Một ngày cuối năm rực nắng tôi trở lại bến Tam Soa, tưởng như bao nhiêu ánh vàng chưa kịp phát lộ đã nhằm ngày đó để cháy hết mình. Tam Soa vì thế trở nên bừng sáng, lộng lẫy hơn bao giờ hết.
Một ngày cuối năm rực nắng tôi trở lại bến Tam Soa, tưởng như bao nhiêu ánh vàng chưa kịp phát lộ đã nhằm ngày đó để cháy hết mình. Tam Soa vì thế trở nên bừng sáng, lộng lẫy hơn bao giờ hết.
|
Tam Soa ngày rực nắng. Ảnh: Đình Thông
|
Trong ký ức xa ngái của tôi, Tam Soa là một nơi chốn xa vời không dễ gì đến được. Thế mà sau nhiều năm đi xa trở về làm việc tại quê hương, không ngờ đó lại là chốn tôi thường qua trong những chuyến về, đi tất tả. Đôi khi là vì công việc, đôi khi cũng chỉ vì một sở thích được lắng hồn mình giữa ngã ba sông nước mênh mang. Thả chân trần trên bờ đê xanh cỏ ấm và lộng gió, tôi cảm nhận được hơi ấm của mặt trời lẫn vị ngọt của những làn gió rét. Để mặc cho lòng mình trôi trong miền thanh bình, êm ả, mặc cho bao cảm xúc bộn bề ùa về giữa tâm hồn, tôi cảm nhận rất rõ những bước chân của mùa xuân đang đến thật gần. Và những được mất, hệ luỵ của đời người cũng sẽ trôi đi như dòng chảy kia, hiền hoà và êm ả.
Mùa xuân đang đến trên đồi thông vi vút reo vui cùng nắng gió, mùa xuân đang đến trên những chuyến hàng hoá trôi từ thượng nguồn Hương Sơn, Hương Khê dọc theo dòng Ngàn Phố, Ngàn Sâu qua Tam Soa xuống đồng bằng… Đã thấy trên những thuyền bè xanh mướt lá dong và ống giang dùng để gói bánh chưng ngày Tết và không biết bao nhiêu là sản vật mùa xuân của núi rừng đang theo những thương lái qua ngã ba Tam Soa xuôi dòng sông La về chợ Thượng và các vùng biển cả.
Chẳng biết vì nguyên cớ địa lý nào mà tại ngã ba Tam Soa quanh năm nước trong xanh, ngọt mát không bao giờ có nước đục, nước lợ tràn vào. Có lẽ nhờ có phong thổ tốt mà các làng mạc ven bến Tam Soa đều trù phú và phát triển sớm cả về văn hoá lẫn kinh tế. Câu ca dao “Ai về Hà Tĩnh thì về. Mặc lụa chợ Hạ uống nước chè Hương Sơn” là một minh chứng cho nghề dệt lụa ở Kẻ Hạ một thời. Dẫu bây giờ các làng nghề không còn nữa nhưng dân gian vẫn truyền nhau câu chuyện về một bến Tam Soa lúc nào cũng tấp nập khách thập phương đến chờ mua lụa Kẻ Hạ, vải Yên Phúc, Nội Diên… như một niềm tự hào lẫn tiếc nuối. Xa xa bên kia là làng nghề đóng thuyền và đan lát Trường Sơn. Trải qua thời kỳ khó khăn, nhân dân xã Trường Sơn đang đổi thay cuộc sống của mình từng ngày. Đứng bên này nhìn sang các làng mạc bên kia sông mới cảm nhận được sự đổi thay đó một cách bao quát nhất mà cũng cụ thể nhất. Mùa xuân của đất trời và mùa xuân của lòng người đang tràn về trên màu đỏ tươi của những mái ngói mới, trên màu xanh non của những hàng cây. Thoảng trên bờ sông có mấy người đang bận rộn với những cây tre dài, chắc mập, hỏi ra mới hay họ đang chuẩn bị cho trò chơi cầu tõm đầu xuân truyền thống của vùng sông nước này. Cái cách người ta chú ý chăm chút và chờ đợi các trò chơi và lễ hội truyền thống chứng tỏ cuộc sống vật chất đang đủ đầy. Lễ hội đua thuyền trên sông La có lẽ là lễ hội được bà con vùng sông nước này chờ đợi nhất. Ngư dân các xã Trường Sơn, Tùng Ảnh, làng chài thị trấn Đức Thọ… vào những ngày này đang ra sức luyện tập để chuẩn bị đua tài trên sông vào đầu tháng Giêng Âm lịch. Cùng với việc lo thực phẩm cho ngày Tết, các mẹ các chị cũng đang ráo riết luyện các điệu hát đối, hát hò sao cho thật thanh thoát, thật trong sáng, thật da diết để hát trên bến Tam Soa vào dịp lễ Tết. Tôi đọc được nét hân hoan rạng ngời trong niềm mong mỏi ngày Tết của họ. Vào những ngày đó Tam Soa sẽ trở thành một chốn hội hè đình đám với đủ các loại sắc màu rực rỡ của mùa xuân. Những nét dẹp truyền thống đang được khôi phục ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc, Tam Soa cũng sẽ vươn mình trở dậy với một sức sống mới, một nguồn hơi thở mới.
Nhân dân Đức Thọ muôn đời nay vẫn tự hào đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt quả là có lý. Chỉ riêng làng Tùng ảnh ven bến Tam Soa cũng đã góp cho đất nước này những anh hùng hào kiệt, riêng làng khoa bảng Đông Thái đã có tới hàng trăm vị tiến sỹ giúp ích cho đời. Từ bến sông quay nhìn lại làng Tùng Ảnh mới cảm nhận hết khí thiêng của đất trời. Trên cao xanh thắm ngàn thông kia là núi Châu Phong(núi Son) nơi có mộ vị tướng lĩnh tài ba Phan Đình Phùng. Tương truyền rằng giặc Pháp đã vì mối căm thù với người con sông La nên đã đào mộ, đốt thi thể ông rồi nhồi vào đại bác bắn xuống dòng sông với một lời nguyền ác độc. Thế là thi thể Phan Đình Phùng đã hoà vào dòng chảy trong xanh mềm mại kia, còn linh hồn ông lại phiêu diêu cùng ngàn thông quê hương. Kẻ thù không biết rằng làm thế là đã giúp ông trở về gần gũi nhất với quê nhà. Gần bến Tam Soa hơn là đồi Quần Hội - nơi an nghỉ cuối cùng của anh hùng Trần Phú. Người ta thật có lý khi để ông nằm đó, đó là thế “dầu gối sơn, chân đạp thuỷ”, yên nghỉ ở những chỗ như thế chẳng những tiếng thơm còn vang mãi muôn đời mà còn phù giúp con cháu làm ăn phát đạt. Đã qua rồi những ngày tháng trăn trở cùng bản luận cương, trăn trở tìm đường giải phóng dân tộc với tinh thần bất khuất “hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, giờ đây, trên đồi Quần Hội linh hồn Trần Phú sẽ trở lại yên bình, lắng sâu cùng hơi thở của sông nước cả trong những đêm trăng thanh bình yên ả, cả trong những ngày thuyền bè tấp nập rẽ sóng qua Tam Soa… Vào những dịp gần Tết như thế này, con cháu ở xa về quê lại lên đồi thăm mộ các ông, thắp nén tâm hương tưởng nhớ và cầu mong bình an cho lòng người, cho quê hương. Trong khói hương bảng lảng, giữa hồn thiêng sông núi mùa xuân đang đến thật gần, thật gần…
Chếch chếch về xa xa, từ ngọn núi Thông nhìn xuống phía Tây Nam chân núi là gềnh đáTam Soa. Đó là một mạch đá đi chìm phóng xuống giữa lòng sông ra tới giữa lòng sông mới nổi lên một chạn đá, người ta gọi đó là “Tam Soa thạch”. Xưa kia đó là thi đàn của các bậc văn nhân các làng trên bến sông. Để ra được ghềnh đá phải dùng đò và trong những đêm trăng sông nước thanh bình, những vần thơ đã ra đời rất thư thái. Còn hay mất những vần thơ ấy trong trí nhớ người đời? Chẳng ai biết nhưng hẳn là Tam Soa đã ôm trọn trong lòng mình hồn cốt của quê hương, giữ lại tất cả dấu tích tinh thần của quá khứ một cách thầm lặng và bền lâu nhất. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, tôi bỗng ao ước một ngày nào đó tại gềnh đá này lại xuất hiện những thi nhân và rồi những cung trầm cung bổng lại bay ra cùng sóng nước mênh mang.
Trở lại Tam Soa trong những ngày cuối đông sẽ cảm nhận được những bước chân hối hả của thời gian. Có thể giữa ngã ba sông nước, giữa những ngã rẽ của cuộc đời tâm hồn ta sẽ vô cùng xao động, có một chút bâng khuâng, một chút trở trăn, một khoảnh khắc chạnh lòng, một chút nỗi cô đơn, một thoáng niềm hoài cổ…nhưng hơn hết là sẽ thẩm thấu vào tâm hồn mình sự ấm áp, sự đoàn viên bởi những giá trị truyền thống và cuộc sống đang hiện hữu từng ngày nơi đây. Tôi chợt biết rằng dòng sông hay dòng đời cũng tựa nhau, cần phải biết thả trôi đi những điều không tốt và giữ lại trong lòng những giá trị của cuộc sống, như bến Tam Soa muôn đời trong xanh mát ngọt và yên lành.
Anh Hoài