UBND XÃ TRƯỜNG SƠN

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PBGDPL

 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Trường Sơn, ngày 08 tháng 11 năm 2022

 

 

 

 

BÀI TUYÊN TRUYỀN NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Bài tuyên truyền ngày pháp luật Việt Nam nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam, nâng cao ý thức chấp hành luật và thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngày 9 - 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội... Dưới đây là 3 mẫu Bài tuyên truyền ngày pháp luật Việt Nam dành cho các cơ quan, tổ chức nhằm tuyên truyền đến người dân ý thức chấp hành pháp luật Việt Nam.

1. Chủ đề Ngày Pháp luật 2022

Triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đổi mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

2. Khẩu hiệu tuyên truyền

- Tăng cường truyền thông chính sách pháp luật để tạo đồng thuận trong xã hội và nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, thực hiện pháp luật của Nhân dân.

- Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Chủ động tìm hiểu, gương mẫu tuân thủ, thực thi pháp luật là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp.

- Tích cực cải cách hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.

- Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

- Nâng cao hiệu quả công tác tư pháp để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid -19 và phát triển kinh tế - xã hội.

- Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tích cực tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp thực hiện công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả

1. Bài tuyên truyền Ngày pháp luật Việt Nam số 1

Tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại Điều 8 của Luật quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nhân.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 40 quốc gia tổ chức "Ngày Pháp luật" hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội hằng năm để kỷ niệm ngày ký, ngày ban hành Hiến pháp của nước mình.

Ở nước ta, theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012 thì: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Việc Quốc hội lựa chọn ngày 9/11 là ngày pháp luật vì vào ngày này cách đây 75 năm, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị-pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước. Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 4 Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2013), những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta

Chính vì vậy, mục đích, ý nghĩa quan trọng của Ngày Pháp luật là để nhân dân thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi con người và trong sự phát triển của quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc, đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người dân, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.

Thứ nhất, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật: Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để tất cả các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.

Thứ hai, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật: Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền - lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

Thứ ba, đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước: Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân:

Thứ năm, hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý: Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, cần phải xây dựng lối sống tôn trọng pháp luật. Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các ứng xử theo pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời mà trở thành thói quen. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Bài tuyên truyền Ngày pháp luật Việt Nam số 2

Cơ sở pháp lý của Ngày Pháp luật

Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 nhưng tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 – Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật); đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Cụ thể hóa Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 04 tháng 4 năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị định số 28/2013/NĐ-CP) theo đó, nội dung, hình thức; trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật được cụ thể hóa tại Chương 2 của Nghị định.

Nội dung tổ chức Ngày Pháp luật, theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP: Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của Nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; Vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Hình thức tổ chức Ngày Pháp luật, theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP, bao gồm: Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Mục đích, ý nghĩa của ngày Pháp luật, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, trong ngày này mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để tất cả các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.

Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật: Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước: Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân: Bản chất của nhà nước pháp quyền chính là tính thượng tôn của pháp luật trong tổ chức đời sống kinh tế, xã hội của một quốc gia. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện, bao gồm tính thống nhất, ổn định, minh bạch, công bằng và dân chủ. Tổ chức Ngày Pháp luật góp phần đáp ứng các yêu cầu trên và trở thành một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền đòi hỏi việc nâng cao mạnh mẽ nhận thức pháp luật của cán bộ, Nhân dân, thể hiện thái độ của các thành viên trong xã hội đối với kỷ cương, pháp luật; là sự đánh giá và ghi nhận tính công bằng của pháp luật. Pháp luật chỉ có thể trở thành công cụ điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp nhận, chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Bởi thế, phổ biến, giáo dục pháp luật được coi là khâu đầu tiên của việc thi hành pháp luật, là cầu nối để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật.

Đối với việc thi hành pháp luật, tổ chức Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng nền hành chính trong sạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế xã hội và sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân.

Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý: Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, nâng cao trình độ văn hóa cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời khi có áp lực từ bên ngoài. Lối sống theo pháp luật đòi hỏi trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức về sự cần thiết và giá trị xã hội của pháp luật từ phía các cá nhân; ý thức tự nguyện, từ những lợi ích, từ mức độ hài lòng của dân chúng vào hệ thống pháp luật mà họ được thụ hưởng, từ thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật. Ngày Pháp luật được tổ chức với ý nghĩa đó./.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG

 

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Tuyến

(Chủ tịch UBND xã)

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 137.724
    Online: 46