CHỨNG THỰC CHỮ KÝ

(?)(?) Cơ quan có thẩm quyền chứng thực có thực hiện chứng thực chữ ký trong Giấy xác nhận người thân đã chết hay không?

Cơ quan có thẩm quyền chứng thực có thực hiện chứng thực chữ ký trong Giấy xác nhận người thân đã chết hay không?

Trả lời có tính chất tham khảo

Đăng ký khai tử là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, đăng ký sự kiện chết của cá nhân. Luật hộ tịch quy định thời hạn đăng ký khai tử là 15 ngày kể từ ngày có người chết; đối với những trường hợp đã chết quá 15 ngày mà thân nhân chưa đi đăng ký khai tử thì khi gia đình có yêu cầu, cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn tiến hành đăng ký khai tử nếu có đủ giấy tờ, hồ sơ theo quy định của pháp luật; trường hợp cần thiết, cơ quan đăng ký hộ tịch tiến hành xác minh, làm rõ về sự kiện chết trước khi thực hiện việc đăng ký khai tử.

 

Trích lục khai tử (bản chính/bản sao) là giấy tờ hộ tịch xác nhận sự kiện chết của một người (ngoài ra, một cá nhân cũng có thể bị tuyên bố chết bằng bản án/Quyết định của Tòa án). Việc chứng thực chữ ký trong văn bản có nội dung trình bày/đề nghị xác nhận một người đã chết không có giá trị xác định người đó đã chết, không thể sử dụng thay cho Trích lục khai tử. Sự kiện chết của cá nhân có thể liên quan đến nhiều quan hệ dân sự khác, do đó, để tránh việc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác hiểu lầm, sử dụng văn bản chứng thực chữ ký thay thế cho trích lục khai tử, cơ quan có thẩm quyền chứng thực không thực hiện chứng thực chữ ký của một người trong giấy tờ xác nhận người thân của họ đã chết.

(?) Giấy tờ, văn bản nào không được dịch để chứng thực chữ ký người dịch?

Những giấy tờ, văn bản nào không được dịch để chứng thực chữ ký người dịch?

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì có 5 loại giấy tờ, văn bản không được dịch để yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch:

- Giấy tờ, văn bản đã bị tẩy xóa, sửa chữa; thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

- Giấy tờ, văn bản bị hư hỏng, cũ nát không xác định được nội dung.

- Giấy tờ, văn bản đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được dịch.

- Giấy tờ, văn bản có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tién của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

- Giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.

(?) Chứng thực chữ ký có phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu không

Anh A lập Giấy ủy quyền cho em trai đi đăng ký lại khai sinh. Anh A có bắt buộc phải đến UBND phường nơi mình cư trú để yêu cầu chứng thực chữ ký của mình không?

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì việc chứng thực chữ ký không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Do đó, anh A có thể đến bất kỳ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực (Phòng Tư pháp, UBND cấp xã, tổ chức hành nghề công chứng) nào để yêu cầu chứng thực chữ ký của mình.

 

(?) Nhờ người khác thực hiện yêu cầu chứng thực chữ ký được không

Anh B cần chứng thực chữ ký trong Giấy bán xe, nhưng do bận việc, anh B đã ký sẵn vào giấy và nhờ vợ anh đến UBND xã để yêu cầu chứng thực chữ ký. Yêu cầu của vợ anh B trong việc chứng thực chữ ký của anh B có giải quyết được không?

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định người yêu cầu chứng thực chữ ký phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực hoặc ký trước mặt công chức tiếp nhận hồ sơ (đối với trường hợp chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông).

Như vậy, yêu cầu của vợ anh B trong việc chứng thực chữ ký của anh B là không được giải quyết.

 

(?)Tự dịch giấy tờ của mình để yêu cầu chứng thực chữ ký được không

Anh N làm hồ sơ để đi du học, anh N có thể tự mình dịch số giấy tờ của anh từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và yêu cầu Phòng tư pháp chứng thực chữ ký của mình trên bản dịch đó không?

Trả lời có tính chất tham khảo

Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định việc chứng thực chữ ký người dịch không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân.
Như vậy, nếu anh N có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch thì anh N có thể tự dịch giấy tờ của mình để yêu cầu Phòng Tư pháp chứng thực chữ ký của mình với tư cách người dịch.

 

(?)Thời hạn chứng thực

Thời hạn chứng thực được quy định như thế nào?

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận sau 15 giờ; trừ trường hợp quy định tại các Điều 21, 33 và Điều 37 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP

 (?) Ngoài phí chứng thực, cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực có được thu khoản tiền nào khác không ?

Ngoài phí chứng thực, cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực có được thu khoản tiền nào khác không ?

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 15 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định trong trường hợp người yêu cầu chứng thực đề nghị cơ quan thực hiện chứng thực in, chụp, đánh máy giấy tờ, văn bản thì phải nộp thêm chi phí để thực hiện việc đó.

 

 Như vậy, ngoài số tiền lệ phí phải nộp theo quy định, nếu người yêu cầu chứng thực có yêu cầu cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực cung cấp các dịch vụ như in, chụp, đánh máy giấy tờ, văn bản thì phải trả thêm chi phí khác theo quy định.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 130.438
    Online: 40