Đi lễ chùa đầu xuân năm mới, là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Việt. Ở Đức Thọ nhiều đền, chùa, di tích, gắn liền với văn hóa lịch sử lâu đời, đã thu hút người dân và du khách gần xa đến du xuân, chiêm bái, cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Chùa Am là một trong những ngôi chùa cổ kính lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, tọa lạc trên núi Am thuộc xã Phụng Công, tổng Đồng Công trước kia, nay là xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ. Suốt nhiều thế kỷ qua, chùa Am không chỉ nổi tiếng là ngôi chùa cổ với phong cảnh đẹp, mà còn gắn với tên tuổi Hoàng hậu Bạch Ngọc, tên thật là Trần Thị Ngọc Hào. Hoàng hậu của Vua Trần Duệ Tông mở đất dựng chùa từ năm 1428-1433 (niên hiệu Thuận Thiên), nơi đây cũng gắn liền với lịch sử cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh của nhân dân ta. Bởi vậy, đây là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan lễ chùa trong những ngày đầu xuân năm mới.
Thời tiết ấm áp, rất thuận lợi cho người dân đi du Xuân và đi lễ Chùa, tạo nên không khí rộn ràng đón mừng năm mới trên khắp mọi ngả đường.
Hòa mình vào dòng người đi lễ chùa những ngày đầu năm, các bạn trẻ nam thanh, nữ tú thành tâm hướng về nguồn cội, gạt bỏ những lo âu, phiền muộn của năm cũ, cùng ước nguyện một năm nhiều may mắn, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Chị Nguyễn Đỗ Vân Kiều, xã Đức Đồng chia sẻ: “ Năm nào cũng vậy, những ngày đầu xuân, em và các bạn trong nhóm thường đi lễ chùa tại Chùa Am, để thành tâm hướng về nguồn cội, gạt bỏ những lo âu, phiền muộn của năm cũ, ước nguyện một năm nhiều may mắn, hạnh phúc. Năm nay, em cũng cầu mong sức khỏe, và đạt kết quả cao trong học tập”.
Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hòa quyện với khói hương trầm mặc, sắc màu của đèn hoa, mỗi du khách đều cảm thấy lòng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Đối với nhiều người, đi lễ chùa đầu năm không chỉ ước nguyện, mà còn gác lại những lo toan của cuộc sống mưu sinh để được thư thái, an yên. Đây cũng là dịp để nhiều du khách du xuân, vãn cảnh, tìm hiểu thêm về các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.
Chùa Tiên Lữ, ngôi chùa nằm giữa lưng chừng chân núi Rú dẻ, thuộc thôn Tân Mỹ, xã Tân Dân, có khung cảnh đẹp như chốn thiên thai với cây đa cổ thụ, suối trong mát, đồi núi hùng vĩ, làm rung động và thu hút nhiều du khách đến lễ chùa chiêm bái trong dịp đầu xuân mới.
Ông Hà Văn Vỵ, xã Tân Dân cho hay: “Cổ nhân dạy: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Việc đi lễ chùa cầu an đối với gia đình chúng tôi là để tìm sự an lạc tinh thần, chứ không chỉ là cầu xin cho mình được đắc phúc, đắc tài, đắc lợi lộc”
Trên địa bàn huyện Đức Thọ hiện có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh, cấp Quốc gia với những huyền tích như: chùa Đá (Thạch Động Tự), xã Tùng Ảnh, Đền Voi Mẹp, Đền Thượng Ích, xã Lâm Trung Thủy...
"Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách đến tham quan, chiêm bái, các di tích đã từng bước được trùng tu, nâng cấp. Trong dịp đón Xuân Giáp Thìn, chính quyền địa phương, Ban quản lý các di tích đã tổ chức nhiều hoạt động phù hợp, tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn tuyên truyền thực hiện văn hóa, văn minh khi đi lễ chùa đảm bảo sự thành kính, tôn nghiêm. Đồng thời, quan tâm, chú trọng đến việc trang trí cảnh quan, không gian chùa hài hòa, đẹp mắt, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, đáp ứng được nhu cầu của du khách khi đến lễ chùa”.Ông Hoàng Xuân Hùng. Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết.
Du xuân, lễ chùa là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, tâm linh được hình thành từ lâu. Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, mà còn góp phần vun đắp những giá trị cội nguồn, giúp mỗi người hướng thiện./.