Diện tích tự nhiên của xã Đức Thanh là 590 ha trong đó đất nông nghiệp là 362,31 ha, đất thổ cư 22,44 ha các loại đất khác 204,17 ha. Đất đai phong phú, đa dạng là điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp Đức Thanh phát triển với nhiều loại cây trồng khác nhau, phù hợp với đời sống kinh tế của người dân nơi đây là thuần túy về nông nghiệp.
Ngày nay, cùng với nhiều chủ trương, cơ chế mới trong sản xuất nông nghiệp được xã Đức Thanh triển khai hiệu quả trên địa bàn thì diện tích đất canh tác nông nghiệp cũng được mở rộng (chiếm 61,4% tổng diện tích tự nhiên). Từ chỗ chỉ gieo, trỉa được 1 vụ lúa mùa, nay Đức Thanh trở thành địa phương có 2 vụ lúa tốt tươi, trở thành một trong những vùng trọng điểm lúa của huyện Đức Thọ. Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm và vùng tiểu khí hậu Vinh – Bến Thủy nên xã có những khó khăn nhất định.
Sông Minh (hay còn gọi là hói Trúc) bắt nguồn từ Đò Trai vào địa bàn xã chia làm 2 nhánh: một nhánh chảy vào Đức Thanh, một nhánh chảy về chợ Giấy (Đức Dũng) tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền bè từ Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La xuôi ngược giao thương thuận tiện. Giữa năm 1966 tỉnh Hà Tĩnh cho đào kênh 19 – 5 từ Hói Đẽo (Bùi Xá) vào huyện Can Lộc chảy qua địa phận xã Đức Thanh với chiều dài 2km và nạo vét nắn dòng Hói Trúc về chợ Giấy càng tạo điều kiện cho việc chống hạn, chống úng và giao thông bằng đường thủy trên địa bàn xã từ Đức Thọ đi Can Lộc, Thạch Hà và ngược lại.
Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn xã Đức Thanh khá thuận lợi với QUốc lộ 15A qua địa phận của xã dài 2km là trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại. Ngoài ra các tuyến đường liên xóm đường xương cá trên địa bàn cũng thường xuyên được nâng cấp, mở rộng. Đặc biệt đường liên xã Thanh - Bình - Thịnh đi qua địa bàn xã với chiều dài 4km nối lền quốc lộ 15A và quốc lộ 8A không những tạo điều kiện thuận lợi để Đức Thanh phát triển kinh tế, mở rộng các ngành dịch vụ, thương mại một cách đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao lưu văn hóa giữa các vùng.
Trước đây Đức Thanh có nhiều đình, đền, chùa nhưng qua thời gian hầu hết các đình, đền chùa đều không còn nữa hoặc trở thành phế tích như đình Tam Thanh, đình làng Chát Trú ở Trung Đình khá đồ sộ, đền Đại Vương, đền Cả ở Phúc Lai…Hiện nay trong xã chỉ còn miếu thờ Hải Thượng Lãn Ông.

Đền thờ Đức Ông

Đền Đức Quán Thánh (khi chưa tu sửa)
Đức Thanh còn có nhiều chùa: Chùa Rạch, Chùa Nát ở Ba Linh, chùa Phát Lát ở làng Thượng Xá, chùa Thiên Báo, chùa Vịnh Giang, chùa Bà Đanh nay không còn hoặc đã xuống cấp nghiệm trọng. Trong xã có nhà thờ Phan văn Tình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Phan Văn Tình (khi chưa tu sửa)
Các hoạt động văn hóa dân gian trước đây khá phong phú, vào những ngày lễ tết có tế thần, rước kiệu, tổ chức các trò chơi đánh đu, đi cầu kiểu, ném cổ chai, cổ vịt….Đức Thanh là một trong những xã có truyền thống văn hóa dân gian của huyện Đức Thọ. Các loại hình văn hóa dân gian sử dụngchất liệu dân ca các miền như: hò Ví Giặm, hát đò đưa, ví phường vải, hát ru….
Dân ca ví dặm