Bắt đầu trồng từ năm 2017, đến nay mô hình trồng Táo của anh Nguyễn Trung Tính, sinh năm 1984, ở tổ dân phố Đại Thành, Thị trấn Đức Thọ đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Qua quá trình sản xuất cho thấy giống cây ăn quả này phù hợp với vùng đất bãi ven Sông La.
Hiện nay, trên diện tích gần 7000 m2 đất bãi ngoài đê La Giang của anh Tính có 300 cây Táo đang sai quả. Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, toàn bộ vườn Táo của anh bị ngập lụt, ngay sau khi nước rút, anh tập trung chăm sóc để cây phát triển tốt, cho thu hoạch trong vài tháng tới.
Anh Tính vốn rất yêu thích làm vườn, nhưng vì mưu sinh, anh đã phải làm rất nhiều nghề. Mãi đến năm 2017 anh mới bén duyên với nghề trồng Táo. Được địa phương tạo điều kiện cho thuê đất, bước đầu anh trồng 150 cây. Thấy đây là giống cây ăn quả dễ trồng, dễ chăm sóc, lại cho thu nhập cao, nên anh tiếp tục trồng thêm 150 cây. Cho đến nay, anh Tính đã thu hoạch được 3 năm từ vườn Táo này. Trong đó năm 2019 do chưa có kinh nghiệm, nên bị Ruồi vàng đục quả, ảnh hưởng đến năng suất, trừ chi phí, anh Tính chỉ lãi được 20 triệu đồng. Năm 2020 tăng lên 80 triệu đồng, và năm 2021 mưa thuận, gió hòa, cùng với sự dày công chăm sóc, vườn táo của anh Tính đã cho vụ thu hoạch bội thu, với lãi ròng lên đến 150 triệu đồng. Anh Tính chia sẻ: trước đây tôi làm nghề lái xe, nhưng sau đó sức khỏe không đảm bảo nên nghỉ về làm vườn, vì bản thân rất thích trồng cây. Sau đó đi các nơi thấy người ta trồng táo dễ, nên về trồng. Sau khi trồng thấy phù hợp với sức khỏe. Mấy năm đầu chưa có kinh nghiệm nên cũng có mất mùa, năm thì bị sâu hại, năm thì bị mưa lũ. Nhưng hiện nay cơ bản nắm vững kỹ thuật như: đốn cây, phòng trừ các loại địch hại, tỉa để tạo tán, kích cây ra hoa, tạo quả...nếu thuận hòa về thời tiết, vườn táo này phải cho lãi ròng 300 triệu đồng/năm.
Giống Táo anh Tính trồng gọi là Đại Táo, cây giống được anh nhập về từ tỉnh Nam Định với giá 20 ngàn đồng/cây. Sau khi trồng khoảng 1 năm đã cho lứa quả đầu tiên, trọng lượng trung bình từ 6 – 8 quả 1 kg. Thời vụ của cây Táo từ khi ra hoa, tạo quả, và cho thu hoạch là khoảng tháng 6 đến tháng 12 dương lịch hàng năm.
Thời điểm bận rộn nhất của người trồng Táo là tầm tháng 2 và tháng 6. Trong đó tháng 2 phải đốn cành sau thu hoạch và bón phân, tháng 6 là neo giằng cây để tạo tán, và phòng tránh mưa bão làm lung lay cây, gây thất thoát quả, ảnh hưởng đến năng suất.
Cây Táo nếu được chăm sóc tốt, gặp thời tiết thuận lợi, trung bình mỗi cây cho năng suất từ 30 – 40 kg. Năm 2021 mỗi kg Táo anh Tính bán tại vườn có giá 30 ngàn đồng. Với 300 cây Táo, thu nhập trừ chi phí anh thu lãi ròng 150 triệu đồng.
Không chỉ tạo ra lợi nhuận từ trồng Táo, từ đó nâng cao đời sống cho gia đình, anh Tính còn có dự định xây dựng vườn Táo của mình thành điểm du lịch trải nghiệm, anh đang tính làm thêm cột sắt kiên cố, nhà lưới để trồng thêm các loại hoa, để người đến mua táo có thể chụp hình live stream. Anh Tính cho biết thêm.
Ông Ngô Ngọc Hân - Chủ tịch Hội nông dân huyện Đức Thọ trao đổi một số kỹ thuật về phòng trừ các loại sâu gây hại, giúp cây Táo phát triển tốt và cho năng suất, hiệu quả cao hơn.
Sau khi tham quan, khảo sát mô hình trồng Táo, hội nông dân huyện Đức Thọ cũng đã cam kết, sẽ đồng hành với anh Tính trong quá trình chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm. Ông Ngô Ngọc Hân, Chủ tịch Hội nông dân huyện Đức Thọ nói: bước đầu cho thấy Táo là cây ăn quả phù hợp với đồng đất Đức Thọ. Chúng tôi tới đây sẽ mạnh dạn tham mưu với cấp ủy chính quyền nhân rộng mô hình này, đồng thời đồng hành với anh Tính trong làm các thủ tục, hồ sơ để được hưởng những chính sách trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Chúng tôi cũng sẽ là nhịp cầu nối để đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Mô hình trồng Táo của anh Nguyễn Trung Tính bước đầu đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao, có nhiều triển vọng để nhân rộng trên địa bàn. Góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương một cách hiệu quả.