Tân Dân là một xã ven Trà sơn thuộc huyện Đức Thọ, có diện tích là 17,22km2, dân số có trên 7129 nhân khẩu, 2446 hộ, gần 20% nhân dân tín ngưỡng thiên chúa giáo. Năm 2020 được sáp nhập từ 2 xã Đức Long và Đức Lập củ. Hệ thống hành chính có 12 thôn, có 5 trường học trên địa bàn, có 20 chi bộ trực thuộc(gồm 12 chi bộ thôn, 07 chi bộ cơ quan trường học). Toàn xã có 03 di tích LSVH cấp tỉnh, có hệ thống đường giao thông thuận lợi, có đường Quốc lộ 8A đi qua, tỉnh lộ 552, 554, đường sắt Bắc nam đi qua. Kinh tế xã nhà phát triển đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ.
Hiện tại đoàn tham quan của mình đang có mặt tại Di tích LSVH Đền thờ Trần Diệu Toán đề nghị xếp hạng di tích cấp tĩnh năm 2015.
Đền thờ Trần Diệu Toán được xây dựng ở thôn Đồng Vịnh, xã Tân Dân huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, cách thị trấn Đức Thọ khoảng 03 km( Xưa là làng Đồng Cường, tổng Đồng Công, phủ Đức Thọ)
Theo gia phả của họ Trần ghi lại: Dòng họ Trần Văn có nguồn gốc từ kinh thành Thăng Long về định cư tại làng Đồng Cường, phủ Đức Thọ( nay là xã Tân Dân, huyện Đức Thọ) vào khoảng những năm cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII thời Lê đến nay đã trải qua 12 đời.
Trần Diệu Toán là con trai cụ Trần Văn Nên là người thông minh tài giỏi, theo nghề dạy học bốc thuốc, ông cùng cha mở các lớp dạy chữ nho cho con em trong vùng, chữa bệnh cho người nghèo khó bệnh tật, được dân chúng mến phục và kính trọng. Dưới triều Lê cụ có tước hiệu là Hiệu Sinh, là một nhà nho uyên bác có tầm nhìn xa hiểu rộng, cụ luôn gần gủi cảm thông với những khó khăn vất vả của người nghèo đói trong vùng. Ngoài dạy học chữa bệnh ông còn khai khẩn đất hoang mở mang ruộng vườn canh tác, những tên đất tên làng đến đâu ông đặt tên đến đó như: Nhà Đừng, Nương Hóp, Nhà Thánh…Bằng sức lao động của mình và sự đoàn kết với các dòng họ ông đã chiêu dân lập làng từ vùng đất hoang sơ thành những ruộng đồng màu mỡ xóm làng đông đúc người dân vùng khác di cư đến đây lập nghiệp sinh sống. Chính vì thế làng Đồng Cường trước đây hoang vu không có người sinh sống nhưng đến thế kỷ XVIII đã trở thành vùng dân cư đông đúc thuộc phủ Đức Quang thời Lê.
Cụ Trần Diệu Toán mất 1780 ( niên hiệu cảnh hưng năm thứ 40 đời vua Lê Hiển Tông) xét sớ đệ trình của làng Đồng Cường tổng Đồng Công phủ Đức Thọ về công lao và linh ứng của cụ đối với dân với nước đã sắc phong cho cụ là “Đông phụ Trứ Linh hùng vĩ chi thần” và phong làm thành hoàng làng Đồng Cường, cho phép dân làng và dòng họ xây dựng nhà thờ đàn tế cụ ở Gò Công. Năm 1924 triều Nguyễn sau khi xem xét sớ tâu của làng Đồng Cường về công trạng của thành hoàng làng Trần Diệu Toán vua Khải Định đã ban sắc phong cho cụ Hiệu sinh triều Lê Trần Diệu Toán. Năm 1925 tại Đình cả người dân tổng Đồng Công tổ chức lễ hội tôn vinh đón nhận sắc phong vua Khải Định cho thành hoàng làng Đồng Cường.
Hiện nay con cháu dòng họ Trần Văn còn lưu giữ được nhiều tư liệu, hiện vật cổ có giá trị lịch sử như: các đạo Sắc phong thời Nguyễn, Gia phả, thần vị, câu đối, bức đại tự bằng văn tự Hán cổ, trong đó có cuốn sách thuốc bằng văn tự Hán cổ, là bút tích của danh thần Trần Diệu Toán (cuốn sách được viết bằng giấy dó đã ngã màu vàng úa kiểu chử Hán cổ được viết theo lối chân thư dày hơn 200 trang).
Đền thờ Trần Diệu Toán được trùng tu tôn tạo năm 2014 với kinh phí xã hội hóa con cháu họ Trần trên 100.000.000đ; năm 2022 kinh phí xã hội hóa làm khuôn viên trên 325.000.000đ, kiến trúc di tích gồm: Hệ thống hai cột trụ cổng được nối với nhau hình vòng cung kiểu mái vòm hai bên cột có câu đối. Hệ thống tắc môn và sân được kết cấu kiến trúc hình chử nhật, khuôn viên được trồng cây xanh bóng mát. Nhà bái đường được xây dựng kiến trúc một gian hai hồi văn. Đàn tế thần tổ Trần Công Diệu Toán là bộ phận kiến trúc đặc biệt mang tính chất cộng đồng làng xã, Đàn Tế hướng về phía Bắc chiều dài 9,5 mét, chiều rộng 4,5 mét, trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn. Hằng năm đàn tế thường niên vào ngày 15/1 và 15/7 âm lịch và các ngày lễ sóc vọng hàng tháng.
Để tôn vinh người có công với đất nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, ghi nhớ công ơn của danh nhân đối với đất nước, năm 2015 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định công nhận đền thờ Trần Diệu Toán là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2015.
Đền thờ Trần Diệu Toán là di tích lịch sử văn hóa có giá trị không chỉ là nơi thờ tự tưởng niệm danh thần Trần Diệu Toán đã có công với quê hương đất nước, mà còn có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, đây là một loại hình kiến trúc độc đáo tồn tại qua hàng trăm năm trên vùng đất Hà Tĩnh là một nét đẹp văn hóa tâm linh cần được bảo tồn.
Hiện nay, để phát huy giá trị của di tích, Ban quản lý di tích xã Tân Dân cùng các cấp, các ngành liên quan, con cháu dòng họ Trần đã xây dựng nâng cấp tôn tạo di tích. Với giá trị lịch sử to lớn, Đền thờ là nơi thờ cúng đã đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, con cháu dòng họ Trần thường xuyên về dâng hương, viếng thăm. Đây là điểm đến ý nghĩa, là nơi giáo dục truyền thống về lòng tự hào dân tộc, giáo dục thế hệ sau biết quý trọng những giá trị văn hóa của cha ông để lại, tiềm năng to lớn phát triển văn hóa và du lịch của huyện Đức Thọ nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.