Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Theo quan niệm của Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhiều năm qua, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã nỗ lực để mang lại bình đẳng giới cho con người, để con người thật sự được sống trong một xã hội văn minh, phát triển bền vững, nhân văn. Và, Việt Nam là một trong số các nước có nhiều thành tựu về thực hiện bình đẳng giới đã được ghi nhận, như: xây dựng và ban hành văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, là một trong các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ (đây là một trong các Mục tiêu Thiên niên kỷ mà chúng ta phấn đấu đạt tới); Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN); là nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng giới thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục tới trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ, nam giới, tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm… Đây là những con số rất có ý nghĩa, bởi việc thực hiện bình đẳng giới sẽ giúp mang lại các nguồn lợi lớn cho sự phát triền bền vững của mỗi quốc gia. Về điều này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp châu Âu (EU) đã đưa ra một quan điểm đúng đắn về bình đẳng giới rằng, bình đẳng giới không đơn thuần là quyền lợi của chị em, mà chính là quyền lợi chung của một đất nước muốn phát triển bền vững. Bởi, nếu một đất nước chỉ sử dụng một nửa dân số, không phát huy được đầy đủ và tối đa năng lực của mọi người, của mọi công dân bất kể nam hay nữ thì thật là điều đáng tiếc.
Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới đang có xu hướng tăng ở một số nước, một số lĩnh vực. Theo Báo cáo thường niên Khoảng cách giới toàn cầu (GGG) 2013 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, chưa có quốc gia nào đạt được bình đẳng giới như nhân loại mong muốn. Thông tin từ báo chí cho biết, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì tình trạng bất bình đẳng trong lao động và thu nhập tại các công ty ở châu Âu đang tăng mạnh. Sự phân biệt đối xử với công nhân nữ rõ hơn khi nguy cơ bị sa thải cao hơn công nhân nam, hoặc họ phải chịu mức lương thấp hơn, nhất là trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, phải áp dụng các biện pháp khắc khổ và cải cách lao động. Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng Công đoàn quốc tế (ITUC), ở châu Âu trung bình phụ nữ thu nhập ít hơn 14,5% so với nam giới, trong khi đó, ở Mỹ khoảng cách này là 22,4%, ở Đức là 21,6%, ở Ca-na-đa là 27,5%, ở Nhật Bản là 33,4%... và ở các nước châu Á và Mỹ la-tinh, khoảng cách này còn lớn hơn nữa. Tại các nước là thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ nhân viên nữ thấp hơn 13% so với nhân viên nam, và lương của nữ thấp hơn 16% so với nam trong cùng một loại công việc. Đặc biệt, tỷ lệ lãnh đạo nam vẫn nhiều hơn nữ, trong lĩnh vực chính trị, nữ giới cũng ít được tham gia giữ vị trí cao trong nhà nước… Trong gia đình, phụ nữ vẫn phải làm việc nhiều hơn nam giới, vẫn phải chịu bạo hành và là nạn nhân của nhiều vụ xâm hại tình dục. Tất nhiên, không thể phủ nhận là các nước này đã và đang nỗ lực bền bỉ, có hiệu quả, để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới, nhưng để hoàn toàn xóa bỏ bất bình đẳng giới có lẽ cần những giải pháp bền vững, toàn diện hơn nữa.
Ở Việt Nam, bên cạnh các thành tựu đạt được về bình đẳng giới, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là tình trạng bất bình đẳng giới còn diễn ra trên một số lĩnh vực, tồn tại dưới một số hình thức khác nhau. Theo website của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bất bình đẳng giới là sự phân biệt đối xử với nam, nữ về vị thế, điều kiện, cơ hội bất lợi cho nam, nữ trong việc thực hiện quyền con người, đóng góp và hưởng lợi từ sự phát triển của gia đình, của đất nước. Nói cách khác, bất bình đẳng giới là sự đối xử khác biệt với nam giới và nữ giới tạo nên những cơ hội khác nhau, sự tiếp cận các nguồn lực khác nhau, sự thụ hưởng khác nhau giữa nam và nữ trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, bất bình đẳng giới còn thể hiện trên một số lĩnh vực xã hội quan trọng, phụ nữ vẫn chịu nhiều gánh nặng công việc, thu nhập, phân biệt đối xử... Một trong những vấn đề bất bình đẳng giới là sự tham gia của phụ nữ trong cơ cấu tổ chức, quản lý xã hội còn hạn chế, đặc biệt ở cấp cơ sở. Theo đó, tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng. Mặc dù tỷ lệ này tăng nhẹ qua các năm song chưa đồng đều, chưa ổn định, vẫn ở mức thấp so với mục tiêu đặt ra. Trong kinh tế, ở một số nơi vấn đề chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn diễn ra, cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới, lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực… Đặc biệt, tình trạng bạo hành phụ nữ vẫn diễn ra ở một số nơi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi xa xôi. Một số trường hợp phụ nữ bị bạo hành nghiêm trọng mà chưa được chính quyền, người chung quanh bảo vệ. Có những phụ nữ phải âm thầm chịu bạo hành gia đình trong nhiều năm mà không dám tố cáo. Thực trạng này, một phần do nhận thức hạn chế của người dân về luật pháp nên chưa biết tự bảo vệ; một phần, do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên thiếu sức răn đe. Bên cạnh đó, vấn đề chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở một số vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế. Theo bài viết trên Tạp chí Cộng sản, ở Việt Nam tỷ suất tử vong mẹ còn cao so với một số nước trong khu vực, tỷ suất này vẫn giảm chậm trong 10 năm qua. Trong một số trường hợp, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ chưa được chú trọng tuyên truyền đúng mức. Không chỉ nam giới, mà bản thân phụ nữ cũng chưa quan tâm sức khỏe sinh sản của chính mình và không áp dụng các biện pháp phòng tránh thai an toàn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Một số gia đình, dù phụ nữ tham gia đóng góp kinh tế như nam giới nhưng vẫn phải làm nhiều việc nhà hơn và nam giới vẫn thường là người đưa ra các quyết định quan trọng,… Vì thế, bất bình đẳng giới vẫn diễn ra ở một số nơi, trên một số lĩnh vực và phần thiệt thòi thường vẫn thuộc về phụ nữ.
Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới. Trước hết là tỷ lệ sinh chênh lệch giữa nam và nữ đã khiến mức chênh lệch giới trong độ tuổi lao động tăng, dẫn đến sự bất bình đẳng giới trong lao động. Số lượng người làm công tác bình đẳng giới còn thiếu, cộng với hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới... nên việc tuyên truyền bình đẳng giới còn hạn chế. Cùng với đó là tỷ lệ nghèo, lạc hậu ở một số vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số làm cho lao động nữ không được đến trường học nên chưa biết chữ, từ đó chưa chủ động tham gia hoạt động xã hội, tham gia các tổ chức xã hội nhằm mang lại sự bình đẳng cho chính mình. Nhiều quan niệm cổ hủ, lạc hậu, trọng nam khinh nữ, phụ nữ chỉ ở nhà quanh quẩn bếp núc, phụ nữ phải lo chuyện gia đình, trẻ em gái không cần học nhiều... còn tồn tại ở nhiều nơi, tạo nên nguy cơ không hoàn thành mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam. Cũng phải khẳng định rằng, nhận thức của một số người, đặc biệt là nam giới, còn thiếu tôn trọng phụ nữ, thiếu tôn trọng những giá trị mà phụ nữ mang lại cho cuộc sống. Trong khi đó, nữ giới vẫn phải đảm đương việc gia đình nhiều hơn nam giới. Đáng nói là còn một bộ phận không nhỏ nữ giới chưa nhận thức đầy đủ về quyền được bình đẳng của mình, chấp nhận chịu bạo hành, chịu sự phân biệt đối xử một cách gần như là hiển nhiên. Vì thế, để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới, bên cạnh các chương trình hành động, các chính sách hỗ trợ của chính phủ, sự bảo vệ của hệ thống pháp luật, các biện pháp tuyên truyền giáo dục, thì quan trọng hơn là tất cả mọi người, cả nam giới và nữ giới đều cần tự giác thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử, nữ giới cũng cần phải tự nâng cao trình độ, sự hiểu biết để vừa tự bảo vệ bản thân, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, qua đó khẳng định tự ý thức về quyền được bình đẳng của mình.
Bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phụ nữ là một nửa thế giới, phải được tôn trọng, được công nhận giá trị, vai trò xã hội cũng như cống hiến của họ. Ông K. Matsuura, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO từng khuyến cáo: “Không nên xem bình đẳng giới một cách thiển cận như là vấn đề chỉ của riêng phụ nữ, nó đặt ra cho chúng ta những câu hỏi cơ bản về bản chất các mối quan hệ trong xã hội chúng ta. Đó là vấn đề đòi hỏi cả nam giới và phụ nữ cùng ngồi lại với nhau tìm ra các giải pháp sao cho vừa mang tính thực tiễn vừa phải dựa trên các nguyên tắc. Nhưng các giải pháp trên sẽ không được chấp nhận hay bền vững nếu sự bình quyền, chân giá trị, công việc của nam giới và nữ giới không được tôn trọng”. Như vậy, việc xây dựng xã hội có bình đẳng giới, bảo đảm bình đẳng giới là lời kêu gọi không chỉ của riêng nữ giới, mà của mọi người, là mục tiêu cần sớm hoàn thành của các quốc gia, để từ đó góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững.
|