Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào 5/9 (1962 - 2022) là dịp để nhiều lãnh đạo, cán bộ nhớ về những dấu mốc, những kỷ niệm đặc biệt giữa Hà Tĩnh với Lào. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu hồi ức của TS Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy về những dấu mốc quan hệ ngoại giao của Hà Tĩnh và Lào.
Mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đặt nền móng từ hàng chục thập kỷ trước. Ảnh tư liệu
Cuối năm 1996, đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh Hà Tĩnh đi thăm và làm việc với nước bạn Lào. Đoàn đến chào ông Xa-mản Vi-nha-kệt - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào. Sau khi nghe báo cáo kết quả làm việc của đoàn với Phó Thủ tướng Thường trực Bun-nhăng Vo-la-chít (sau này là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhiệm kỳ 2016-2021), Chủ tịch Quốc hội vui mừng và ôm chặt Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói: “Tình hữu nghị Việt - Lào là đặc biệt, còn Hà Tĩnh với Lào là đặc biệt của đặc biệt”.
Năm 1994, đoàn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nội dung được ghi trong thông báo của Văn phòng Chính phủ: “Chính phủ sẽ giúp Hà Tĩnh triển khai từng bước các công trình lớn… Khảo sát để lập quy hoạch xây dựng cảng nước sâu Vũng Áng, nâng cấp đường 8, chuyển Cửa khẩu Cầu Treo thành cửa khẩu quốc tế” (Thông báo Văn phòng Chính phủ ngày 5/9/1994).
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng và đồng chí Văn Xay Phong Sả Vẳn - Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muồn (CHDCND Lào) chủ trì cuộc hội đàm cấp cao về công tác thu hút đầu tư giữa hai địa phương (tháng 7/2022). Ảnh: Dương Chiến
Sau đó, trong kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng khi duyệt nội dung Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 1995-2000) cũng nhấn mạnh, Hà Tĩnh cần tiến hành lập quy hoạch xây dựng cảng nước sâu Vũng Áng. Trên cơ sở đó, Hà Tĩnh đã tiến hành lập quy hoạch Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, lấy mũi đột phá là cảng Vũng Áng số I. Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thăm Hà Tĩnh, phê duyệt quy hoạch KKT Vũng Áng, nhưng vẫn chưa có nguồn vốn để xây dựng.
Rất may, khi tỉnh làm việc với Bộ KH&ĐT, biết có nguồn vốn CK (vốn Việt Nam viện trợ cho Lào) chưa đầu tư, lãnh đạo Hà Tĩnh đề xuất đưa cảng Vũng Áng vào nội dung hợp tác Việt - Lào và được lãnh đạo bộ đồng ý, hứa sẽ báo cáo Chính phủ và bàn với nước bạn Lào.
Cảng Vũng Áng nơi ghi dấu mối quan hệ bền chặt giữa 2 nước Việt - Lào. Ảnh: Đình Nhất
Thế là lãnh đạo tỉnh quyết định xin phép Ban Bí thư cho Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh dẫn đầu đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh sang làm việc trực tiếp với bạn về nội dung Hà Tĩnh sẽ mời Lào cùng đầu tư vào KKT Vũng Áng, trong đó tính đến việc cho bạn cùng hợp tác xây dựng và khai thác cảng nước sâu Vũng Áng.
Trong chuyến thăm này, sau khi làm việc với lãnh đạo và thăm tỉnh Bolikhămxay, đoàn cán bộ cấp cao Hà Tĩnh đã đến Viêng Chăn xin được gặp và làm việc với lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội Lào. Sau khi làm việc với Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT và Ủy ban Hợp tác Lào - Việt, đoàn đã được Phó Thủ tướng Thường trực Bun-nhăng Vo-la-chít tiếp và làm việc. Đồng chí trưởng đoàn đã thông tin cho bạn biết Hà Tĩnh có cảng nước sâu Vũng Áng nằm trong KKT Vũng Áng đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt quy hoạch, đây là cửa ngõ rất thuận lợi để Lào ra Biển Đông, nên Hà Tĩnh mời bạn đầu tư để cùng khai thác.
Cầu cảng số 3 của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt sắp được đưa vào khai thác. Ảnh Thu Trang
Nghe Hà Tĩnh trình bày, Phó Thủ tướng Bun-nhăng Vo-la-chít vui mừng, bảo anh em đưa bản đồ ông xem. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trao đổi cụ thể địa điểm xây dựng cảng. Cảng Vũng Áng nối với Cửa khẩu Cầu Treo theo đường 8 và Cửa khẩu Cha Lo theo đường 12 sang Lào. Phó Thủ tướng Lào nói: “Nếu Hà Tĩnh đồng ý, sắp tới sang thăm Việt Nam, tôi sẽ đưa nội dung này vào chương trình hợp tác Lào - Việt trước mắt và lâu dài”.
Được thể, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh báo cáo với Phó Thủ tướng Lào, quy hoạch đã được phê duyệt nhưng hiện vẫn chưa biết lấy nguồn vốn từ đâu, nếu được, khi trao đổi với Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Lào có thể gợi ý ta cùng sử dụng vốn CK chưa giải ngân để cùng nhau xây dựng bến cảng Vũng Áng I. Phó Thủ tướng nhìn sang Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bua Thoong bảo: “Anh nhớ đưa vào kế hoạch làm việc với Chính phủ Việt Nam việc sử dụng nguồn vốn CK theo như đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh”.
Thế là nội dung của chuyến đi thăm nước bạn Lào năm đó đã được tiến hành suôn sẻ. Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 1997 của Phó Thủ tướng Bun-nhăng Vo-la-chít, khi làm việc với Phó Thủ tướng nước ta, hai bên đã bàn rất kỹ về việc cùng hợp tác xây dựng cảng Vũng Áng I. Lào nhất trí chuyển 140 tỷ đồng từ nguồn vốn Việt Nam viện trợ sang hạng mục cùng hợp tác xây dựng cảng Vũng Áng I.
Mối quan hệ ngoại giao giữa Hà Tĩnh và Lào ngày càng phát triển, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong ảnh: Lưu học sinh Lào vui tết cổ truyền Bunpimay tại Trường Đại học Hà Tĩnh. Ảnh: Hà Nhất
Có được nguồn vốn đó, năm 1998, Hà Tĩnh khởi công xây dựng cảng Vũng Áng I. Trong lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ Giao thông Lào sang dự. Hơn 2 năm sau, tháng 2/2001, cảng Vũng Áng I được khánh thành. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lào sang dự lễ và cùng cắt băng khánh thành cảng Vũng Áng I. Sau này ta tiếp tục dành cho Lào đứng chân và đầu tư xây dựng cảng Lào - Việt ở KKT Vũng Áng.
Hà Tĩnh trở thành cửa ngõ để Lào ra Biển Đông thông qua cảng biển Vũng Áng đi từ Lào sang qua đường 8 và đường 12 đã được nâng cấp và kế hoạch sẽ xây dựng tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng. Hà Tĩnh đóng vai trò là vị trí quan trọng mang tính chiến lược, hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Lào, đúng như lời tâm huyết của Chủ tịch Quốc hội Lào đương thời, tình cảm giữa Lào với tỉnh Hà Tĩnh là “đặc biệt của đặc biệt”.
Theo BHT