Tin vào hình ảnh “giao dịch chuyển khoản thành công” qua màn hình điện thoại, nhiều người không hay biết đó chỉ là chiêu trò của các đối tượng lợi dụng hình thức thanh toán trực tuyến của các ngân hàng hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn tinh vi này đã khiến không ít người dân Hà Tĩnh mắc phải.
Chị Lê Thị B. - chủ cửa hàng tạp hoá trên đường Hà Huy Tập - TP Hà Tĩnh nhớ lại sự việc xảy ra cách đây chưa lâu. “Ngày hôm đó, một nam thanh niên lạ mặt đến cửa hàng của tôi mua 5 chiếc thẻ cào điện thoại trị giá 500.000 đồng. Nhận thấy cửa hàng có sử dụng mã QR, đối tượng yêu cầu quét mã để chuyển khoản với lý do không có sẵn tiền mặt. Trong thời gian ngắn, đối tượng thao tác và báo với tôi số tiền đã được gửi đã thành công thể hiện qua hình ảnh chụp lại biên lai “chuyển khoản thành công” trên app của ngân hàng. Sau đó, đối tượng nhanh chóng rời khỏi cửa hàng. Chuyện những tưởng vậy là xong, ai ngờ, tôi đợi hoài không nhận được tiền, 5 phút, rồi 10 phút trôi qua vẫn không thấy tin nhắn thông báo phát sinh giao dịch”.
Nhận thấy bất thường, chị B. cùng người nhà tìm kiếm và bắt gặp người này tại một cửa hàng khác và đang chuẩn bị thực hiện hành vi lừa đảo. Biết hành vi lợi dụng chiếm đoạt tài sản của mình bị phát hiện, đối tượng biện minh bằng lý lẽ khác hệ thống ngân hàng và giao dịch vào thời gian nghỉ trưa nên số tiền chưa chuyển được vào tài khoản của chị B.. Ngay sau đó, đối tượng trả lại số lượng thẻ cào và rời đi nhanh chóng.
Hình ảnh “giao dịch thành công” được đối tượng dùng để tạo lòng tin đối với người bán.
Chị B. chia sẻ thêm: “Người đàn ông này từ địa phương khác tới, đi bộ một mình. Đối tượng thường chọn mua hàng hoá có giá trị lớn, lựa chọn phương thức thanh toán qua mobile-banking. Đối tượng thao tác khá nhanh, tạo lòng tin và chứng minh giao dịch thành công bằng cách chụp lại màn hình chuyển tiền”.
Cùng thời điểm, chị Phan Thị H. (thị trấn Thạch Hà) - người kinh doanh quần áo qua mạng xã hội cũng phản ánh nội dung bị lừa đảo tương tự. Chị H. cho biết: “Những người này đóng giả là khách mua hàng và nhanh chóng đặt hàng với giá trị đơn hàng lên tới 2 triệu đồng. Để tạo lòng tin cho người bán, đối tượng chuyển khoản đặt cọc 50% số tiền của đơn hàng. Ngay sau đó hình ảnh giao dịch chuyển khoản thành công được gửi đến tin nhắn của tôi và đối tượng bắt đầu thúc giục tôi đóng gói, gửi hàng”.
“Sau khi làm xong đơn hàng và mang hàng ra bưu cục để chuyển đi, tôi thấy nghi ngờ nên kiểm tra lại tài khoản ngân hàng của mình để kiểm tra số tiền khách báo đã gửi. Tôi giật mình vì không có khoản tiền nào được chuyển đến nên đã kịp gọi cho người giao hàng dừng việc chuyển hàng. Cũng may là hàng còn kịp dừng chuyển, nếu không rất có thể số hàng này đã rơi vào tay kẻ lừa đảo", chị H. kể tiếp.
Hiện nay, phương thức thanh toán trực tuyến khá phổ biến và đang được các ngân hàng tích cực triển khai. Chủ cửa hàng không chỉ bán được hàng mà còn dễ quản lý doanh thu, còn khách hàng thì vừa mua được hàng lại tranh thủ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của ngân hàng qua hình thức thanh toán quét mã QR. Theo nhiều hộ kinh doanh, đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý của những người bán hàng là chỉ cần chụp hình ảnh thông báo giao dịch thành công từ app của ngân hàng thì người mua có thể ra về mà không cần đợi đến lúc tiền chính thức về tài khoản của người bán.
Ngoài ra, do công việc bán hàng bận rộn, nhiều khi điểm chuyển hàng ở xa nên nếu có bị mất hàng, người bán hàng cũng không muốn đi thưa kiện do sợ mất việc, mất thời gian, làm cho loại đối tượng lừa đảo này càng có “đất để sống”.
Người dân cần cảnh giác khi thực hiện những giao dịch khác hệ thống ngân hàng, phiếu chuyển tiền để tránh trở thành con mồi cho các đối tượng lừa đảo.
Thượng tá Nguyễn Trường Diệu - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Hiện nay, tội phạm lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn. Việc làm giả, sử dụng hình ảnh “giao dịch thành công” là thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi. Đối tượng giả làm khách hàng (bên mua), phát sinh giao dịch mua bán. Sau đó, đối tượng chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên bán thành công qua internet banking hoặc mobile-banking. Để có được biên lai giả, đối tượng đã sử dụng phần mềm tạo ra đầy đủ thông tin của chủ tài khoản. Nếu người dân không tinh ý, kiểm tra kỹ lưỡng thì rất dễ bị lừa".
Thượng tá Nguyễn Trường Diệu - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh: Cổng TTĐT Công an Hà Tĩnh.
Bên cạnh phương thức lừa đảo qua lệnh chuyển tiền giả, các đối tượng còn triệt để sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn phổ biến khác như: “đội lốt” dịch vụ ship COD, thu khoản chênh lệch giá của người bán hàng; lợi dụng các khách hàng đang sử dụng ví điện tử (MoMo, Payoo...) để tạo tạo website mạo danh nhà cung cấp, đăng tải các câu hỏi nhằm “dắt mũi” khách hàng làm lộ thông tin tài khoản và chiếm đoạt tiền; giả vờ chuyển nhầm tiền sau đó tạo các trang có giao diện giống của ngân hàng rồi hướng dẫn người dùng kích vào các đường link, từ đó lấy cắp thông tin của bị hại và chiếm đoạt tiền...
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các trang wesite lạ; thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là các phương thức lừa đảo qua mạng.
Mỗi người dân phải kiểm tra kỹ tài khoản của mình trước khi giao dịch. Với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, việc chuyển khoản 24/7, khách hàng sẽ nhận được thông báo có tiền trong tài khoản. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.
Ngoài ra, hình ảnh “giao dịch thành công” bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian...
Theo BHT