

Trong các dịp lễ, tết làng thường tổ chức các cuộc thi bày biện mâm cỗ để cúng tế trời phật, thần thành, tổ tiên với tiêu chuẩn đẹp, thơm, ngon miệng và vệ sinh.

Ngày nay, do điều kiện sinh hoạt văn hóa đã được nâng lên một cách mạnh mẽ cả về loại hình, phương tiện… nên các hoạt động văn hóa dân gian đang dần mai một. Tuy nhiên, trong các ngày lễ, tết xã vẫn chỉ đạo các đòn thể tổ chức các trò chơi dân gian theo chủ trương của cấp trên để giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.

3. Các di tích lịch sử, văn hóa

Ngày nay, trên đất Đức Đồng còn dấu tích của nhiều di tích văn hóa đã và đang tồn tại:

- Đình làng: Trước đây, trong xã có 4 ngôi đình: Đình Chính Trung, đình Thôn Hạ, đình Ngũ Lục, đình Lai Đồng

Đình là nô hội họp bàn việc làng, việc xã, bổ thuế, thu thuế, tiếp đón quan trên mỗi khi họ về làng biểu dụ.

Đình là nơi biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa giữa các làng trong tổng, trong huyện

Đình là nơi diễn ra các ngày lễ, hàng năm ở đây thường có hai lễ: Lễ khai hạ vào ngày mùng 7 tháng giêng và lễ Kỳ Phúc vào sáng ngày 14-15 tháng 6 (âm lịch).

- Đền:

+ Làng Chính Trung có 4 ngôi đền sau: Đền Thượng, đền Ba Giáp, đền Trung, đền Hạ

+ Làng Lai Đồng có 2 đền: Đền Cả và đền Thôn Thị

+ Lang Du Đồng có 5 đền: Đền Hàng Tổng, đền Đại Vương, đền Chính Giáo, đền Giáo Phường và đền Quang Hữu, trong đó đền Đại Vương và đền Chính Giáo đã mất hết di chí.

- Chùa: Trước đây, hầu hết các làng trên đất Đức Đồng đều có chùa nhưng hiện nay các chùa đã tan hoang, mục nát di vật bị mất nhiều

+ Làng Chính Trung có 2 chùa: chùa thôn Hạ và chùa thôn Chính

+ Làng Du Đồng có chùa Vĩnh Chính

+ Làng Lai Đồng có 2 chùa: chùa Gai có tên “Tam Bảo Tự” và chùa Lai Đồng

4. Truyền thống hiếu học

Từ xưa, mặc dù chủ yếu làm nông nghiệp nhưng người dân Đức Đồng rất hiếu học. Trước kia, con em Đức Đồng có nhiều người vươn lên học giỏi, đậu đạt và ra làm quan. Theo gia phả các dòng họ thì từ Triều Lê đến triều Nguyễn, có một số người đậu Hương Cống, Cử nhân như:

- Hoàng Văn Minh (ở thôn Chính Trung) đậu Hương Cống

- Nguyễn Hoàng Phúc: đậu Hương Cống, làm Giáo quan ở Thanh Hóa Nhờ công lao to lớn nên ông được phong làm quận công, ông mất khi mới 29 tuổi. Hiện nay di hiệu của ông thờ tại nhà thờ họ Hoàng.

- Bùi Thúc Ngật (thôn Du Đồng) đậu Hương Cống. Có công lớn trong việc dạy bảo và tổ chức nhân dân làm nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm, phát triển kinh tế, mở mang trược học. Dưới thời ông trực tiếp cai quản, tổng Du Đồng trở nê phồn thịnh, nhân dân an cư lạc nghiệp, xóm làng trù phú, phong cảnh thuần hậu. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ và biết ơn ông,  nhân dân Du Đồng đã lập đền thờ ông như vị Thành Hoàng làng.

- Nguyễn Như Yên: đạu cử nhân (thời Mặc Đăng Dung). Ông có tư tưởng phò Lê diệt Mạc, không chịu làm quan mà sống ấn dật tại núi Đà Sơn, làm thầy dạy học và là một thầy thuốc nổi tiếng. Hiện nay, mộ của ông táng tại núi Đà Sơn, có miếu thờ, hàng năm do họ Nguyễn Như thờ cúng.

- Nguyễn Hoàng Phác: đậu Hương Cống (vào thời Vua Lê, chúa Trịnh), được bổ làm Giáo quan ở Thanh Hóa, sau đó ông thi vào Võ đồ đô lực sĩ, được sung làm võ quan và được vua Lê Hiển Tông phong tước quân công (hiện nay chỉ sắc vẫn còn)

- Nguyễn Đinh Phi: đậu cử nhân vào thời vua Giáp Long, được bôt làm Tri huyện Diễn Châu.

- Nguyễn Tôn Tựu: đậu cử nhân (vào thời vua Tự Đức), thuộc tầng lớp dân nghèo học giỏi. Vua Tự Đức đã chỉ dụ cho các quan tỉnh, huyện và tổng – lý chuẩn bị hành trang để nghênh tiếp ông về vinh quy bái tố. Nhưng theo quy định của triều đình, quan chấm thi đã chấm đỗ thưa hai người. Vua Tự Đức đành phải chỉ dụ cho Bộ học lập đàn tế cáo trời đất xin rút thẻ. Ông trở về quê mở trường dạy học.

- Lê Ý: đậu Tú tài đời vua Hàm Nghi, không ra làm quan mà làm thầy dạy học

- Phan Nguyên Hoan: trong gia phả họ Phan Nguyên có ghi di hiệu của ông là Tiền Phấn lực Tướng Quân, phó thiên hộ Phan Nhị lang, tự Hoàn Tài Hiệp phú quân.

- Phan Duy Cơ: được triều đình sắc phong Thượng thượng đẳng tối chi linh Phan Duy Cơ vị tiền

Từ năm 1930 đến nay, trên mảnh đất Đức Đồng còn có biết bao nhiêu người con đã xả thân vì sự ngiệp giải phóng dân tộc, vì sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân. Tất cả họ là những tấm gương sáng ngời cho con cháu hôm nay và mai sau học tập và phấn đấu.

Vùng đất Đức Đồng được xem là “địa linh, nhân kiệt”. Trải qua bao biến cố thăng trâm của lịch sử, những con người nơi đây đã biết ngự thiên nhiên và vươn lên trong cuộc sống. Chính mảnh đất Đức Đồng đã sinh ra nhiều người con gan dạ, hiếu học, yêu nước. Những thế hệ dân Đức Đồng hôm nay đang sống và làm việc trên mọi miền Tổ quốc đều luôn hướng về nguồn cội và mong ước xây dựng mảnh đất quê hương mình ngày càng giàu đẹp.

Trích Lịch sử Đảng bộ xã Đức Đồng


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Bản đồ hành chính
       Liên kết website
       Bình chọn
      Thống kê: 130.130
      Online: 10