1. Thông tư 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
Thông tư được ban hành theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính – Hành chính sự nghiệp, căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020; Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021; Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015; Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Đối tượng áp dụng theo Thông tư gồm có: người nghiện ma tuý bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người nghiện ma túy trong thời gian chờ lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính; người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện ma túy; người chịu quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Đây là Thông tư thay thế cho Thông tư liên tịch 121/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH , Thông tư liên tịch 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH , Thông tư 117/2017/TT-BTC , Thông tư 124/2018/TT-BTC. Đáng chú ý, theo quy định mới, một số mức chi thực hiện chế độ với người cai nghiện ma túy bắt buộc được áp dụng tăng so với mức hiện hành.
Cụ thể, tại Điều 5 Thông tư quy định mức chi tiền điện, nước sinh hoạt cho người thực hiện cai nghiện ma túy bắt buộc được quy định mới áp dụng ở mức chi 100.000 đồng/học viên cai nghiện bắt buộc/tháng. So với hiện hành tại Thông tư 117/2017/TT-BTC, mức chi này đã tăng thêm 20.000 đồng/học viên/tháng.
Bên cạnh đó, mức chi cho tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động tối thiểu tăng thêm 30.000 đồng/học viên/tháng. Sau điều chỉnh, mức chi cho các hoạt động này là 100.000 đồng/học viên cai nghiện bắt buộc/năm.
Trường hợp hỗ trợ mức cao hơn mức quy định tại khoản này, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ cụ thể.
Thông tư 62/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 19/11/2022.
2. Thông tư số: 60/2022/TT-BTC ngày 03 tháng 10 năm 2022 của Bộ tài chính Quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính
Thông tư này quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp, hợp tác xã) thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Điều 5 Thông tư số 60/2022/TT-BTC đã liệt kê cụ thể 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình quản lý sau khi thôi chức vụ gồm:
1. Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.
2. Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
3. Quản lý nhà nước về bảo hiểm.
4. Quản lý nhà nước về hải quan.
5. Quản lý nhà nước về giá.
6. Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.
7. Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
8. Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
9. Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.
10. Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.
11. Quản lý nhà nước về tài sản công.
Thời hạn bị cấm thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã đối với cán bộ của từng lĩnh vực được quy định như sau:
- Lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước và quản lý Nhà nước về tài sản công: Đủ 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Các lĩnh vực còn lại: Đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 17/11/2022.
3. Thông tư số 63/2022/TT-BQP ngày 30/9/2022 quy định về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội
Theo đó, việc cấp, cấp lại, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội thực hiện như sau:
- Điều kiện cấp chứng chỉ: Chứng chỉ được cấp sau khi học viên đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo quy định và có quyết định công nhận tốt nghiệp của cấp có thẩm quyền.
- Thời hạn cấp chứng chỉ: Giám đốc, hiệu trưởng nhà trường Quân đội có trách nhiệm cấp chứng chỉ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.
- Cấp lại chứng chỉ: Trường hợp chứng chỉ đã cấp nhưng phát hiện viết sai do lỗi của nhà trường Quân đội thì nhà trường đã cấp chứng chỉ có trách nhiệm cấp lại bản chính chứng chỉ.
- Thủ tục cấp lại chứng chỉ: Người có yêu cầu cấp lại chứng chỉ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho nhà trường Quân đội một bộ hồ sơ, gồm: Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ có xác nhận của cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý nhân sự xin cấp lại chứng chỉ; chứng chỉ đề nghị cấp lại; giấy tờ chứng minh nhà trường Quân đội viết sai khi cấp chứng chỉ; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nhà trường Quân đội xem xét quyết định việc cấp lại chứng chỉ; trường hợp không được cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do; trường hợp mẫu chứng chỉ tại thời điểm cấp lại chứng chỉ đã thay đổi thì sử dụng mẫu chứng chỉ hiện hành để cấp cho người được cấp lại chứng chỉ.
- Sổ gốc cấp chứng chỉ: Sổ gốc cấp chứng chỉ phải ghi đầy đủ những nội dung tiếng Việt như bản chính chứng chỉ mà nhà trường Quân đội đã cấp. Trường hợp chứng chỉ được chỉnh sửa nội dung hoặc được cấp lại thì lập phụ lục sổ gốc để ghi các nội dung được chỉnh sửa hoặc thay đổi của chứng chỉs; ổ gốc cấp chứng chỉ phải ghi chính xác, đánh số trang, đóng dấu giáp lai, không tẩy xóa; quản lý chặt chẽ và lưu trữ vĩnh viễn.
- Ký, đóng dấu chứng chỉ: Người có thẩm quyền khi ký chứng chỉ phải ký theo mẫu chữ ký đã thông báo với cơ quan, đơn vị và cấp có thẩm quyền; ghi đầy đủ chức danh, họ tên, cấp bậc, học hàm, học vị trong chứng chỉ; đóng dấu trên chữ ký của người ký chứng chỉ thực hiện theo quy định của công tác văn thư.
- Các trường hợp chỉnh sửa nội dung chứng chỉ: Chứng chỉ bị ghi sai thông tin; có sự thay đổi thông tin hộ tịch theo quy định của pháp luật của người được cấp chứng chỉ.
- Thủ tục chỉnh sửa nội dung chứng chỉ
+ Hồ sơ đề nghị chỉnh sửa nội dung ghi trên chứng chỉ: Đơn đề nghị chỉnh sửa nội dung có xác nhận của cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý nhân sự xin chỉnh sửa chứng chỉ; bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy tờ sau: Chứng chỉ đề nghị chỉnh sửa; trích lục hoặc quyết định thay đổi hoặc cải chính hộ tịch; giấy khai sinh đối với trường hợp chỉnh sửa nội dung chứng chỉ do đăng ký lại việc sinh, đăng ký khai sinh quá hạn; giấy chứng minh sĩ quan hoặc chứng minh quân nhân chuyên nghiệp hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có ảnh của người được cấp chứng chỉ. Thông tin trên các giấy tờ này phải phù hợp với đề nghị chỉnh sửa nội dung chứng chỉ. Trường hợp tài liệu trong hồ sơ đề nghị chỉnh sửa nội dung chứng chỉ là bản sao không có chứng thực thì người đề nghị chỉnh sửa chứng chỉ phải xuất trình bản chính để người trực tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Người tiếp nhận hồ sơ ký xác nhận, ghi rõ họ tên vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.
- Trình tự chỉnh sửa chứng chỉ: Người đề nghị chỉnh sửa nội dung chứng chỉ nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy cho nhà trường Quân đội có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung chứng chỉ; Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cấp có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung chứng chỉ xem xét quyết định việc chỉnh sửa; trường hợp không chỉnh sửa thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do; việc chỉnh sửa nội dung chứng chỉ được thực hiện bằng quyết định chỉnh sửa; không chỉnh sửa trực tiếp trong chứng chỉ. Quyết định chỉnh sửa phải được lưu trong hồ sơ cấp chứng chỉ của nhà trường Quân đội và gửi 01 bản cho người đề nghị chỉnh sửa. Căn cứ quyết định chỉnh sửa, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ ghi đầy đủ thông tin về chứng chỉ, các nội dung được chỉnh sửa của chứng chỉ vào phụ lục sổ gốc cấp chứng chỉ.
- Chứng chỉ bị thu hồi và hủy bỏ trong các trường hợp sau đây: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi tốt nghiệp hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp chứng chỉ; cấp cho người không đủ điều kiệnd; o người không có thẩm quyền cấp; bị tẩy xóa, sửa chữa; để cho người khác sử dụng; do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ.
- Việc thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ phải được tiến hành bằng quyết định thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ. Nội dung của quyết định nêu rõ lý do thu hồi, hủy bỏ. Quyết định được gửi đến người bị thu hồi chứng chỉ, cơ quan kiểm tra phát hiện sai phạm (nếu có), cơ quan người bị thu hồi chứng chỉ đang công tác (nếu có) và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2022 và thay thế Thông tư số 28/2012/TT-BQP ngày 06/4/2012 và Thông tư số 29/2012/TT-BQP ngày 06/4/2012.
4. 04 án lệ mới áp dụng thực hiện từ ngày 15/11/2022
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định số 323/QĐ-CA ngày14/10/2022 về việc công bố án lệ.
Theo đó, 04 án lệ được thông qua và được áp dụng kể từ ngày 15/11/2022 như sau:
- Án lệ số 53/2022/AL về việc hủy việc kết hôn trái pháp luật
+ Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm 04/2021/HNGĐ-GĐT ngày 07/7/2021 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc dân sự “Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”; người yêu cầu là bà Nguyễn Thị S, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 03 người.
+ Tình huống án lệ: Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực), không đăng ký kết hôn, có tổ chức lễ cưới và có thời gian chung sống tại Việt Nam. Sau đó, hai bên ra nước ngoài sinh sống và phát sinh mâu thuẫn.
Khi chưa giải quyết ly hôn thì một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
+ Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Toà án phải xác định quan hệ hôn nhân đầu tiên là hôn nhân thực tế. Khi chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân thực tế mà một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam thì việc kết hôn này là trái pháp luật. Tòa án chấp nhận yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
- Án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con
+ Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 01/2014/HNGĐ-GĐT ngày 27/02/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hôn nhân gia đình “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con” tại tỉnh Đắk Lắk giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Kiều K với bị đơn là anh Nguyễn Hữu P.
+ Tình huống án lệ: Trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó.
+ Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.
- Án lệ số 55/2022/AL về công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức
- Nguồn án lệ: Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2012/DS-PT ngày 19/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Võ Sĩ M với bị đơn là ông Đoàn C; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 05 người.
- Tình huống án lệ: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 01/01/2017 chưa được công chứng/chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng.
- Án lệ số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả
+ Nguồn án lệ: Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2014/DS-ST ngày 18/11/2013 của Toà án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang về vụ án “Tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Thu V với bị đơn là anh Vương Minh T, anh Vương Minh H.
+ Tình huống án lệ: Người chồng chết, người vợ nhờ chôn cất người chồng trên phần đất của người thân bên nhà chồng. Sau đó, người vợ muốn di dời phần mộ của người chồng về đất của gia đình mình thì phát sinh tranh chấp.
+ Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định người vợ có quyền di dời mồ mả của người chồng để quản lý, chăm sóc.
Quyết định 323/QĐ-CA có hiệu lực kể từ ngày ký.
5. Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT ngày 10/10/2022 quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Theo đó, tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm định viên cụ thể như sau:
- Tiêu chuẩn của kiểm định viên
+ Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan, công tâm trong công việc.
+ Có thái độ và phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học; có trách nhiệm, hợp tác trong công việc; tuân thủ pháp luật.
+ Có hiểu biết sâu, rộng và kinh nghiệm thực tiễn về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; am hiểu chính sách, pháp luật về giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; có khả năng độc lập, tự chủ đưa ra nhận xét, đánh giá và khuyến nghị về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
+ Có từ 05 năm trở lên là giảng viên hoặc hoạt động trong lĩnh vực quản lý giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.
+ Có thẻ kiểm định viên còn hiệu lực.
- Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm định viên và những việc kiểm định viên không được làm
+ Nhiệm vụ, quyền hạn kiểm định viên: Tham gia đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định; độc lập về quan điểm chuyên môn, trung thực, khách quan, công bằng công khai, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn; nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật có liên quan và theo quy định, thỏa thuận hợp pháp với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
+ Trách nhiệm kiểm định viên: Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của kiểm định viên; tuân thủ quy định của pháp luật và các quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan khi thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; trong thời gian mỗi 05 năm (60 tháng) sau ngày được cấp thẻ, phải tham gia ít nhất 02 (hai) đoàn đánh giá ngoài và 01 (một) khóa bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ kiểm định viên do cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên tổ chức hoặc 01 (một) khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ kiểm định viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; thực hiện việc giải trình về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu.
Dương Thắm
+ Những việc kiểm định viên không được làm: Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên để thực hiện hành vi trái nguyên tắc của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nhằm trục lợi từ cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; móc nối, quan hệ với cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để làm trái quy định pháp luật trong việc thương thảo, ký kết hợp đồng tư vấn kiểm định chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan ngoài khoản thù lao, chi phí đã thỏa thuận theo hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật; xúc phạm danh dự hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; lợi dụng ảnh hưởng của mình để can thiệp trái quy định vào hoạt động của đồng nghiệp; các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
- Các trường hợp kiểm định viên không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục
+ Kiểm định viên không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục khi: đang làm việc cho tổ chức hoặc cá nhân đầu tư của cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục; có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ đang làm việc hoặc học tập tại cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục; đã hoặc đang là người học, người làm việc ở cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục; trong thời gian 24 tháng liền kề trước thời điểm quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài đã thực hiện tư vấn tự đánh giá cho cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục.
+ Kiểm định viên không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục khi có liên quan đến phản ánh, kiến nghị đang trong thời gian được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 11 năm 2022 và thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BGDĐT ngày 14 tháng 5 năm 2013.
6. Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo Nghị định, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên về: mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn khác.
Cụ thể, về mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện mục tiêu giáo dục phù hợp với các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; ban hành chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Quy định về chương trình giáo dục thường xuyên; quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; ban hành danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học.
Về sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, Bộ có nhiệm vụ quy định tiêu chuẩn và việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định về sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu giáo dục thường xuyên; quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Đối với thi, kiểm tra, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ trình Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ. Quy định việc thi, kiểm tra, tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; quy định việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được sử dụng tại Việt Nam.
Về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; quy định tiêu chuẩn người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cao đẳng sư phạm;
Ban hành chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giảng viên, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; ban hành quy tắc ứng xử của nhà giáo, của cơ sở giáo dục…
Về quản lý người học, Bộ có nhiệm vụ quy định hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; quy định về đánh giá kết quả học tập và rèn luyện; khen thưởng và kỷ luật đối với người học…
Cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo có 20 tổ chức thuộc Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm:
1- Vụ Giáo dục Mầm non; 2- Vụ Giáo dục Tiểu học; 3- Vụ Giáo dục Trung học; 4- Vụ Giáo dục Đại học; 5- Vụ Giáo dục thể chất; 6- Vụ Giáo dục dân tộc; 7- Vụ Giáo dục thường xuyên; 8- Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh; 9- Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên; 10- Vụ Tổ chức cán bộ; 11- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 12- Vụ Cơ sở vật chất; 13- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; 14- Vụ Pháp chế; 15- Văn phòng; 16- Thanh tra; 17- Cục Quản lý chất lượng; 18- Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; 19- Cục Công nghệ thông tin; 20- Cục Hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có 3 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ gồm: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Báo Giáo dục và Thời đại; Tạp chí Giáo dục.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2022; Nghị định này thay thế Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.