I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
1. Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Ngày 28/3/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Cụ thể, người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022.
- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 01/4/2022.
- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện trên thì được nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.
Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.
Phương thức chi trả hằng tháng.
Quyết định 08/2022/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 28/3/2022.
2. Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 23/3/2022, UBTVQH thông qua Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, trường hợp NSDLĐ có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau:
- NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi;
- NLĐ là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
- NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và không áp dụng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Xem chi tiết nội dung Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/4/2022.
3. Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Trên cơ sở quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, để tạo điều kiện cho việc áp dụng thuận tiện, thống nhất ở các địa phương, vừa qua, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Thông tư có nội dung cơ bản như sau:
- Về nguyên tắc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, Điều 3 và phụ lục 1 của Thông tư.
- Việc đánh giá, chấm điểm theo tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
Điều 5 Thông tư quy định người có tài sản tự đánh giá hoặc thành lập tổ đánh giá các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và chịu trách nhiệm về việc đánh giá này.
Tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn là tổ chức có tổng số điểm cao nhất của tất cả các tiêu chí cộng lại. Trường hợp có từ hai tổ chức đấu giá tài sản trở lên có tổng số điểm cao nhất bằng nhau thì người có tài sản đấu giá xem xét, quyết định lựa chọn một trong các tổ chức đó.
Quy định về trừ điểm trong việc chấm điểm: tùy theo các trường hợp cụ thể đối với các vi phạm, phạm tội của người đại diện thep pháp luật, đấu giá viên của tổ chức đấu giá tài sản và vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản thì tổ chức đấu giá tài sản bị trừ điểm với các mức là 5%, 20%, 50% và 70 % tổng số điểm.
Trong trường hợp có cơ sở xác định tổ chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ thì người có tài sản từ chối xem xét, đánh giá hồ sơ của tổ chức đấu giá tài sản đó.
Trường hợp đến hết ngày nộp hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn mà chỉ có một tổ chức đấu giá tài sản đăng ký thì người có tài sản xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức đó nếu đáp ứng quy định của Luật Đấu giá tài sản, Thông tư và pháp luật có liên quan.
- Về thông báo, hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Điều 6
Thông tư quy định cụ thể xử lý các trường hợp xảy ra sau khi có kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định mà người có tài sản nhận được thông tin của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc có kết quả xác minh khẳng định tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn để người có tài sản thực hiện. Đó là:
+ Trường hợp chưa ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thì người có tài sản đấu giá hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đó;
+ Trường hợp đã ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và tổ chức đấu giá tài sản chưa nhận hồ sơ tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá thì người có tài sản đấu giá hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đồng thời đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đối với tổ chức đấu giá tài sản đó;
+ Trường hợp đã ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và tổ chức đấu giá tài sản đã nhận hồ sơ tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá thì người có tài sản đấu giá xem xét, quyết định hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và chấm dứt hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản nếu hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản có thỏa thuận về vấn đề này hoặc đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản vô hiệu theo quy định của pháp luật.
- Về nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương Điều 9 Thông tư quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp, Thanh tra bộ và các đơn vị có liên quan; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc công bố, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của người có tài sản đấu giá theo thẩm quyền.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/3/2022./.
4. Thông tư số 12/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chỉ được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch; không được sử dụng để chi hoạt động quản lý bộ máy của Quỹ và chi cho các mục đích khác – đây là một trong những nguyên tắc quản lý và sử dụng kinh phí tại Thông tư số 12/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Chi để tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam
Theo Thông tư, Chi để tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam gồm:
Tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài như: Tổ chức chương trình triển lãm, hội nghị, hội thảo, họp báo, tọa đàm, lễ hội văn hóa du lịch; các sự kiện về du lịch, văn hóa, thể thao và sự kiện khác giới thiệu về ẩm thực, văn hóa, con người Việt Nam: Thuê địa điểm, thiết bị, vận chuyển, trang trí, tiệc trà, khách mời, ấn phẩm, vật phẩm, quà tặng, tài liệu, lễ khai mạc, lễ bế mạc, chương trình nghệ thuật hoặc trưng bày, thuê nhân sự phục vụ sự kiện và chi phí khác có liên quan. Trường hợp cần tổ chức tiệc giao thương (tiệc chào mừng, tiệc chiêu đãi), chi phí giao thương do Chủ tịch Quỹ quyết định;
Về chi tham dự hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài như: Thuê mặt bằng, thiết kế, dàn dựng gian hàng; thuê nhân sự phục vụ sự kiện và chi phí phục vụ cho các hoạt động tại gian hàng tại hội chợ; Chi tuyên truyền, quảng bá cho hoạt động tham dự hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; tổ chức hội nghị, hội thảo, họp báo, sự kiện về du lịch khác; Chi công tác phí. Tùy theo quy mô của hội chợ du lịch quốc tế ở từng nước, vùng lãnh thổ, Chủ tịch Quỹ quyết định về số lượng, thành phần đoàn công tác (bao gồm số lượng cán bộ của Quỹ và đại diện cơ quan quản lý nhà nước có liên quan), bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
Chi tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên vùng, liên địa phương ở trong nước gồm:Tổ chức các sự kiện, chương trình, chiến dịch du lịch lớn trong nước: Năm du lịch quốc gia; các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao;
Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm tăng cường sự liên kết giữa các vùng, miền, địa phương trong nước;
Tổ chức các chương trình khảo sát, hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch phục vụ phát triển thị trường và sản phẩm du lịch;
Tuyên truyền, quảng bá du lịch trên báo, tạp chí có uy tín trong nước; Xây dựng, thuê, duy trì và bảo dưỡng các biển quảng cáo tấm lớn (bao gồm biển quảng cáo điện tử) để quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia tại các khu du lịch, điểm du lịch, cửa khẩu quốc tế, tại một số sân ga có lưu lượng khách du lịch lớn, các nút giao thông chính trong các thành phố lớn.
Nội dung chi hỗ trợ phát triển du lịch gồm:
Hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về du lịch trong việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch Hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch ở trong nước và ngoài nước; xây dựng, triển khai đề án, dự án, chương trình về phát triển sản phẩm du lịch, mô hình phát triển sản phẩm du lịch mới ở trong nước;
Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và phát triển du lịch;
Hỗ trợ xây dựng, in ấn tài liệu phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch như: Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch; Hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho người lao động nghề du lịch.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 4 năm 2022. Thông tư liên tịch số 101/2014/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013-2020 và Thông tư liên tịch số 163/2014/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013-2020 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
5. Nghị định số 19/2022/NĐ-CP quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị định số 19/2022/NĐ-CP quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Theo đó, chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành sang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước như sau:
Được ưu tiên bố trí việc làm phù hợp với ngành, nghề chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết phù hợp với công việc đảm nhiệm.
Được miễn thi tuyển, xét tuyển nếu chuyển ngành về cơ quan cũ trước khi vào phục vụ trong Quân đội hoặc chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quân nhân chuyên nghiệp được xếp và hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực. Trường hợp tiền lương theo nhóm, ngạch, bậc được xếp thấp hơn tiền lương theo loại, nhóm, bậc của quân nhân chuyên nghiệp được hưởng tại thời điểm chuyển ngành thì được bảo lưu mức lương và phụ cấp thâm niên tại thời điểm chuyển ngành trong thời gian là 18 tháng kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực và do cơ quan, tổ chức mới chi trả. Việc tiếp tục cho hưởng lương bảo lưu ngoài thời gian 18 tháng do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét, quyết định phù hợp với tương quan tiền lương nội bộ. Trong thời gian hưởng bảo lưu lương, mức tiền lương chênh lệch bảo lưu giảm tương ứng khi cán bộ, công chức, viên chức được nâng lương hoặc được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung trong ngạch hoặc được nâng ngạch. Sau thời gian bảo lưu lương, tiếp tục được hưởng mức phụ cấp thâm niên tại thời điểm chuyển ngành hoặc được cộng nối để tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên.
Công nhân và viên chức quốc phòng được xếp và hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực.
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã chuyển ngành, đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm căn cứ tính lương hưu. (*)
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã chuyển ngành, nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thôi việc thì ngoài hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định, được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc do cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm thôi việc chi trả; trong đó: cứ mỗi năm công tác trong Quân đội được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm thôi việc để làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc; thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm thôi việc.
Chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp chuyển sang làm tại DN, đơn vị không hưởng lương ngân sách
Nghị định cũng quy định chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành sang làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước như sau:
Được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi chuyển ngành, do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trước khi chuyển ngành chi trả.
Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, được thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành nhưng không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu.
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã chuyển ngành nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, được cấp có thẩm quyền quyết định trở lại phục vụ trong Quân đội thì thời gian chuyển ngành công tác tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước được tính vào thời gian công tác liên tục để xét nâng lương, phiên quân hàm và tính thâm niên công tác.
Chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp đã phục viên về địa phương
Thực hiện chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp đã phục viên về địa phương trong thời gian không quá 01 năm (12 tháng) kể từ ngày quyết định phục viên có hiệu lực như sau:
Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được thực hiện chế độ chuyển ngành, đồng thời phải hoàn trả khoản trợ cấp phục viên một lần và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi quân nhân chuyên nghiệp công tác trước khi phục viên chỉ đạo thu hồi quyết định phục viên và các khoản trợ cấp nêu trên; ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển ngành; nộp các khoản trợ cấp đã thu vào ngân sách nhà nước và tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định.
Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì phải hoàn trả khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi quân nhân chuyên nghiệp công tác trước khi phục viên chỉ đạo thu hồi khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần nộp vào tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định. Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu.
Trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi quân nhân chuyên nghiệp công tác trước khi phục viên đã sáp nhập hoặc giải thể thì do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sau sáp nhập hoặc cơ quan, đơn vị cấp trên quản lý trực tiếp của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giải thể giải quyết.
Thời gian quân nhân chuyên nghiệp phục viên về địa phương không được tính là thời gian công tác tham gia bảo hiểm xã hội.
Nghị định cũng quy định chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022
II. VĂN BẢN QPPL CỦA UBND TỈNH:
1. Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 10/3/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Quyết định bãi bỏ điểm b, khoản 2, Điều 2 Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 25/02/2020 của UBND tỉnh Quy định mức hỗ trợ kinh phí đối với Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.