Nhiều ý kiến tâm huyết của huyện Đức Thọ góp ý về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất; các trường hợp thu hồi đất và quy định bồi thường giải phóng mặt bằng… vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sáng ngày 2/3, UBND huyện-UBMTTQ huyện Đức Thọ tổ chức Hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Đ/c Đặng Giang Trung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tị ch HĐND huyện; Đ/c Trần Hoài Đức, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Các đồng chí UVBTV Huyện ủy cùng tham dự.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Nguyễn Quý Hưởng và Trưởng phòng Tài nguyên -Môi trường Thái Sơn Vinh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai và khẳng định: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đáp ứng yêu cầu bức thiết trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và phù hợp với xu thế hiện nay.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, các nội dung, chính sách. Mục tiêu của việc sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với quy định quản lý và sử dụng đất đai.
Theo đó, 9 nội dung trọng tâm được lấy ý kiến gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.
Ông Lê Văn Hiệp, đại biểu xã Đức Lạng góp ý: Luật cần quan tâm cụ thể hơn đến mục đích sử dụng đất, quá trình chuyển đối, nội dung chuyển đổi, tăng cường các chế tài, mức độ xử phạt để xử lý vấn đề vi phạm sử dụng đất.
Tham gia đóng góp ý kiến, các đại biểu chủ yếu tập trung vào các nội dung về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng; căn cứ thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.… Thêm thẩm quyền của cấp xã trong việc cho thuê đất công ích. Điều chỉnh thời hạn cho thuê đất, nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất và công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, đại biểu xã Lâm Trung Thủy: Cần có quy định cụ thể điều chỉnh giá đất sát với thực tế, quy định về thời hạn thuê đất, có quy định, chế tài xử lý rõ hơn về độ tuổi (đối với những trường hợp thuê đất đã qua đời).
Ngoài ra, tại hội nghị các đại biểu cũng đã nêu lên một số thực trạng, khó khăn tại địa phương trong quá trình quản lý đất đai. Đề nghị Luật cần bổ sung thêm một số các quy định như: cơ chế quản lý đất đai, chia lại đất nông nghiệp, công khai giá đất, việc định giá đất phải công khai minh bạch, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại..
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức kết luận tại hội nghị.
Phát biểu kết luật hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh: Tại hội nghị đã có 18 ý kiến đóng góp, các ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan về việc sửa đổi Luật Đất đai, góp phần cụ thể hóa các quy định về đất đai sát với thực tiễn và sớm đi vào cuộc sống. Sau hội nghị, đề nghị các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của toàn thể cán bộ và nhân dân, tổng hợp và gửi UBND huyện để trình các cơ quan cấp trên theo đúng thời gian quy định.