1. Thông tư 8/2022/TT-BNV sửa đổi Thông tư 14/2019/TT-BNV quy định tặng Kỷ niệm chương (KNC) về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ

Theo đó, bổ sung 02 đối tượng được xét tặng KNC là:

-  Công dân có công lao đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển chung của Bộ Nội vụ hoặc một trong các ngành, lĩnh vực: Tổ chức nhà nước; Thi đua, khen thưởng; Tín ngưỡng, Tôn giáo; Văn thư, Lưu trữ.

- Các trường hợp khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.”

Ngoài ra, Thông tư 08 cũng quy định số lượng hồ sơ đề nghị xét tặng KNC gửi về Bộ Nội vụ như sau:

- Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương gồm:

+ Tờ trình đề nghị của đơn vị (theo mẫu tại Phụ lục I);

+ Danh sách đề nghị tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu tại Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục IV);

+ Bản khai thành tích và quá trình công tác đối với cá nhân trong ngành (theo mẫu tại Phụ lục V);

+ Những trường hợp thuộc diện ưu tiên xét tặng được quy định tại Khoản 1, Điều 10 Thông tư này kèm theo bản sao Quyết định khen thưởng hoặc Bằng công nhận.

- Số lượng hồ sơ gửi về Bộ Nội vụ:

+ Đối với Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Tổ chức nhà nước”: 01 bộ.

+ Đối với Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thi đua, Khen thưởng”, “Vì sự nghiệp Quản lý nhà nước về Tín ngưỡng, Tôn giáo”, “Vì sự nghiệp Văn thư, Lưu trữ”: 02 bộ.

- Hồ sơ đề nghị nghị khen thưởng gửi về Bộ Nội vụ, đồng thời gửi kèm hồ sơ điện tử (ở định dạnh “.doc” hoặc “.docx” đối với Tờ trình, danh sách; ở định dạng “.pdf” đối với báo cáo thành tích và các hồ sơ khác có liên quan; trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước).”

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2022.

2. Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao

Theo đó, cách xếp lương các CDNN viên chức chuyên ngành TDTT quy định như sau:

-  Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng - Ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

+  Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,2 đến hệ số lương 8,0;

+ Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78;

+  Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

+  Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

- Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:

+ Trường hợp viên chức khi tuyển dụng có trình độ đào tạo tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III): xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 (viên chức loại A1);

+  Trường hợp viên chức khi tuyển dụng có trình độ đào tạo thạc sĩ phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III): xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 (viên chức loại A1);

+ Trường hợp viên chức khi tuyển dụng có trình độ đào tạo đại học phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) xếp bậc 1, hệ số lương 2,34 (viên chức loại A1);

+  Trường hợp viên chức khi tuyển dụng có trình độ đào tạo cao đẳng phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV): xếp bậc 2, hệ số lương 2,06 (viên chức loại B);

+  Trường hợp viên chức khi tuyển dụng có trình độ đào tạo trung cấp phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV): xếp bậc 1, hệ số lương 1,86 (viên chức loại B).

- Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2022

3. Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Đối với các vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo, người dạy, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu không ký hợp đồng với nhà giáo thỉnh giảng theo quy định; bố trí nhà giáo giảng dạy vượt quá định mức giờ giảng theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ phạt tiền đối với hành vi sử dụng nhà giáo, người dạy không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ để giảng dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác hoặc không phù hợp với chuyên môn được đào tạo theo các mức phạt sau:
           Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy trình độ sơ cấp;

Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

 Kỷ luật học sinh không đúng quy định bị phạt tới 10 triệu đồng

Theo đó, Nghị định quy định phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo bị phạt tới 10 triệu đồng

Cụ thể, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 10 – 15 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo.

Đối với hành vi không thực hiện đánh giá, xếp loại; không xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; không bố trí nhà giáo đi thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn theo quy định bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2022.

4. Thông tư 30/2022/TT-BCT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá.

Ngày 04 tháng 11 năm 2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Thông tư 30/2022/TT-BCT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá.

Cụ thể, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 22 của Thông tư số 57/2018/TT-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá được sửa đổi, bổ sung như sau:

Đối với Khoản 2 điều 22 Thông tư số 57/2018/TT-BCT vốn ấn định ngày bắt đầu có hiệu lực của quy định về mẫu đơn, bảng kê đề nghị cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc là và mẫu Giấy phép sản xuất thuốc là của Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, nay được sửa đổi thành có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2028.

Đối với Khoản 4 Điều 22 Thông tư 57/2018/TT-BCT ấn định quy định về mẫu đơn, bảng kê đề nghị cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá và mẫu Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá của Thông tư số 21/2013/TT-BCT có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019, nay được gia hạn đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027.
            Thông tư sửa đổi này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2022.

5. Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư này quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: môn học và khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo ngành, nghề đào tạo; tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cụ thể, các môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử; các môn học lựa chọn gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí. Thời lượng giảng dạy của Toán, Ngữ văn là 252 tiết/môn học, thời lượng giảng dạy của Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử là 168 tiết/môn học. Ngoài ra, với mỗi ngành, nghề đào tạo, học sinh phải học các môn học bắt buộc và ít nhất 01 môn học lựa chọn quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Hình thức kiểm tra, đánh giá

Đánh giá thường xuyên

Học sinh được đánh giá thường xuyên thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Đối với một môn học, số điểm đánh giá thường xuyên (viết tắt là ĐĐGtx) trong mỗi kì như sau: Môn học có thời lượng giảng dạy từ 168 tiết: 01 ĐĐGtx; môn học có thời lượng giảng dạy 252 tiết: 02 ĐĐGtx.

Đánh giá định kì

Học sinh được đánh giá định kì thông qua bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số. Thời gian làm bài kiểm tra đối với môn học 168 tiết từ 45 phút đến 60 phút; đối với môn học 252 tiết từ 60 phút đến 90 phút. Đề kiểm tra bảo đảm độ tin cậy, có đáp án, tiêu chí chấm, thang điểm chi tiết, đáp ứng yêu cầu cần đạt của nội dung kiểm tra, đánh giá. Trong mỗi kì, mỗi môn học có 01 (một) điểm đánh giá định kì (viết tắt là ĐĐGđk).

Điểm trung bình môn học

Điểm trung bình môn học (viết tắt là ĐTBmh) là trung bình cộng được làm tròn đến 01 (một) chữ số thập phân của điểm đánh giá thường xuyên và điểm đánh giá định kì được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, như sau:

ĐTBmh =

TĐĐGtx + 2 xTĐĐGđk

Số ĐĐGtx + 6

 

 

TĐĐGtx: tổng điểm đánh giá thường xuyên

TĐĐGđk: tổng điểm đánh giá định kì

Trường hợp học sinh có ĐTBmh của môn học nào không đạt từ 5,0 điểm thì được kiểm tra, đánh giá lại môn học đó. Kết quả đánh giá lại của môn học nào được sử dụng thay thế cho ĐTBmh của môn học đó.

Thi kết thúc môn học

Học sinh có ĐTBmh đạt từ 5,0 điểm trở lên và nghỉ học không quá 20% thời lượng giảng dạy của môn học thì được dự thi kết thúc môn học đó. Hình thức thi kết thúc môn học là bài thi trên giấy hoặc trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm khách quan hoặc tự luận hoặc kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận. Thời gian làm bài thi từ 60 phút đến 120 phút.

Học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 05 (năm) điểm trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo ngành, nghề đó. Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy cấp. Mẫu Giấy chứng nhận quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 12 năm 2022.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
 Liên kết website
 Bình chọn
Thống kê: 130.531
Online: 46