Một vài nét về lịch sử Chù Ghềnh - Ân Quang tự
MỘT VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ CHÙA GHỀNH
Chùa Ân Quang (gọi là chùa Ghềnh) là một thiền viện lớn, được xây dựng đầu thể kỷ XIII, đời nhà Trần, ở mé ghềnh đá nổi - phố Phù Thạch, ở bờ nam sông Lam, nên thường gọi là chùa Ghềnh. Vùng này từ đời nhà Lê là làng Vĩnh Đại, huyện la Sơn đối diện xã Triều Khẩu, bờ Bắc Nghệ An. Đặc biệt Chùa có 4 lư hương bằng đá thạch, chạm trổ tinh xảo, trong chùa có 55 pho tượng và có 14 bộ kinh phật…
Từ đời Trần, chùa Ân Quang (chùa Ghềnh) đã là một danh lam xứ Nghệ, được cả nước biết đến. Du khách thường qua lại, viếng thăm và nhiều tao nhân mộ khách đã để lại nhiều tác phẩm thơ ca nổi tiếng như nhà thờ Phạm Ngộ (nguyên tên Chúc Kiên, người Hương Kính Chủ, nay thuộc Hải Dương)làm quan dưới triều Trần Minh Tông (1314-1329), trong bài thơ làm khi ngồi thuyền đi chơi Phù Thạch cho biết tiên tổ của ông từng tu hành ở đây và lúc nhỏ ông cũng đã theo cha đến đây:
Năm nay Phù Thạch giong đò
Non sông như cũ đầu phơ bạc rồi
Còn đâu năm tháng mảng vui
Khói mây ngàn dặm chơi vơi tức lòng
Cuộc chơi duyên nợ đèo bồng
Ngày nào trở lại đường phong bụi trần
Tựa ngồi thoáng chuyện trăm năm
Cánh buồm xa vút theo tầm cánh chim
(Trích bản dịch của Thanh Minh)
Cùng thời nhà thơ Phạm Ngộ - Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289-1368) người Lộ Khoái Châu (nay thuộc Hưng Yên) từng qua Phù Thạch cũng có bài thơ nhắc đến chùa Gành “Chùa sư thấp thoáng bức tranh in”.
Thời Lê Sơ, sự kiện lịch sử đất nước liên quan đến vùng đất này được sử sách, bi ký ghi chép là việc vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua đây năm 1470-1471. Trên đoạn đường nhà vua đi qua bến Phù Thạch, Vua có làm bài thơ Quá Phù Thạch độ (Qua bến Phù Thạch). Dưới đây là bài thứ nhất, Thái Kim Đỉnh phỏng dịch:
“Sóng lạnh, triều xô ra biển xa
Nhấp nhô gành đá, ánh dương tà.
Đầu non, mũ trắng, chùm mây vấn.
Đáy nước, the hồng, sợi ráng sa.
Lửa đã bốc theo vừng nhật đó,
Rồng còn luyến mãi vực sâu a?
Sửa văn, xếp võ, nay là lúc.
Ban bố đức âm khắp mọi nhà”.
(trích địa chí Đức Thọ, xuất bản năm 2004- trang178)
Đời Lê Nguyễn, phố Phù Thạch càng đông vui thì chùa Ghềnh càng nhiều người viếng. Năm 1777, Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744-1818) vào làm đốc đồng Nghệ An đã làm bài thơ về phố Phù Thạch, có câu:
Lô nhô phố khách hương trà ngát
Thấp thoáng nhà chùa bóng trúc che
Và phu tử đất La Sơn Nguyễn Thiếp là khách quen của nhà chùa, chẳng những đi về luôn mà “Ba năm làm quan nhỏ; Mấy lần trọ chùa này”. Về sau, ông lại “Gặp ông chài già ở Phù Thạch” và tỏ rõ vị trí của ngôi chùa:
Bên trái chùa Ân Quang là phố khách
Bên phải chùa Ân Quang là bến đò sông Lam
Đến thế kỷ thứ XVII chùa đã được sữa chữa nhiều lần. Lần trùng tu cuối cùng vào năm Giáp Tý đời Tự Đức (năm 1864), người ta đúc thêm 1 quả chuông đồng nặng 51kg và tậu sắm thêm nhiều tự khí.
Trên bảy thế kỷ chùa Ân Quang (chùa Ghềnh) vẫn được bảo vệ, được tôn tạo ngày càng to lớn hơn. Nhân dân xã Đức Vĩnh nói chung, nhân dân thôn Vĩnh Đại nói riêng luôn luôn tự hào về thiền viện này:
Ai vô Hà Tĩnh coi voi
Ai về Phù Thạch mà coi chùa Ghềnh
Một số hình ảnh chùa Ghềnh
Người dân vãn cãnh Chùa ngày Xuân
--------o0o---------