Sáng nay (ngày 19/5), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức hội nghị văn hóa toàn tỉnh năm 2022. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 347 điểm cầu cấp huyện, xã, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc với sự tham gia của 15.000 đại biểu.

Dự hội nghị có Đ/c Hoàng Trung Dũng, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT và DL.

Các đồng chí: Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu huyện Đức Thọ, Đ/c:  Đặng Giang Trung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện; Đ/c  Trần Hoài Đức, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chủ trì.

Tại hội nghị, đại biểu được nghe báo cáo bằng hình ảnh tình hình văn hóa Hà Tĩnh giai đoạn 1998 - 2022; định hướng, giải pháp phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng qua video trình chiếu.

Đại biểu theo dõi nội dung hội nghị tại điểm cầu huyện Đức Thọ.

Theo đó, sau hơn hai mươi năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 05/10/1998 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (khóa XIV) về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết TW5 (khóa VIII) và các chủ trương, nghị quyết khác của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Bên cạnh những kêt quả đạt được, hội nghị thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, trong đó nêu rõ: quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội; phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa toàn diện; tiềm năng văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa được khai thác, phát huy; lĩnh vực văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh và yêu cầu phát triển của tỉnh; công tác tuyên truyền, vận động xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh chưa thường xuyên, liên tục; môi trường văn hóa vẫn chưa thực sự văn minh, lành mạnh...

Phát biểu tham luận hội nghị, các đại biểu đã thể hiện niềm tự hào về bề dày truyền thống văn hóa của quê hương và những trăn trở các giải pháp vì sự phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Minh Phương tham luận nội dung “Nhận diện cơ hội và thách thức đối với việc phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Xuân Thập tham luận nội dung “Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh và động lực phát triển của Hà Tĩnh”.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định: Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm tiếp tục triển khai các nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng; là nền tảng, động lực giúp dân tộc ta trường tồn, phát triển. Quan điểm về phát triển văn hoá, xây dựng con người luôn được Đảng ta nhận thức nhất quán, xuyên suốt, kế thừa và phát triển.

Với Hà Tĩnh, truyền thống văn hóa đã trở thành nguồn sức mạnh nội sinh để Nhân dân tỉnh nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chiến thắng thiên tai, địch họa, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong hơn 30 năm tái lập tỉnh (1991-2022), nhiều giá trị văn hóa mới được bổ sung và phát triển.

Phân tích một số hạn chế trên lĩnh vực văn hóa và những thời cơ, thách thức trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, cả hệ thống chính trị phải thể hiện quyết tâm cao, đề ra các cơ chế, chính sách cụ thể để khơi dậy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương; khơi dậy ý chí, khát vọng của mỗi người dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Phải xác định, chỉ đạo phát triển lĩnh vực văn hóa là trách nhiệm thường xuyên của hệ thống chính trị, nhất của những người đứng đầu.

Các địa phương, đơn vị phải hết sức chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Tiếp tục xây dựng, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Khai thác, sử dụng hiệu quả công năng các nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ; chú trọng tới các thiết chế văn hóa, tạo môi trường cho công dân có nơi sinh hoạt, hưởng thụ lành mạnh.Thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ.

Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, con người. Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ dân gian, các lễ hội. Nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, truyền thông, đáp ứng yêu cầu chuyển tải các giá trị văn hóa đến công chúng. Chú trọng hiện đại hóa mạng lưới phát thanh, truyền hình, báo chí, Internet… gắn với tăng cường công tác quản lý nhà nước. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa Hà Tĩnh đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 180.558
    Online: 105