Sáng ngày 14/4, Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức đi kiểm tra thực tế một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp – Môi trường, Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện.


Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức cùng đoàn đã đi kiểm tra thực tế mô hình trồng sắn nguyên liệu có liên kết với Công ty nông thủy sản Nghệ An tại các xã Đức Lạng và An Dũng.
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó tăng năng suất, hiệu quả trên đồng ruộng, thời gian qua huyện Đức Thọ ký kết với Công ty nông thủy sản Nghệ An triển khai mô hình trồng sắn nguyên liệu, với diện tích trên 50 ha, tập trung tại các xã vùng thượng và vùng ngoài đê.

Đến nay cây sắn cơ bản phát triển tốt, một số diện tích trồng sớm đã bắt đầu tạo củ,
Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức đề nghị ngành nông nghiệp phối hợp với Công ty nông thủy sản Nghệ An hướng dẫn các địa phương, thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây sắn để có biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả; thực hiện tiêu hủy đối với diện tích sắn nhiễm bệnh nặng, đưa những giống sắn mới có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt vào sản xuất ở những vụ tiếp theo. Để phát triển cây sắn nguyên liệu theo hướng bền vững, cần có sự hỗ trợ tích cực, sự quan tâm của chính quyền các địa phương và sự chủ động của Công ty nông thủy sản Nghệ An, nhất là có các chính khuyến khích, hỗ trợ người trồng sắn đầu tư thâm canh, tăng năng suất và duy trì, phát triển tốt việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất sắn nguyên liệu cho người dân.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND huyện đã đi kiểm tra mô hình trồng dâu nuôi tằm tại thôn Tân Tiến xã An Dũng. Đến nay, toàn xã đã có 25 hộ dân chuyển đổi sang trồng dâu được gần 15 ha, trong đó có 10 hộ nuôi tằm đã có thu nhập,

Đây là mô hình kinh tế mới, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân có được mức thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày. Hội Nông dân đã thành lập tổ hợp tác, hỗ trợ người dân về nguồn vốn, kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm để từng bước phát triển, nhân rộng mô hình, hướng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay mỗi kg kén tằm có giá bán khoảng 200.000 đồng
Sau khi trực tiếp thăm các hộ trồng dâu dâu nuôi tằm và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các chủ hộ, Chủ tịch UBND huyện ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực tìm tòi, vượt khó của các hộ dân mạnh dạn đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa vào sản xuất cây, con giống mới cho năng suất, chất lượng,mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện .Chủ tịch UBND huyện đề nghị xã An Dũng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân về nguồn vốn, kỹ thuật canh tác phát triển diện tích trồng dâu nguyên liệu; chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm kén tằm, tạo đầu ra thuận lợi từng bước phát triển, nhân rộng mô hình, hướng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.