BÀI TUYÊN TRUYỀN

Trường hợp nào kết hôn trái luật vẫn được công nhận là vợ chồng?

 

Nam, nữ khi kết hôn phải đáp ứng điều kiện tại Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu không sẽ không được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Tuy nhiên, liệu có trường hợp nào kết hôn trái luật vẫn được công nhận là vợ chồng?

1. Kết hôn trái luật là gì? Gồm những trường hợp nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình, pháp luật cấm các trường hợp sau đây:

- Kết hôn giả tạo.

- Tảo hôn, cưỡng ép, lừa dối, cản trở kết hôn.

- Người đang có vợ, chồng mà kết hôn/chung sống với người khác như vợ chồng.

- Những người có các mối quan hệ sau đây mà kết hôn với nhau: Cùng dòng máu trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời, cha mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…

- Yêu sách của cải trong kết hôn.

Đồng thời, về điều kiện kết hôn, Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ, điều kiện là nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; nam, nữ tự nguyện kết hôn với nhau; hai bên không bị mất năng lực hành vi dân sự…

Do đó, nếu các trường hợp vi phạm các quy định nêu trên hoặc thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn thì sẽ bị coi là kết hôn trái hôn.

Đặc biệt, khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định:

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, nếu thuộc các trường hợp sau đây thì việc kết hôn sẽ bị coi là trái pháp luật: Kết hôn vi phạm về tuổi; sự tự nguyện của hai bên; giữa người mất năng lực hành vi dân sự; thuộc trường hợp bị cấm và giữa những người cùng giới tính.

2. Khi nào kết hôn trái luật vẫn được công nhận vợ chồng?

Căn cứ quy định nêu trên, việc công nhận quan hệ vợ chồng khi kết hôn trái luật được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:

Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.

Như vậy, có thể thấy, khi Tòa án giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái luật, nếu nam, nữ có đủ điều kiện sau đây thì vẫn được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó:

- Cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định.

- Hai bên kết hôn yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân.

Cụ thể như sau:

2.1 Kết hôn vi phạm về tuổi

Theo quy định điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình, điều kiện về tuổi để nam, nữ được đăng ký kết hôn là:

Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên

Trong đó, việc xác định “đủ” căn cứ theo ngày, tháng, năm sinh. Ví dụ, người nữ sinh ngày 10/01/1997 thì đến ngày 10/01/2015 người nữ sẽ được tính là đủ 18 tuổi.

Như vậy, nếu nam, nữ kết hôn khi chưa đủ các điều kiện về tuổi thì được xác định là kết hôn trái luật và tại thời điểm Tòa án giải quyết việc hủy kết hôn trái luật mà nam, nữ đã đủ tuổi, cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì nam, nữ này vẫn được công nhận là vợ, chồng hợp pháp.

2.2 Lừa dối, cưỡng ép… kết hôn

Trường hợp này, điểm d.2 khoản d Điều 2 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn sau khi bị ép buộc, lừa dối hoặc cưỡng ép mà bên bị ép buộc, lừa dối, cưỡng ép đã biết, thông cảm và tiếp tục chung sống hòa thuận thì không hủy việc kết hôn trái luật này.

Do đó, trong trường hợp này, dù kết hôn trái luật nhưng thì vẫn không bị hủy quan hệ hôn nhân và vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp nếu đáp ứng điều kiện nêu trên.

2.3 Kết hôn với người mất năng lực hành vi dân sự

Theo khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự, khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì khi nhận được yêu cầu, Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ việc tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, với tường hợp này, nếu người bị mất năng lực hành vi dân sự được Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ đáp ứng điều kiện kết hôn tại Luật Hôn nhân và Gia đình nên sẽ vẫn được công nhận là vợ chồng khi đáp ứng đủ điều kiện kết hôn.

Nói tóm lại, khi nam, nữ vi phạm các điều kiện kết hôn về độ tuổi, về sự tự nguyện và với người mất năng lực hành vi dân sự thì tại thời điểm Tòa án giải quyết hủy kết hôn trái luật nếu đáp ứng đủ điều kiện kết hôn thì vẫn có thể được công nhận là vợ chồng.

Trên đây là quy định về trường hợp kết hôn trái luật vẫn được công nhận là vợ chồng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI TUYÊN TRUYỀN

Quan hệ nhân thân là gì? Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân

 

Quan hệ nhân thân là một trong những khái niệm được nhiều người sử dụng, kể cả trong cuộc sống lẫn trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, để hiểu rõ quan hệ nhân thân là gì thì không phải ai cũng nắm được.

1. Quan hệ nhân thân là gì? Gồm những loại nào?

Quan hệ nhân thân là khái niệm được sử dụng nhiều trong các văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch… Tuy nhiên, ở tất cả các văn bản pháp luật đều chưa có một khái niệm cụ thể về quan hệ nhân thân.

Hiện nay, tại Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể là Mục 2 Bộ luật Dân sự chỉ quy định về quyền nhân thân. Theo đó, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự nêu rõ:

Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Trong đó, quyền nhân thân của một cá nhân gồm quyền có họ, tên; quyền thay đổi họ; quyền thay đổi tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền với hình ảnh, với quốc tịch…

Do đó, nhân thân là những vấn đề xung quanh bản thân một người, được hình thành từ khi sinh ra đến khi chết đi, gắn với cá nhân của một người. Qua đó, có thể hiểu quan hệ nhân thân là những quan hệ xung quanh một cá nhân cụ thể, có thể là quan hệ ruột thịt hoặc nuôi dưỡng…

Riêng tại khoản 4 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình, khái niệm về quan hệ nhân thân được đề cập đến như sau:

Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự…

Căn cứ các quy định này, có thể thấy, mặc dù quan hệ nhân thân không được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật nhưng có thể hiểu quan hệ nhân thân là các quan hệ của cá nhân với người khác như cha, mẹ, anh, chị, em… và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân

Mặc dù không có định nghĩa cụ thể về quan hệ nhân thân nhưng tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP có quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân gồm:

- Quan hệ vợ, chồng: Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân…

- Quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh, quyết định nhận cha mẹ con, quyết định nuôi con nuôi…

- Quan hệ anh, chị, em ruột: Giấy khai sinh, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã…

- Quan hệ cụ nội, cụ ngoại, ông bà nội, ông bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú bác ruột, người giám hộ: Quyết định cử người giám hộ, xác định của Ủy ban nhân dân cấp xã…

- Người chưa thành niên: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn…

- Không còn cha, mẹ: Giấy chứng tử của cha, mẹ, quyết định của Tòa tuyên bố cha mẹ mất tích, chết…

 3. Quan hệ nhân thân của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết

Với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì quan hệ nhân thân được quy định tại Điều 72 Bộ luật Dân sự được giải quyết như người đã chết.

Riêng với người đã được tuyên bố chết nhưng được Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó đã chết thì sẽ được khôi phục các quan hệ nhân thân trừ các mối quan hệ sau đây:

- Nếu đã ly hôn thì quyết định ly hôn của người bị tuyên bố đã chết trước đó vẫn còn hiệu lực.

- Nếu vợ, chồng của người bị tuyên bố là đã chết kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân này vẫn có hiệu lực.

- Vợ/chồng người bị Tòa án quyết định hủy tuyên bố đã chết chưa kết hôn thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn.

Như vậy, nếu một người trước đó bị Tòa án tuyên bố đã chết sau đó được Tòa án hủy quyết định này thì sẽ được khôi phục quan hệ nhân thân như trước khi bị tuyên bố chết ngoại trừ các trường hợp nêu trên.

Trên đây là giải đáp về quan hệ nhân thân là gì

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 122.770
    Online: 91