1. Quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”

Ngày 17/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về việc xét tặng danh hiệu “Gia Đình Văn Hóa”; “Thôn Văn Hóa”, “Làng Văn Hóa”, “Ấp Văn Hóa”, “Bản Văn Hóa”, “Tổ Dân Phố Văn Hóa”.

Một trong các nội dung đáng chú ý là không xét tặng danh hiệu “Gia Đình Văn Hóa” nếu bất kỳ thành viên nào trong gia đình có hành vi tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Việc đăng ký các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” phải được thực hiện trước ngày 30/01 và tiến hành bình xét trước ngày 20/12 cùng năm.

Nghị định 122/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/11/2018.

2. Không sử dụng hình ảnh hút thuốc lá trong phim dành cho trẻ em

Theo Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL, tác phẩm sân khấu, điện ảnh không được sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá trong các trường hợp sau đây:

- Thể hiện hành vi bị nghiêm cấm và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án hành vi này;

- Ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá;

- Thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, diễn viên chỉ được sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm điện ảnh khi: Khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; Tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; Phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá; Trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.

3. Ba loại thực phẩm chức năng cho trẻ em phải kê khai giá

Ngày 12/9/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22/2018/TT-BYT quy định Danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá.

Danh mục này bao gồm 3 loại thực phẩm chức năng: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Thực phẩm dinh dưỡng y học; Thực phẩm bổ sung, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Danh mục nêu trên là cơ sở để các cơ quan thực hiện quản lý giá theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thông tư, trước ngày 1/7/2019, UBND cấp tỉnh phải đăng tải toàn bộ danh sách các sản phẩm đã được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc do tổ chức, cá nhân tại địa phương tự công bố.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.

4. Hiến máu tình nguyện được nhận quà là dịch vụ khám, chữa bệnh

Từ 1/11/2018, chế độ hỗ trợ đối với người hiến máu, bao gồm cả hiến máu lấy tiền và hiến máu tình nguyện không lấy tiền sẽ được áp dụng theo Thông tư 20/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Cụ thể, người hiến máu toàn phần tình nguyện được lựa chọn nhận quà tặng là dịch vụ khám, chữa bệnh thay vì chỉ được nhận quà tặng bằng hiện vật như trước đây. Giá trị tối thiểu của quà tặng như sau:

- 100.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 250ml;

- 150.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 350ml;

- 180.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 450ml.

Thủ trưởng của đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn.

5. Thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn

Ngày 14/9/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 23/2018/TT-BYT quy định chi tiết về việc thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, việc xử lý các sản phẩm thực phẩm này sau khi thu hồi vẫn được thực hiện theo một trong 04 hình thức: Khắc phục lỗi ghi nhãn, chuyển mục đích sử dụng, tái xuất và tiêu hủy.

Tuy nhiên, có một điểm mới đó là nếu chủ sản phẩm tự nguyện thu hồi sản phẩm của mình thì sẽ có quyền tự lựa chọn áp dụng một trong 04 hình thức xử lý nêu trên.

Thông tư 23/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

6. Không sử dụng người dưới 18 tuổi làm công việc bức xạ

Các cơ sở y tế không được sử dụng người dưới 18 tuổi để vận hành các thiết bị bức xạ, làm việc với các nguồn phóng xạ, chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ bị chiếu xạ với mức liều lớn hơn 1mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ.

Với những người bệnh điều trị thuốc phóng xạ I-131, được xuất viện về nhà khi mức hoạt động phóng xạ được đánh giá còn trong người không quá 1100MBq. Khi người bệnh xuất viện, bác sĩ phải tư vấn và cung cấp văn bản hướng dẫn cho người bệnh về các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ cho người thân, đồng nghiệp và cộng đồng.

Nội dung trên được nêu tại Thông tư 13/2018/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.

7. Các trường phổ thông tiến tới học 2 buổi/ngày

Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Nghị định 127/2018/NĐ-CP ngày 21/09/2018 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.

Cụ thể, Chính phủ giao UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông.

Chính phủ cũng nhấn mạnh, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức đăng ký, huy động tối đa người trong độ tuổi đi học bảo đảm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.

8. Hướng dẫn chi kinh phí Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 86/2018/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, kinh phí sự nghiệp được chi cho một số nội dung sau đây:

- Chi mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu, bàn ghế học sinh; trang thiết bị, đồ dùng cho nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú học sinh; sửa chữa, cải tạo nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú;

- Chi xây dựng và triển khai Chương trình; xây dựng bộ chỉ số, hệ thống giám sát, đánh giá Chương trình; xây dựng hệ thống các biểu mẫu báo cáo, cơ chế thu thập thông tin;

- Chi thuê chuyên gia tư vấn trong nước;

- Chi tập huấn phổ biến chỉ số, hệ thống giám sát, đánh giá Chương trình cho cán bộ quản lý; tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao ban tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện chương trình;

- Chi cập nhật số liệu, thu thập và xử lý thông tin, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu của Chương trình ở cấp trung ương;

- Công tác phí đối với các đợt kiểm tra, giám sát;

- Thực hiện kiểm toán đối với việc sử dụng các nguồn vốn của Chương trình.

Xem thêm tại Thông tư 86/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/11/2018.

9. Hướng dẫn mới về cung cấp thông tin khách hàng của Ngân hàng

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NH).

Theo đó, NH chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân khi thuộc một trong các trường hợp:

- Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội quy định tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu NH cung cấp thông tin khách hàng;

- Có chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.

Ngoài 02 trường hợp này, NH chỉ được phép cung cấp thông tin khách hàng cho chính khách hàng hoặc người đại diện hợp pháp của khách hàng đó.

Nghị định 117/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2018 và thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000.

10. Hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử bị sai sót

Ngày 01/11/2018, Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, nếu có sai sót, cơ sở kinh doanh thực hiện như sau:

- Nếu phát hiện hóa đơn sai khi chưa gửi cho người mua:

 + Người bán thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này về hủy hóa đơn đã lập có sai sót;

+ Lập hóa đơn mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới và gửi cho người mua.

- Nếu phát hiện hóa đơn sai sau khi đã gửi cho người mua:

+ Người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót hoặc thông báo về hóa đơn sai sót (nếu sai sót thuộc trách nhiệm của bên bán);

+ Người bán thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để hủy hóa đơn lập sai;

+ Lập hóa đơn mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới và gửi cho người mua.

Xem thêm hướng dẫn đối với các trường hợp khác tại Nghị định 119.

11. Miễn gửi thang, bảng lương đối với doanh nghiệp dưới 10 lao động

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về tiền lương.

Theo đó, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi các tài liệu sau đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp:

- Thang lương, bảng lương

- Định mức lao động.

Nghị định 121/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

12. Rút ngắn thời gian cấp phép chứng thực chữ ký số

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.

Theo Nghị định này, thời gian thẩm tra hồ sơ và cấp phép chứng thực chữ ký số được rút ngắn còn 50 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp phép hợp lệ thay vì 60 ngày như trước đây.

Để được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;

- Có chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia cấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất giữ nguyên thời hạn giấy phép cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là 10 năm; chứng thư số cấp cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có thời hạn 5 năm.

13. Thẩm phán bị cách chức không được miễn tập sự luật sư

Có hiệu lực từ ngày 25/11/2018, Nghị định 137/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư với nhiều nội dung mới đáng chú ý.

Trước tiên, Nghị định bổ sung thêm trường hợp không được miễn đào tạo nghề luật, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư. Cụ thể, đó là những người đã bị xử lý hình sự hoặc kỷ luật đến mức bị cách chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên, tước danh hiệu công an nhân dân, tước quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; tước học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật...

Cũng theo Nghị định này, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân sẽ bị thu hồi trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư, luật sư không hoạt động trở lại hoặc không có báo cáo về việc tiếp tục tạm ngừng hoạt động quá 6 tháng, kể từ ngày hết thời hạn tạm ngừng hoạt động.

14. Phạt đến 200 triệu đồng khi bán hàng đa cấp bất chính

Nghị định 141/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 8/10/2018, có hiệu lực từ ngày 25/11/2018.

Theo Nghị định này, mức phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng được áp dụng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi bán hàng đa cấp bất chính sau:

- Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó…

Phạt gấp 2 lần mức phạt nêu trên nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trở lên.

Hoàng Thị Thơ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 122.880
    Online: 19