1. tiểu phẩm pháp luật về hành vi vi phạm về quy tắc giao thông đường bộ (Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) 2. tiểu phẩm pháp luật về vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Mục 3 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt). 3. tiểu phẩm pháp luật về vi phạm quy định về phương tiện giao thông đường sắt. (Mục 3 Chương III Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) 04. tiểu phẩm pháp luật về vi phạm quy định về người điểu khiển phương tiện giao thông đường bộ. (Mục 4 Chương I Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt). 5. tiểu phẩm pháp luật về vi phạm quy định về vận tải đường bộ. (Mục 5 Chương I Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

1. 01 tiểu phẩm pháp luật về hành vi vi phạm về quy tắc giao thông đường bộ (Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt)

 

Đằng sau tay lái là tính mạng của bạn và gia đình-

  1. Phân vai

          - Anh Hùng: Nhân viên xuất sắc của công ty IT

          - Anh Tiến: Sếp của anh Hùng

          - Chị Phương: Nhận viên của công ty IT

          - Anh Trường: Công an giao thông

          2. Nội dung

          Cảnh 1: Tại một quán bia, anh Tiến cầm cốc bia rồi vỗ vai anh Hùng cười nói:

          - Mọi người cùng nâng lý chúc mừng Hùng vì đoạt giải nhân viên xuất sắc nhất năm của công ty chúng ta nào. Suất một năm vừa qua, Hùng đã có nhiều nỗ lực trong công việc nên thành quả này là hoàn toàn xứng đáng.

          Hùng đứng lên, cầm cốc bia rồi mời mọi người và nói: - Cảm ơn anh Tiến và mọi người. Cũng nhờ có mọi người giúp đỡ nên em mới có được thành tích này. Cốc này em xin phép được mời mọi người. Mình cùng uống hết nhé.

          Sau khi anh Hùng nói xong, mọi người cùng nâng cốc và hô: - 1, 2, 3 zô, 2, 3 zô, 2, 3 hết. Hô xong mọi người cũng uống hết cốc bia trên tay.

          Sau khi đã uống ngà ngà, anh Hùng liền đến gần anh Tiến rồi nói: - Anh ạ, bao năm làm việc tại công ty nhờ có anh dìu dắt nên em mới có được thành tích này. Hôm nay, nhân dịp này, em muốn mời anh riêng một ly để cảm ơn anh. Cả năm qua hiếm có dịp anh em minh được ngồi uống với nhau thoải mái như thế này.

          Vừa nói, anh Hùng vừa cầm hai cốc bia một cho mình, một đưa cho anh Tiến. Anh Tiến cười nói: - Chú đã có lòng thì anh có dạ. Hôm nay là dịp cuối năm, anh em mình cứ thoải mái xõa đi. Hôm nay là ngày vui của chú, anh sẽ theo chú.

          Vừa nói, anh Tiến cầm cốc bia trong tay anh Hùng. Cả hai cùng cụng với nhau và uống hết cốc bia. Sau khi uống xong, anh Hùng liền gọi thêm hai cốc bia và ngồi nói chuyện với anh Tiến.

          Thấy anh Hùng và anh Tiến ngồi uống với nhau, chị Phương liền tiến đến hỏi thăm: - Hôm nay hai anh em uống nhiều thế. Tý có về được không đấy.

          Anh Hùng đáp: - Hôm nay ngày vui không say không về chị ạ. Mà tửu lượng của em uống tầm này không ăn thua. Em còn đủ sức ngồi cả đêm với mọi người còn được.

Chị Phương nói thêm: - Thôi chú đừng có cậy trẻ mà làm thế. Tý uống xong chị gọi cho mày cái grab mà về vừa an toàn, vừa ấm.

Anh Hùng lại gàn: - Thôi sao phải phiền chị thế. Tý em còn đi mua đồ cho vợ nên đi grab làm gì chị.

Chị Phương dặn thêm: - Thôi chú uống nhiều thế tý đi xe không an toàn. Mà dạo này công an đang ra quân kiểm tra nồng độ cồn nữa.

Anh Tiến cũng nói thêm: - Chị Phương nói đúng đấy. Thôi cuối năm rồi, mình đi lại cẩn thận vẫn hơn.

Anh Hùng vừa xua tay vừa nói: - Mọi người không phải lo. Em uống có mấy cốc bia say làm sao được. Người ta uống rượu mới sợ nồng độ cồn chứ uống có mấy cốc bia thì hắt xì một cái là hết ấy mà.

Anh Tiến và chị Phương định khuyên thêm mấy câu nhưng thấy thái độ cương quyết của anh Hùng nên đành thôi. Anh Hùng  tiếp tục cầm cốc bia sang các bàn khác giao lưu.

Sau khi đã uống hết một lượt, anh Hùng liền cầm cốc bia, đứng lên nói: - Hôm nay rất vui vì mọi người đã đến chung vui với em. Hôm nay em có việc nên xin phép về trước. Cốc này em xin chịu phạt, mọi người cứ tiếp tục uống đi. Quán này em quen nên bữa nay em xin phép trả. Em nhờ chị Phương lấy bill bữa này cho em nhé.

Sau khi nói xong, không đợi mọi người từ chối, anh Hùng liền uống hết cốc bia rồi quay sang vừa cười vừa nói với chị Phương: - Chị cứ yên tâm, tiền thưởng cuối năm em được công ty cho thừa sức trả đủ mấy bữa nữa cơ. Chị cứ giúp em nhé.

Vừa nói anh Hùng vừa nháy mắt với chị Phương rồi rời đi. Thấy anh Hùng định lấy xe đi, chị Phương liền gọi với theo: - Mày đi xe cẩn thận đấy. Có gì về tới nhà nhớ nhắn tin cho bọn chị.

Anh Hùng phất tay rồi lấy xe phòng ra khỏi quán. Nhìn bóng lưng anh Hùng dời đi, chị Phương quay sang nói với anh Tiến: - Thằng này rõ gàn. Đã nói thế rồi mà vẫn cố mà đi.

Anh Tiến tiếp lời: - Thôi tính nó vậy rồi.

Cảnh 2: Đang đi trên đường thì anh Hùng bị anh Trường cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng lại để kiểm tra. Thấy vậy, anh Hùng liền dừng xe và cất tiếng hỏi:

- Có chuyện gì thế đồng chí, tôi có vi phạm lỗi gì đầu mà bị dừng xe vậy.

Anh Trường đáp: - Chào anh. Chúng tôi đang làm chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông nên mời anh xuống xe để kiểm tra nồng độ cồn.

Anh Hùng liền đáp lại: - Rõ vẽ chuyện. Tôi vẫn chấp hành nghiêm chỉnh có lạng lách đánh võng gì đâu mà lại bắt đi kiểm tra.

Anh Trường đáp: - Cái này là kiểm tra hành chính bình thường thôi anh ạ. Mong anh chấp hành. Đợt này là đợt cuối năm nên để bảo đảm an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông nên chúng tôi mới lập chuyên đề kiểm tra.

Sau khi dắt xe vào vỉa hè, anh Hùng được anh Trường dẫn đi kiểm tra nồng độ cồn. Sau khi thổi vào máy đo nồng độ cồn, số liệu hiển thị trong hơi thở của anh Hùng có nồng độ cồn đặt mức 0,1 miligram/1 lít khí thở. Nhìn thấy kết quả, anh Trường liền quay sang nói với anh Hùng: - Có phải anh vừa sử dụng bia rượu đúng không anh.

Anh Hùng đáp: - Công ty tôi vừa tổ chức tất niên cuối năm tôi có uống mấy cốc bia. Nhưng đồng chí yên tâm, tôi hoàn toàn tỉnh táo không hề say xỉn mất kiểm soát.

Anh Trường nói: - Theo số liệu trên máy đo thì trong hơi thở của anh có nồng độ cồn đạt mức 0,1 miligram/1 lít khí thở. Như vậy, anh đã vi phạm về quy tắc giao thông.

Anh Hùng bực mình nói: - Có tý tẹo hơi cồn mà đã vi phạm pháp luật là sao.

Anh Trường đáp: - Theo quy định pháp luật tại điêm c khoản 6 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 thì người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì đã là hành vi vi phạm pháp luật. Do nồng độ cồn của anh chưa vượt quá mức 0,25 miligram/1 lít khí thở nên mức xử phạt của anh sẽ là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Anh Hùng giật mình nói: - Sao lại xử phạt nặng thế đồng chí. Tôi uống có tý bia thôi mà. Tôi đi trên đường vẫn hoàn toàn tỉnh táo, không vượt đèn đỏ, không đánh vọng sao lại xử phạt tôi nặng thế.

Anh Trường giải thích: - Không thể nói anh uống ít, không say thì được phép lái xe ra đường anh ạ. Khoa học đã chứng minh, khi uống bia rượu sẽ làm chậm phản xạ của con người, ảnh hưởng đến thần kinh và khả năng xử lý khi tham gia giao thông. Dù chỉ một chút cũng tiềm ẩn nguy hiểm tới bản thân người tham gia giao thông và những người xung quanh. Do đó, chỉ uống một chút như anh nói, pháp luật cũng nghiêm cấm. Anh thấy trên tivi người ta đều đang hô hào xây dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, đã uống rượu bia là không lái xe. Nên hy vọng anh chấp hành quy định này vì an toàn của anh cũng như những người xung quanh.

Anh Hùng nghe thế thì gật gù rồi gãi đầu nói: - Anh nói đúng nhưng hôm nay tôi lại không mang nhiều tiền thế trong người. Mong anh xem xét xử nhẹ cho.

Anh Trường nói: - Đây là quy định rồi anh ạ nhưng thôi năm mới em sẽ chỉ nhắc nhở anh. Nhưng anh phải để xe lại không được đi nữa mà phải bắt grab về.

Anh Hùng nghe thế liền nắm tay cảm ơn rồi nói: - Vâng cảm ơn anh. Tôi sẽ bắt grab về đây. Lần sau nếu có uống rượu tôi sẽ bắt grab về.

2.2. 01 tiểu phẩm pháp luật về vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Mục 3 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

 “CON ĐƯỜNG LÀNG”

Roẹt! Roẹt! Uỳnh.

Đang đi trên đường thì anh Huỳnh gặp phải đoạn đường bùn đất trơn trượt nên bị ngã, cả người và xe bị nhào ra phía trước. Cũng may, anh Huỳnh không bị sao, nhưng người và xe của anh đều bẩn và dính bùn đất. Tức giận, anh dựng xe đứng dậy và làu bàu:

Anh Huỳnh: Trời thì đã lạnh, mưa phùn, đường xá còn bẩn thủi thế này có chết tôi không cơ chứ!

Đúng lúc dứt lời, chiếc ô tô con từ đâu đi tới tạt ngang vũng nước khiến đất bùn bắn tung tóe, lên cả người anh Huỳnh.

Bà Hằng nhổ rau cải vườn nhà, đứng bên kia đường cười sảng khoái, lên tiếng:

Bà Hằng: Tôi đến chết cười với cái nhà anh Huỳnh, đường bẩn thì không né ra, còn đứng đấy mà cay với cú, chả trách xe nó tạt bẩn cho. Thôi về bảo vợ con nó giữ áo cho mai lại đẹp ngay.

Anh Huỳnh: Ơ cái chị này buồn cười thật, ai cũng như nhà chị thì cái xã hội này toàn bùn với đất thôi.

Bà Hằng: Tôi nói thể lại chẳng đúng à. Đằng đấy có giỏi thì đi bắt cái bọn rơi vãi đất cát ra đường đấy đi mà dọn, còn kêu với ca.

Anh Huỳnh: Tôi mà biết thằng nào đổ đất ra đây thì lên phường với tôi.

Bà Hằng: Còn nhà nào vào đây nữa ngoài cái nhà thằng Chiến đấy, nó đang chở bùn, chở đất lấp ao làm vườn cho nhà ông Chỉnh xóm dưới đấy.

Anh Huỳnh: Bà có chắc không đấy?

Bà Hằng: Nhà tôi ngay đây, con mèo chạy qua tôi còn biết, chứ đừng nói cái xe ô tô tải to tổ bố, rồi chở bùn chở đất cứ kẽo ca kẽo kẹt rồi rung hết cả nền đất mỗi khi nó chạy qua đây.

Anh Huỳnh: Thôi được rồi, bà nói thế, tôi nhận thông tin. Chiều tối nay, tôi mời bà và bác trưởng thôn sang nhà nó nói chuyện. Làm gì có cái chuyện làm ăn vô lối thế được.

Tối đó, ăn cơm xong anh Huỳnh sang nhà bác trưởng thôn trình bày câu chuyện rồi cả hai qua nhà anh Chiến, sau đó mời cả bà Hằng sang để nói chuyện.

Anh Huỳnh: Chiến này, tôi với ông là bạn đồng ngũ với nhau, nên ông cũng biết tính tôi rồi đấy, hôm nay tôi mời bác Ca trưởng thôn đây với bà Hằng sang ông để có chuyện muốn thưa với ông.

Anh Chiến: Có chuyện gì mà ông nghiêm trọng vậy?

Bác Ca: Chuyện là thế này chú  Chiến ạ. Tôi có nhận được phản ảnh của anh Huỳnh và cô Hằng đây là mấy ngày hôm nay xe ô tô nhà chú làm rơi vãi bùn đất ra đường đi của thôn làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, cụ thể là anh Huỳnh đây, vì đường đất trơn nên đã bị ngã xe. Tôi thay mặt thôn sang đề nghị chú phải khắc phục, dọn dẹp chỗ bùn đất đã rơi vãi ra cũng như có cam kết không tái phạm nếu như tiếp tục vận chuyển bùn đất nữa.

Anh Chiến: Bác nói thế nào ấy chứ, đường xá thôn mình trơn sẵn rồi, đâu phải do bùn đất mà bẩn đâu. Huống hồ đâu phải anh Huỳnh ngã xe là do đường đâu.

Anh Huỳnh: Thế ý ông không phải do bùn đất thì tôi tự ngã à?

Anh Chiến: Lúc ông ngã ai mà biết được, tôi cũng chẳng ở đấy mà biết có thật hay không?

Anh Huỳnh: Tôi nói này, nếu không có bác Ca ở đây, tôi là tôi cho ông ăn đấm rồi đấy!

Anh Chiến: Ông dám!!!

Bà Hằng: Ấy ấy mấy chú này, nóng tính quá! Tôi đây, tôi là người đã chứng kiến chú Huỳnh đây bị ngã xe chiều nay, đúng trên cái đoạn đường gần nhà tôi đấy. Chú Chiến đây chắc là không để ý, chiều nay chú chạy xã qua đoạn đường đó có làm rơi nhiều bùn đất lắm, lại gặp con mưa phùn sau đó nên nó bẩn và trơn trượt, làm người đi xe rất khó chịu. Chú Huỳnh đây, đúng lúc đấy thì bị trượt bánh xe nên ngã.

Đúng lúc đó thì vợ anh Chiến dưới bếp bưng khay nước lên nhà.

Vợ anh Chiến: Các bác cứ bình tĩnh nói chuyện, nhà em nóng tính thế thôi chứ bụng dạ không có ý gì đâu ạ. Em mời các bác uống chén trà ấm!

Anh Huỳnh: Cũng may có vợ ông hiểu chuyện đấy!

Vợ anh Chiến: Vâng thế bác ngã có bị làm sao không?

Anh Huỳnh: Tôi chỉ bị bẩn xe, bẩn người thôi, cũng may lúc đó tôi đi chậm nên không bị sao.

Vợ anh Chiến: Vâng, thế thì may quá ạ, nhà em mong bác bỏ qua cho, bọn em chạy xe cũng không để ý trước sau nên mới nên cơ sự như vậy.

Bác Ca: Chuyện không có gì lớn, chú Huỳnh đây cũng không đây để bắt đền hay làm lớn chuyện. Chúng tôi chỉ muốn góp ý với cô chú, đường là đường đi chung, phải có ý thức giữ gìn, nếu chẳng may làm rơi bùn đất ra đấy thì phải dọn dẹp tránh làm ảnh hưởng đến người khác. Nói không hay ra, nhỡ anh Huỳnh đây có bị làm sao thì cô chú tính như thế nào?

Vợ anh Chiến: Vâng, thưa bác.

Bác Ca: Người trong thôn thì chúng ta nhắc nhở nhau, chứ ra pháp luật là chỉ có xử phạt thôi đấy. Điều 20 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định, hành vi lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. Trong trường hợp người điều khiển xe đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; còn nếu đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải ra đường phố thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Bà Hằng: Ây xa, số tiền phạt cũng nhiều đấy nhỉ?

Anh Huỳnh: Không chỉ là phạt tiền, mà nó còn là câu chuyện về an toàn giao thông và vệ sinh đường đi chung cho mọi người cô ạ. Nói chung, đừng để con đường bùn đất mà ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm!

Vợ anh Chiến: Các bác nói đúng, nhà em sẽ rút kinh nghiệm cho những lần tới.

Bác Ca: Cô thì tôi không nói, nhưng chú Chiến là người trực tiếp điều khiển phương tiên giao thông, chú ấy mà chưa hiểu thì khó mà thực hiện được.

Thấy vậy, vợ anh Chiến quay sang phía chồng như muốn nhắc chồng nhận sai trước mọi người.

Anh Chiến: Các bác đã nói thế thì em cũng xin rút kinh nghiệm, người làng với nhau em cũng mong các bác bỏ quá cho nhà em, sự tình cũng không ai muốn như thế cả. Những lời các bác nói nãy giờ em cũng đã hiểu rồi.

 Bác Cả: Vậy, chú Chiến ngày mai nhớ khắc phục chỗ đất rơi vãi đấy nhé!

Bà Hằng: Mà quan trọng là các chú phải bố trí ngồi ăn lẩu với nhau ấy chú Huỳnh nhỉ? Nhớ mời chị đấy nhá!

Anh Huỳnh nhíu mày những cũng gật đầu!

Anh Chiến: Bác yên tâm, em xin cam kết sẽ thực hiện như lời các bác nói./.

2.3. 01 tiểu phẩm pháp luật về vi phạm quy định về phương tiện giao thông đường sắt. (Mục 3 Chương III Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt)

Ý TƯỞNG TÁO BẠO

Từ hôm qua, sau khi nhận được cuộc điện thoại của anh Năm (cậu con trai út) thông báo với ông Tư là ngày mai sẽ về nhà khiến ông cứ mừng vui, thấp thỏm mong ngóng. Chả là ông Tư có 3 người con, 2 chị gái đã lấy chồng và anh Năm là con trai duy nhất hiện đang làm việc tại một đơn vị sửa chữa ô tô tại thành phố. Nhà ông Tư neo người, vợ ông đã mất đã gần chục năm, 2 con gái lớn cũng đã lấy chồng cùng làng nên thỉnh thoảng vẫn đưa các cháu qua thăm ông nhưng ông Tư vẫn thấy chống trải khi con cháu không đến nhà. Vì anh Năm là con trai duy nhất của gia đình nên được vợ chồng ông Tư cũng như các chị trong nhà tạo điều kiện để được học hành đến nơi đến chốn. Anh Năm là người thông minh, nhanh nhẹn nên ngay từ lúc ngồi trên giảng đường đại học, anh đã tận dụng mọi cơ hội để xin vào một số xưởng sửa chữa ô tô, xe máy do các thầy trong trường giới thiệu vừa để thực hành những kiến thức đã học, tích lũy kinh nghiệm thực tế lại vừa có thêm các mối quan hệ xã hội phục vụ công việc sau này. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp khoa Cơ khí trường Giao thông vận tải, anh Năm đã tìm được công việc tại một đơn vị sửa chữa ô tô của một hãng lớn tại thành phố với mức lương hấp dẫn. Hàng ngày, anh Năm tiếp xúc với rất nhiều loại xe với đủ tình trạng lỗi. Sau 2 năm làm việc, với tư chất thông minh và được đào tạo bài bản nên anh Năm nhanh chóng được giao phụ trách đội kỹ thuật của đơn vị. Mọi việc đang phát triển khá tốt thì đột nhiên tháng trước anh nhận được điện thoại của chị Loan (chị cả trong gia đình), trong điện thoại sau vài câu chào hỏi chị nói:

- Năm à! Dạo gần đây em về thăm nhà bố có nói gì với em không ?

- Không. Em vẫn thấy bố bình thường, chẳng nói gì quan trọng với em cả. Chỉ nhắc em giữ gìn sức khỏe và động viên em cố gắng trong công việc. Với cả thỉnh thoảng cũng có nhắc em lấy vợ để ông có thêm đứa cháu. Vì em cũng đến tuổi rồi.

Chị Loan im lặng ít lâu rồi nói tiếp:

- Đấy là ông giấu chú đấy. Chứ ông dạo này yếu rồi, đau ốm suốt. Hôm nọ chị đưa cháu sang chơi. Ngồi tâm sự hai bố con, chị thấy ông nói là giờ chỉ có mong muốn cuối cùng là chú về đây cưới vợ, sinh con và ở cùng ông để cho vui của vui nhà. Chị thì phận con gái, lấy chồng thì phải theo chồng muốn đón bố về chăm sóc hay sang đây ở với bố đều không được. Nhiều lúc đi qua thấy ông lủi thủi một mình chị chỉ biết đứng ngoài cửa khóc mà không dám vào nhà.

Nói đến đây chị Loan cũng không kìm nổi nước mắt. Trong điện thoại anh Năm nghe rõ tiếng chị gái mình thút thít, xuýt xoa. Anh nhớ lại những ngày bé, lúc bố còn trẻ và mẹ vẫn còn, gia đình quây quần bên nhau mỗi buổi tối. Vậy mà, quay đi quay lại đã mấy chục năm, 2 chị đã lấy chồng, mình cũng đã trưởng thành nhưng giờ chỉ còn bố một mình trong căn nhà xưa mỗi buổi tối. Cả đêm đó anh nằm trăn trở về những lời nói của chị Loan. Sáng hôm sau anh xin phép nghỉ 1 tuần đề về nhà, nhưng ngoài việc về thăm ông Tư, Năm còn có một dự định khác.

Trong lần về thăm nhà lần này, ngoài việc anh Năm quan tâm đến ông Tư nhiều hơn, hỏi han ông kỹ hơn về sức khỏe. Anh mua cho ông thêm vài bộ quần áo mới khiến ông vui lắm. Những ngày ở nhà, anh Năm cũng đến các xưởng sửa chữa ô tô, xe máy, máy móc nông nghiệp...ở gần nhà để liên hệ tìm kiếm công việc phù hợp. Việc này thì anh giấu tiệt, không nói cho cả ông Tư và 2 chị mình biết. Sau một tuần tìm kiếm, với kinh nghiệm và tay nghề của mình anh đã tìm được công việc ở một xưởng sửa chữa xe ô tô ở gần nhà, tuy lương không thể so sánh với công việc hiện có của mình nhưng anh chấp nhận. Sau 1 tuần quay lại nơi làm việc, anh Năm quyết định xin nghỉ trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Ai hỏi lý do anh cũng chỉ ậm ờ và nở một nụ cười mãn nguyện. Giám đốc bộ phận cũng đã gọi anh lên phòng để trao đổi riêng về quyết định này của anh. Anh Hưng - Giám đốc bộ phận nơi Năm làm việc mở lời trước:

- “Ủa. Sao em đang làm việc rất tốt mà lại muốn xin nghỉ việc tại đây vậy ? Vì chế độ đãi ngộ chưa tương xứng hay là em tìm được nơi khác có thu nhập và điều kiện phát triển tốt hơn ?”

- Anh Năm từ tốn trả lời: “Ah. Không anh ạ. Việc đưa ra quyết định này em cũng đã suy nghĩ lâu rồi. Nó cũng là điều em trăn trở, em nghĩ đây là thời điểm em cần phải đưa ra quyết định. Em rất mong anh và các anh em khác thông cảm vời quyết định này của em”.

- Anh Hưng nói tiếp: “Có vấn đề gì trong công việc mà em không xử lý được à ? Nếu em cần sự hỗ trợ của anh cũng như anh em ở đây thì em cứ nói. Anh và mọi người sẽ luôn chia sẻ với em như cách mà em đã giúp đỡ rất nhiều người khác trước đây. Và thực ra để một người có tay nghề như em ra đi anh thấy rất tiếc. Nó cũng là thiệt thòi cho cả các anh em khác ở đây. Anh không muốn thế. Nhưng thôi, em cứ trình bày cụ thể hơn lý do của em xem nào”.

- Anh Năm nói tiếp: “Vâng. Lý do em trình bày trong đơn có thể vắn tắt nên mọi người chưa hiểu hết nguyện vọng và mong muốn của em. Thú thực với anh, nhà em giờ mẹ em đã mất, chỉ còn mỗi bố em ở quê ngày càng già yếu. Hai chị nhà em cũng đều đã đi lấy chồng nên chỉ thỉnh thoảng qua được với bố. Tuần trước em về thăm nhà mấy hôm mới biết cụ ho suốt, vậy mà trước đây cứ giấu nên em cũng đâu có biết. Nhìn bố ngày càng già đi, em nghĩ cảnh ông lủi thủi một mình ở quê không ai chăm sóc, phận làm con em phải có trách nhiệm anh ạ. Em cũng cám ơn anh và các anh em đã quan tâm trong thời gian em làm việc tại đây. Để có điều kiện chăm sóc bố, em đã liên hệ và tìm được việc tại một xưởng sửa chữa ô tô ở gần nhà. Tuy lương và điều kiện phát triển ở quê không thể so sánh được với ở đây nhưng với mong muốn của mình thì em thấy nó phù hợp”.

Có lẽ đến giờ thì anh Hưng mới hiểu rõ được tâm ý của Năm khi đột ngột xin nghỉ việc tại nơi này. Anh Hưng hoàn toàn đồng ý với quyết định đó và sau khi trao đổi với ban lãnh đạo đơn vị đã quyết định tặng Năm một khoản tiền để hỗ trợ Năm khi anh khi rời khỏi công ty.

Trên đường từ chỗ làm về phòng trọ, anh Năm thấy lòng mình thanh thản lạ thường. Anh thấy đây là hành động ý nghĩa nhất mà mình từng làm để báo hiếu bố, mẹ. Sau khi dọn dẹp đồ đạc để sớm mai về nhà, anh đi tìm mua cho 2 bà chị mấy mảnh vải may quần áo, vài món đồ chơi cho mấy đứa cháu, còn 2 ông anh rể người thì tút thuốc, người thì chai rượu. Mọi việc coi như xong, giờ là thời điểm báo tin với mọi người. Anh Năm bấm máy điện thoại gọi về cho bố mà tay run run:

- “Alo, bố đấy ạ. Mai con về với bố” - Anh chỉ nói được đến đấy mà hai sống mũi đã cay cay.

Còn ông Tư thì không hiểu gì chỉ ừ ừ nhưng trong bụng thì mừng lắm. Anh cũng gọi cho 2 chị để thông báo về quyết định của mình và dặn là không được để ông Tư biết, hai chị của anh Năm cũng mừng lắm.

Sáng sớm hôm sau, anh Năm bắt xe về sớm, đến nhà thì cũng đã gần trưa. Anh chạy vào ôm ông Tư và nói về quyết định của mình, ông mừng lắm. Cả nhà hôm đó quây quần và đầy ắp tiếng cười hạnh phúc.

Nghỉ ở nhà vài hôm thăm bà con làng xóm, anh Năm bắt đầu đến nhận công việc tại chỗ làm mới. Mọi việc ở đây cơ bản thì anh đã trải qua trong những ngày làm việc tại thành phố nên việc hòa nhập cũng dễ dàng. Qua quá trình làm việc và trao đổi mấy anh em ở xưởng cũng học hỏi được khối thứ từ Năm nên cũng vừa nể phục vừa quý mếm anh.

Một buổi chiều nọ, anh được mấy anh em ở xưởng đưa anh một bản vẽ tay nhờ anh tính toán và xem hộ để thiết kế. Với những nét vẽ nghệch ngoạc trên tờ A4 và những lời giải thích của Dũng (được cho là “chủ nhân sáng kiến”), anh Năm đã hiểu được công dụng thiết bị mà Dũng muốn tạo ra. Năm quay lại hỏi Dũng:

- Em định thiết kế cái này vào mục đích gì ?

- Dũng hồn nhiên trả lời và cười khoái trá: “Em thấy việc vận chuyển hàng hóa giữa các xã hiện nay vẫn sử dụng ô tô, khá tốn kém và bất tiện. Mình thiết kế cái này, vừa đơn giản gọn lẹ vừa tận dụng luôn được hệ thống đường sắt chạy qua các xã mà có khi đưa vào sử dụng còn thu được tiền nữa ý chứ”.

- Dũng hồ hởi nói thêm: “Em tính rồi, chi phí sản xuất chỉ mất chưa đến chục triệu nhưng độ tiện lợi thì cứ phải nói là vô cùng. Mình chả phải xây đường, chả phải đóng thuế, chả phải cạnh tranh ai”.

- Năm cưới lớn và nói: “Ôi ông em ơi là ông em ơi. Anh hiểu chú đang tâm đắc với sáng kiến này lắm, nhưng anh cũng cần phải cảnh báo em thế này”

- Chưa để anh Năm nói hết câu, Dũng đã nhìn anh mà hóng lấy từng chữ: “Có gì vậy anh ?”

Anh Năm nói tiếp: “Việc đưa phương tiện tự tạo chạy trên đường sắt là bị phạt đấy ông tướng ạ. Chú không tin thì “gu-gồ” mà xem”.

Dũng lấy điện thoại ra loay hoay một hồi rồi tiu nghỉu nói: “Đúng rồi anh. Theo khoản 1 Điều 58, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi đưa phương tiện tự tạo chạy trên đường sắt sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức. May quá, có anh nói chứ không lại rách việc rồi”.

Năm chia sẻ: “Anh thông cảm với các em. Tuổi còn trẻ nhiều ý tưởng nhưng suy nghĩ còn đơn giản và ngây ngô quá. Không phải tất cả cái gì mình làm được thì mình đều được phép tùy tiện mà làm. Nhiều lúc nghĩ nó đơn giản như lôi thôi là cũng lớn chuyện lắm đó”.

Cả đám thợ cười lớn và từ bỏ ý định “làm kinh tế” với cái sáng kiến táo bạo kia của Dũng. Chiều hôm đó, anh Năm mời mọi người ở xưởng về nhà ăn cơm, ông Tư thấy con mình có công việc tốt, anh em yêu quý, không khí gia đình cũng khác hẳn những ngày vắng con nên mừng lắm.

2.4. 01 tiểu phẩm pháp luật về vi phạm quy định về người điểu khiển phương tiện giao thông đường bộ. (Mục 4 Chương I Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

 

ĐỪNG ĐỂ MẤT TIỀN VÌ KHÔNG HIỂU BIẾT

          Nhân dịp kỳ nghỉ cuối năm, tôi cùng chồng tranh thủ thời gian về quên thăm người em họ. Vừa đến cửa, tôi liên bấm chuông gọi cửa. Đợi một lúc không thấy ai ra mở cửa, chồng tôi thắc mắc hỏi:

  • Em có gọi điện trước cho cậu mợ không? Sao không thấy ai ở nhà vậy?

Tôi liển trả lời:

  • Em có gọi cho Mai rồi mà. Chắc cậu mợ chạy đâu đấy thôi ạ. Để em gọi điện xem sao?

Nói xong, tôi liền lấy điện thoại ra gọi cho Mai. Gọi một lúc không thấy ai nghe máy, tôi liền gọi lại lần nữa liền thấy một giọng trẻ con trả lời:

  • Dạ a lô ạ. Cháu chào bác ạ. Bác ơi mẹ cháu đi chợ để quên điện thoại ở nhà ạ.

Tôi nghe thấy vậy liền nói. Phương đấy ah, Bác Minh đây. Con ra mở cửa cho bác nhé.

Nghe thấy vậy Phương liền trả lời: Dạ bác đợi con chút, con chạy ra mở cửa ạ.

Hai vợ chồng tôi đứng đợi  một lát liền thấy Phương chạy ra:

  • Con chào 2 bác ạ. Con xin lỗi con đang ở trong vườn nên không nghe thấy tiếng chuông ạ. Con mời hai bác vào nhà ạ. Mẹ và bố con vừa chạy ra chợ chút ạ.

Vừa dắt xe vào trong sân, chồng tôi hỏi:

  • Dạo này nhìn Phương cao hơn đấy nhỉ? Giờ cháu đang học lớp 9 phải không?

Phương trả lời: Dạ, cháu lớp 9 rồi ạ.

Nghe thấy vậy, tôi liền nói:

  • Nhanh thật đấy, cháu cũng chuẩn bị lên cấp ba rồi. Thế cháu định thi trường gì chưa?

 

Phương liền thành thật trả lời: Con chán học lắm, con chỉ muốn được ở nhà theo bố mẹ đi làm thôi.

Tôi vừa đi vào nhà vừa nói:

-    Vớ vẩn nào. Con phải học chứ. Cố gắng thi rồi đi học cấp 3, còn đại học nưa nữa. Bây giờ bố mẹ có điều kiện rồi có thể lo cho con ăn học.

Phương chạy vào bê bộ ấm chén ra rót nước mời hai bác rồi nói:

- Con cũng biết thế, thời buổi này không học thì không làm được gì cả. Con học mãi chẳng vào đầu, chán lắm ạ. Con lại thích đi làm hơn.

Vừa cầm chén nước Phương đưa, chồng tôi nói:

- Ở tuổi con đã làm được gì mà nghỉ. Thôi dẹp ngay cái ý định đó đi lo mà học hành. Không bố mẹ con lại buồn đấy.

Phương không trả lời, liền nói:

- Hai bác ngồi đây uống nước, đợi con một lát để con đi gọi bố mẹ con về ạ.

Tôi chưa kịp nói gì thì Phương đã nghe thấy tiếng xe máy, liền ngoái đầu ra nhìn rồi hỏi chồng:

-  Tiếng xe máy ai đi vậy anh?

 Chồng tôi liền nói:

- Thì thằng cu Phương chứ ai.

Nghe vậy, tôi liền nói:

- Chết, nó mới học lớp 9, sao đã đi xe máy được.

- Để tí về hỏi anh hỏi

Hai vợ chồng tôi ngồi một lát, thì thấy vợ chồng Mai và Phương cùng về. Nhìn thấy tôi Mai nói:

  • Hai bác đến lâu chưa a? Hai vợ chồng em chạy ra chợ giao nốt ít hang, người ra đặt để chuẩn bị Tết ạ.

Tôi trả lời:

  • Anh chị cũng đến được 1 lúc, thì Phương bảo chạy đi gọi hai em.

Mai nhanh nhảu hỏi:

  • Hai bác dạo này vẫn khỏe chứ ạ, công viẹc hai bác dạo này thế nào ạ? Các anh chị nhà bác dạo này có lớn không ạ? Lâu lắm rồi em không gặp?

Để hai chị em lâu ngày không gặp hàn huyên với nhau, Linh – chồng Mai và chồng tôi – Tuấn thì lại ra vườn để thăm quan cơ ngơi của hai em.

Vừa đi Tuấn vừa nói:

  • Này cậu, vừa nãy anh thấy cu Phương nó đi xe máy tìm hai em. Em để nó đi xe máy lâu chưa?

Linh trả lời:

  • Dạ cháu nó cũng thỉnh thoảng đi anh ạ. Có những lúc vợ chồng em bận cũng bảo cháu đi giao hàng hộ ạ. Để tiết kiềm thời gian nên em cho nó đi xe máy cho nhanh anh ạ.

Tuấn liền nói:

  • Nhưng Phương nó mới học lớp 9. Đã đủ tuổi đi xe máy đâu và cậu mợ cho nó đi như thế, vừa nguy hiểm vừa vi phạm pháp luật

Linh liền nói:

  • Cháu nó cũng vừa mới biết đi. Em thấy con đi cũng cẩn thận nên cứ để cho nó đi cho quen anh ạ. Ở thôn cũng có mấy bạn bằng tuổi Phương nhà em cũng biết đi xe máy rồi mà. Thỉnh thoảng bọn nó còn đem xe đi học nữa. Nó biết đi xem máy cũng giúp vợ chồng em được bao nhiêu việc ạ.

Thấy Linh nói thế, Tuần nói:

  • Cậu suy nghĩ thế là không được, Phương nó mới 16 tuổi, cho nó đi xe máy thế quá nguy hiểm, Phương còn nhỏ chưa nắm chắc luật lệ, đi lại rất nguy hiểm.

Tuấn nói tiếp:

Theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định xử phạt VPHC lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng quy định: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm.

Chưa kể bị phạt tiền việc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên còn bị bị tạm giữ phương tiện 07 ngày theo quy định tại Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về việc tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm.

Ngoài ra nói tránh chút, chú nếu nó đi không cẩn thận gây tai nạn, vừa ảnh hưởng đến con vừa ảnh hưởng đến người khác. Nên anh nghĩ em nên xem xét lại việc cho con tiếp tục đi xe máy. Cậu thử nghĩ xem?

Nghĩ ngợi một lúc, Linh nói:

  • Bác nói cũng phải. Em thì không biết luật lệ gì, chỉ thấy con nhà người khác nó đi thì em cũng cho nó đi. Mới cả em nghĩ nó đi trong làng, cũng không có cảnh sát gì nên thôi cứ để em đi. Nhưng nghe thấy bác nói thế em cũng suy nghĩ lại ạ. Để tí về em bảo con.

Dừng một lúc Tuấn nói:

  • Ừ, cậu nên nói chuyên với con. Mà lúc tới mới nói chuyện với Phương được mấy câu, anh thấy nó bảo có ý định nghỉ học. Hai vợ chồng cậu mợ nên dành thời gian nhiều hơn cho con đi. Anh biết việc kiếm tiền cũng quan trọng nhưng con cái là tương lại em à, hai vợ chồng nên dành thời gian tâm sự với con, giờ đang tuổi lớn, tâm tư tình cảm cũng bị tác đồng nhiều. Đừng để việc đó mà ảnh hưởng đến tương lại của con em nhé.

Linh nói:

  • Vâng em biết rồi ạ. Em cảm ơn anh đã nhắc nhờ em ạ. Thôi chuyện của con vợ chồng em sẽ cố gắng a. Giờ em dẫn anh đi xem khu vườn nhà em mới mở rộng. Bác xem giúp em xem thế nào ạ.

Nói xong, hai anh em lại tiếp tục đi xem khu vừa Linh kể.

2.5.  01 tiểu phẩm pháp luật về vi phạm quy định về vận tải đường bộ. (Mục 5 Chương I  Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

 

CHUYẾN XE VỀ QUÊ ĂN TẾT

NHÂN VẬT:

Anh An - Tài xế lái xe khách.

Anh Toàn - Phụ xe.

Đồng chí Xuân - Đội trưởng cảnh sát giao thông, đội Cảnh sát giao thông (CSGT) thành phố X.

Các hành khách và các đồng chí CSGT - nhân vật quần chúng.

 

          Hôm nay đã là 25 tháng Chạp, những người con xa quê đi lao động ở thành phố hối hả khăn gói trở về quê hương đón tết bên gia đình. Như mọi ngày, anh An và anh Toàn, vẫn lái chiếc xe khách 30 chỗ bon bon trên nẻo đường quen thuộc từ thành phố X về tỉnh Y, đoạn đường hơn 100km hôm nay dường như thấy xa hơn vì đường đông đúc, liên tục có người đón xe. Đến giữa đoạn đường cao tốc, hành khách đã ngồi đầy xe nhưng bên đường phía trước vẫn có cánh tay đang vẫy xe lại, Toàn hỏi An:

- Toàn: Xe đầy rồi, có đón thêm khách nữa được không anh, đón giữa cao tốc thế này sợ lắm.

- An: Không sao, vẫn còn thoải mái chỗ, sợ gì, hình như hôm nay không có công an đứng đây đâu, nào chuẩn bị mở cửa đón khách.

Nói rồi anh An bật tín hiệu xin đường để vào đón khách, toàn nhoài người ra khỏi cửa:

- Toàn: Nhanh chân lên xe các anh chị em ơi, hành lý gọn nhẹ cho luôn lên xe, bao tải hàng hóa cồng kềnh để em cất sau cốp nhé.

Trong xe, An cũng nói với hành khách:

- An: Các cô bác anh chị chịu khó ngồi sát vào nhau giúp em chút nhé.

- Hành khách A bực dọc: Chật ních thế này thì chen vào đâu nữa, ngồi xuống sàn xe à?

- Hành khách B: Hết chỗ rồi, bác tài đừng đón thêm nữa nhé, công an dạo này họ làm gắt lắm đấy, bị kiểm tra là năm nay nhà bác mất Tết.

- Anh An cười: Ôi dào, bác cứ dọa em, xe Tết mà, xe nào mà chẳng chen chúc, có khi còn ngồi cả lên đầu nhau ấy chứ, bác cứ yên trí, em không đón thêm nữa đâu – nói rồi gọi anh Toàn: thằng Toàn xong chưa, đóng cốp cẩn thận vào, lên xe nhanh đằng sau các xe réo còi inh lên rồi kìa.

- Toàn: Xong rồi, đi đi nhanh lên anh ơi.

Chiếc xe tiếp tục lên đường trong tiếng còi xe nhộn nhịp và tiếng hành khách nhỏ giọng râm ran trò chuyện. Chưa hết đoạn đường cao tốc, bóng dáng vài đồng chí Cảnh sát giao thông ở xa xa phía trước làm anh An và Toàn lo lắng.

- Toàn: Cảnh sát kìa anh, không khéo bị vẫy lại thì toang.

- An: Cứ bình tĩnh, chưa chắc đã bị kiểm tra. Nào, bà con ngồi ngay ngắn cho em nhé, đừng đứng nhấp nhổm, cứ ngồi tạm vào chỗ nào giúp em, kẻo cảnh sát giao thông họ vẫy em bây giờ.

- Toàn: Vẫy xe mình rồi kìa anh.

An cũng nhìn thấy đồng chí CSGT đang ra hiệu dừng xe với mình, anh bình tĩnh đánh xe vào sát lề rồi xuống xe theo hiệu lệnh của đồng chí CSGT.

- CSGT: (giơ tay chào theo điều lệnh).

- An: Chào đồng chí.

- CSGT: Chào anh, tôi là Trần Văn Xuân, đội trưởng đội CSGT thành phố X, xin anh vui lòng xuất trình giấy tờ xe và cho chúng tôi kiểm tra phương tiện.

- An: À vâng, giấy tờ tôi có mang đủ, (giở giấy tờ ra đưa cho CSGT), nhưng đồng chí cho tôi hỏi xe tôi vi phạm gì mà phải kiểm tra ạ?

- Đồng chí Xuân: Theo phản ánh của người dân, xe khách mang biển kiểm soát 29B-110xx, chính là chiếc xe này của anh thường xuyên xảy ra tình trạng nhồi nhét khách đúng không, vì vậy đề nghị anh cho chúng tôi kiểm tra – nói rồi lệnh cho 2 đồng chí cảnh sát khác tiến hành kiểm tra xe.

- CSGT A: Báo cáo đội trưởng, số lượng hành khách trên xe đang vượt quá số lượng hành khách quy định.

- Đồng chí Xuân: Vượt quá bao nhiêu.

- CSGT A: Báo cáo, xe chở quá 9 người so với quy định.

- Đồng chí Xuân: (quay sang nói với anh An) Theo giấy tờ, phương tiện của anh là phương tiện có đăng ký hợp pháp, tuy nhiên hôm nay anh vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về vận tải giao thông đường bộ rồi anh An ạ. Ngoài lỗi chở quá số người trên, theo ghi nhận từ hệ thống camera của chúng tôi lắp đặt trên tuyến đường cao tốc này, phát hiện anh có hành vi đón khách trên đường cao tốc, anh có muốn xem bằng chứng không.

- An: Ơ, thì mọi hôm tôi cũng vẫn chở như thế, vẫn đón khách như thế, có sao đâu hả anh. Chở hơn có 9 người, vẫn đủ chỗ ngồi đấy thôi, Tết nhất đến nơi rồi, các anh phiên phiến qua cho chúng tôi còn kiếm chút tiền tiêu tết.

- Đồng chí Xuân: Không được, quy định là quy định, xử lí nhẹ cho các anh để lần sau các anh coi thường pháp luật à.

- An: Ấy ấy, anh đừng nói thế, tôi không biết là có quy định như thế, anh có thể phạt nhẹ tay được không?

- Đồng chí Xuân: Anh làm tài xế bao nhiêu năm nhưng lại trình bày với chúng tôi là không biết quy định, tội này đáng ra phải phạt nặng thêm. Anh có biết hành vi của anh rất nguy hiểm, nhất là việc anh đón khách giữa cao tốc vừa gây cản trở giao thông vừa dễ gây tai nạn cho người khác không.

- An: Báo cáo anh, tôi thấy có khách vẫy xe nên tôi đón luôn trên này.

- Đồng chí Xuân: Có phải anh đã nhiều lần đón khách trên cao tốc đúng không, chính vì các anh làm như vậy mới khiến cho người dân có thói quen đứng bắt xe trên này đấy, mất an toàn vô cùng, đã làm xảy ra rất nhiều tai nạn, trên đường cao tốc mọi phương tiện đều di chuyển với tốc độ cao, rất khó để xử lý những tình huống bất ngờ, một người tài xế xe khách như anh nắm trong tay sự an toàn của mấy chục hành khách, anh có hành vi thiếu ý thức như vậy anh đã biết lỗi của mình chưa?

- An: Vâng, tôi đã biết lỗi của tôi rồi, vậy anh cho hỏi, lỗi này của tôi bị sẽ bị xử phạt như thế nào?

- Đồng chí Xuân: Để tôi giải thích cụ thể cho anh, anh đã vi phạm vào quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại điểm o, khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ (Nghị định 123/2021/NĐ-CP) về hành vi chở quá số người quy định được phép chở của phương tiện. Trường hợp của anh là chở quá từ 05 người trở lên trên xe 30 chỗ. Vì vậy, mức phạt có thể áp dụng với anh là phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng. 

- An: Nhiều thế cơ à?

- Đồng chí Xuân: Chưa hết đâu, hành vi đón khách trên đường cao tốc của anh còn vi phạm vào điểm a khoản 7 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại điểm c khoản 12 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Theo quy định này, hành vi của anh sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, anh còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo điểm b khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại điểm d khoản 12 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

- An: Hình thức xử phạt bổ sung là gì nữa hả đồng chí cảnh sát?

- Đồng chí Xuân: Theo quy định trên. Bên cạnh nộp phạt hành chính thì anh còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng, còn đối với hành vi chở vượt số hành khách quy định, anh buộc phải khắc phục hậu quả bằng cách phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện. Anh An đã hiểu rõ quy định chưa, nếu còn điều gì thắc mắc, anh cứ việc hỏi, chúng tôi có trách nhiệm sẽ giải thích cụ thể cho anh.

- An: Tôi hiểu rồi ạ, cảm ơn các anh đã giải thích, sau lần phạt này, tôi xin chừa luôn.

- Đồng chí Xuân: Làm đúng quy định của pháp luật là giúp mình giúp người đấy anh An ạ, những hành vi trái quy định của anh nói riêng, của các tài xế xe khách nói chung rất là nguy hiểm, lực lượng CSGT chúng tôi đã giải quyết rất nhiều trường hợp chỉ vì một hành vi sai đó mà gây ra va chạm trên đường, nghiêm trọng hơn là gây ra những tai nạn thương tâm, cái bị thiệt hại không chỉ là tiền bạc vật chất nữa, mà đó còn là tính mạng con người.

- An: Tôi biết lỗi rồi anh Cảnh sát ạ, anh có tâm sự như thế thì tôi mới tỉnh ra, nghề lái xe chúng tôi cũng tiềm ẩn nhiều bất trắc, làm điều sai thì luôn thấp thỏm lo lắng đề phòng, nếu đã thế thì chi bằng cứ đi đúng luật, vừa an tâm lại còn an toàn, tốt người tốt ta, phải không anh. Tôi về sẽ nói chuyện với anh, em đồng nghiệp, cố gắng từ nay, anh, em xe khách chúng tôi thực hiện tham gia giao thông văn minh, chấp hành đúng quy định của luật giao thông đường bộ.

- Đồng chí Xuân: Anh nghĩ thế là phải rồi đấy, các quy định này cần được phổ biến để càng nhiều người biết và làm theo thì việc tham gia giao thông sẽ ngày một đảm bảo trật tự và an toàn. Còn bây giờ, anh theo tôi vào đây lập biên bản, tuy anh đã biết lỗi nhưng quy định vẫn phải chấp hành, lần này anh làm sai, chúng tôi vẫn phải phạt đúng luật đấy nhé.

- An: Vâng các anh cứ phạt tôi nghiêm khắc, tôi xin chấp hành hết!

- Đồng chí Xuân: Tốt! Đây là biên bản xử phạt, trước khi ký anh đọc lại xem còn gì thắc mắc không nhé.

- An: (ký vào biên bản rồi đưa lại cho đồng chí Xuân) Dạ không, cảm ơn anh.

Sau khi hoàn tất thủ tục và nộp phạt hành chính đầy đủ, anh An và đồng chí Xuân quay lại xe và giải thích cho hành khách trên xe. Mọi người rất yên tâm chờ xe khác đến để điều phối, có người nói đùa với đồng chí Xuân:

- Hành khách: các chú xử phạt xe này, bác tài buồn đấy nhưng hành khách chúng tôi lại thấy vui đây, mỗi lần về quê như này đón xe giữa đường nguy hiểm mà lại lên xe ngồi chen chúc khổ lắm, bác tài từ nay chừa nhé, tết nhất đến nơi rồi, bác cứ lái cho cẩn thận, an toàn là trên hết!

- An: (cười đáp lại) Vâng vâng, xử phạt to nên năm nay nhà em mất tết các bác ạ, nhưng may nhờ các anh ấy em đã biết sai rồi, từ nay xin rút kinh nghiệm, bà con cứ tin tưởng, lần sau lại đi xe em nhé.

- Đồng chí Xuân: (cười) tuyến đường này anh, em CSGT sẽ theo dõi sát sao, cố gắng không bỏ sót hành vi vi phạm nào, bà con cứ yên tâm và nhớ sau này tham gia giao thông đúng luật nhé. Thôi xe đến rồi, bà con sang xe mới đi thôi, thay mặt anh em CSGT, chúc bà con năm mới an khang thịnh vượng.

Xe đến, anh An, anh Toàn và đồng chí Xuân giúp đỡ bà con di chuyển sang xe mới và ổn định vị trí ngồi, An tạm biệt đồng chí Xuân cùng các đồng chí trong đội CSGT, hứa với các đồng chí sẽ không bao giờ tái phạm và sẽ đặt an toàn của bản thân và hành khách lên trên hết.

Đoàn xe lại di chuyển, mang sự háo hức, rộn ràng trong lòng những người xa quê mong mỏi về quê ăn tết, hy vọng mỗi chuyến xe đều thượng lộ bình an, chấp hành đúng luật giao thông đường bộ, để mỗi người đều được bình an về bên gia đình, đón cái tết trọn vẹn và đầm ấm./.

Nguồn: Bộ Tư pháp

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
 Liên kết website
 Bình chọn
Thống kê: 122.687
Online: 36