I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
1. Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.
Theo đó, bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau:
- Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng so với hiện hành);
- Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng so với hiện hành);
- Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng so với hiện hành);
- Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng so với hiện hành).
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
2. Thông tư số 06/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 03 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
Theo quy định cũ tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Tại Thông tư số 06/2023/TT-BTC, quy định này được sửa đổi, bổ sung như sau: Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức đóng góp, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí do đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn tài chính của đơn vị; từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.Trường hợp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nguồn kinh phí thực hiện theo các Chương trình, Đề án đó.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng khác áp dụng Thông tư này do cá nhân, nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC
Thông tư số 06/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Cụ thể:
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho CBCC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo khác) các nội dung: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Căn cứ đối tượng, điều kiện cử CBCC đi đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, đào tạo sau đại học theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; căn cứ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ và các nguồn kinh phí khác, các cơ quan, đơn vị quyết định việc hỗ trợ một phần chi phí (học phí, mua giáo trình) cho đối tượng CBCC được cấp có thẩm quyền có quyết định cử đi đào tạo;
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được sử dụng để chi các hoạt động trực tiếp phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng CBCC tại các cơ quan, đơn vị.
Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để chi: Hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Kinh phí hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC do các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương bảo đảm từ nguồn kinh phí thường xuyên được giao hàng năm.
Căn cứ phân loại đơn vị sự nghiệp công theo phương án tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường và khả năng tài chính; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được quyết định một số mức chi, nội dung chi theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện đấu thầu, đặt hàng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2023.
3. Thông tư số 01/2023/TT-BTP quy định chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Việc xây dựng Thông tư nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 67/2020/QH14) liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quy định chế độ báo cáo, biểu mẫu thống kê số liệu trong xử lý vi phạm hành chính; tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch, thực hiện đơn giản hóa chế độ báo cáo, tạo thuận lợi cho việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Theo đó, Thông tư gồm 08 điều với nội dung cụ thể như sau:
* Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1)
Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư này quy định chi tiết về chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: trách nhiệm báo cáo; kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi báo cáo; hình thức và phương thức gửi báo cáo; mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo và việc chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo.
Chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Toà án nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc, gồm: Toà án nhân dân; Kiểm toán Nhà nước; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; tổ chức Thống kê tập trung; cơ quan Bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật.
* Về trách nhiệm báo cáo (Điều 2)
Thông tư quy định cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, trung thực, chính xác các nội dung trong mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu số liệu báo cáo và bảo đảm thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi báo cáo. Đồng thời, Thông tư cũng quy định trách nhiệm tổng hợp, báo cáo của các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
* Về chế độ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ và thời hạn gửi báo cáo định kỳ (Điều 3)
Về chế độ báo cáo: Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bao gồm: (i) Báo cáo định kỳ; (ii) Báo cáo chuyên đề và (iii) Báo cáo đột xuất.
Về thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ, thời hạn gửi báo cáo định kỳ: Thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo về Bộ Tư pháp được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước (Nghị định số 09/2019/NĐ-CP). Đồng thời, Thông tư quy định cụ thể thời hạn gửi báo cáo của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
* Về hình thức báo cáo và phương thức gửi, nhận báo cáo (Điều 4)
Về hình thức báo cáo: Cùng với việc sử dụng hình thức báo cáo truyền thống bằng văn bản giấy, Thông tư còn quy định sử dụng hình thức báo cáo bằng văn bản điện tử có chữ ký số để phù hợp với chủ trương sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử của cơ quan nhà nước.
Về phương thức gửi, nhận báo cáo: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan lập báo cáo, Thông tư quy định tương đối đa dạng và linh hoạt các phương thức gửi báo cáo đến cơ quan nhận báo cáo, phù hợp với điều kiện thực tế về các loại hình dịch vụ và phương thức giao nhận giấy tờ, tài liệu. Theo đó, Thông tư quy định các phương thức gửi, nhận báo cáo, cụ thể là: (i) Gửi trực tiếp; (ii) Gửi qua dịch vụ bưu chính; (iii) Gửi qua fax; (iv) Gửi qua hệ thống thư điện tử dưới dạng tệp ảnh (định dạng PDF) hoặc văn bản điện tử có ký số; (v) Gửi qua Hệ thống văn bản và Điều hành; (vi) Phương thức khác theo quy định của pháp luật.
* Về mẫu đề cương báo cáo và mẫu số liệu báo cáo (Điều 5)
Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đơn giản hóa các mẫu, Thông tư quy định về mẫu đề cương báo cáo và các mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo hướng lược bỏ những chỉ tiêu báo cáo trùng lặp, không cần thiết, rút gọn tối đa các thông tin trong mẫu đề cương báo cáo và các mẫu tổng hợp số liệu báo cáo, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, giảm bớt gánh nặng hành chính cho cơ quan lập báo cáo.
* Về việc chỉnh lý, bổ sung báo cáo (Điều 6)
Điều 6 Thông tư quy định về việc chỉnh lý, bổ sung báo cáo trong trường hợp có sai sót. Theo đó, trường hợp phải chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo, cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm gửi báo cáo đã được chỉnh lý, bổ sung, kèm theo văn bản giải trình rõ về việc chỉnh lý, bổ sung và phải có chữ ký xác nhận, đóng dấu. Trường hợp báo cáo bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, số liệu trong báo cáo và các biểu mẫu số liệu kèm theo thì báo cáo, biểu mẫu đó không có giá trị báo cáo.
* Về hiệu lực thi hành
Thông tư này bãi bỏ Điều 1, khoản 1 Điều 2, khoản 1 Điều 3, Điều 4, khoản 1 Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Đồng thời, ban hành kèm theo Thông tư là Phụ lục mẫu đề cương báo cáo và các mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/3/2023.
4. Thông tư số 01/2023/TT-BTTTT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại chính quyền địa phương.
Thông tư này quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại chính quyền địa phương và được áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại chính quyền địa phương.
Vị trí công tác trong lĩnh vực TTTT định kỳ chuyển đổi gồm:
Lĩnh vực báo chí: Cấp, thu hồi giấy phép xuất bản bản tin cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, thành phố; kiểm tra các điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố
Lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử: Cấp Giấy chứng nhận việc sử dụng thiết bị thu tín hiệu phát thanh truyền hình trực tiếp từ vệ tinh cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp, thu hồi, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp; sửa đổi, bổ sung; gia hạn; cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cho các tổ chức, cá nhân địa bàn tỉnh, thành phố.
Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành: Cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp, cấp lại, cấp đổi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp Giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp phép đăng ký hoạt động cơ sở in trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp, cấp lại giấy phép hoạt động in trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp Giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp Giấy phép tổ chức triển lãm hội chợ xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp, cấp lại Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố; đăng ký sử dụng máy in có chức năng phô tô màu; chuyển nhượng máy in có chức năng phô tô màu; đăng ký sử dụng, chuyển nhượng máy phô tô màu, máy in có chức năng phô tô màu trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Lĩnh vực bưu chính: Công tác cấp mới: cấp sửa đổi, bổ sung; cấp lại khi hết hạn; cấp lại khi bị mất, hư hỏng không sử dụng được; thu hồi giấy phép bưu chính; công tác cấp mới; cấp sửa đổi, bổ sung; cấp lại khi bị mất, hư hỏng không sử dụng được văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
Lĩnh vực CNTT: Thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố; thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ đối với đề cương, dự toán chi tiết nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước tại các cơ quan, đơn vị địa phương.
Vị trí công tác thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông định kỳ chuyển đổi được thực hiện theo Thông tư số 03/2021/TT-TTCP ngày 30/9/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương. Cụ thể các vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ định kỳ chuyển đổi gồm: vị trí làm công tác thanh tra; vị trí làm công tác tiếp công dân; vị trí làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; vị trí làm công tác phòng, chống tham nhũng; vị trí làm công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; vị trí làm công tác khác được quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương định kỳ chuyển đổi gồm: vị trí làm công tác thanh tra; vị trí làm công tác tiếp công dân; vị trí làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; vị trí làm công tác phòng, chống tham nhũng; vị trí làm công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.
Bên cạnh đó, Thông tư số 01/2023/TT-BTTTT cũng quy định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 03 năm (36 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.
Bãi bỏ Quyết định số 54/2008/QĐ-BTTTT ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành danh mục các vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành Thông tin và Truyền thông phải thực hiện định kỳ chuyển đổi.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 03 năm 2023
II. VĂN BẢN QPPL CỦA UBND TỈNH HÀ TĨNH
1. Quyết định số 06/2023/QĐ-UBND ngày 07/02/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh Ban hành khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
2. Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 08/02/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về Bải bỏ quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 28/02/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh.