Phép năm là một trong những quyền lợi pháp luật dành riêng cho người lao động. Để không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh thì khi nghỉ phép, người lao động phải báo trước bao lâu?
Thời gian nghỉ phép năm của người lao động
Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Lao động, số ngày nghỉ phép năm của người lao động được dựa trên tính chất công việc và thời gian làm việc thực tế. Cụ thể:
Đối với người làm việc chưa đủ 12 tháng
Thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc.
Đối với người làm việc từ đủ 12 tháng trở lên
- 12 ngày nếu làm việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở nơi có điều kiện sống khắc nghiệt hoặc là lao động chưa thành niên, người khuyết tật;
- 16 ngày nếu làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.
Trong đó, thời gian làm việc thực tế còn bao gồm:
- Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động theo cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề;
- Thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động;
- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương;
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng;
- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 06 tháng;
- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng;
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản;
- Thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn;
- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;
- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc.
- Thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.
Ngoài ra, nếu làm việc lâu dài thì cứ 05 năm, người lao động lại có thêm 01 ngày nghỉ.
Xem chi tiết tại: Cách tính ngày phép theo từng tháng
Chế độ nghỉ phép năm (Ảnh minh họa)
Như đã đề cập ở trên, pháp luật hiện hành chỉ quy định số ngày nghỉ phép năm của người lao động mà không có bất cứ nội dung nào hướng dẫn cụ thể về thủ tục để nghỉ.
Điều này đồng nghĩa với việc pháp luật đang tạo điều kiện cho người sử dụng lao động được linh hoạt để phù hợp với điều kiện, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông thường, người sử dụng lao động sẽ quy định cụ thể vấn đề này trong nội quy lao động.
Ví dụ:
Nghỉ phép từ 0,5 - 01 ngày: Xin phép trước 24h00 ngày hôm trước.
Nghỉ phép từ 1,5 - 2,5 ngày: Xin phép trước 02 ngày.
Nghỉ phép từ 03 - 05 ngày: Xin phép trước 01 tuần.
Nghỉ phép từ 5,5 ngày trở lên: Xin phép trước 02 tuần.
Do đó, khi nghỉ phép, người lao động phải báo trước bao nhiêu ngày sẽ có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp.
Và vì đảm bảo quyền lợi cho mình, người lao động không nên bỏ qua bất cứ nội dung nào của nội quy, quy chế doanh nghiệp để thực hiện cho đúng.
Phạm Gia Đức
Nguồn: Luatvietnam.vn