Thông tư 07/2023/TT-BNV của  Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thông tư này quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Nội vụ; bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ ngành, lĩnh vực Nội vụ (sau đây gọi tắt là dịch vụ).

Nội dung, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ

Theo đó, nội dung đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm: chương trình, tài liệu; học viên; giảng viên; cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ; khóa bồi dưỡng; hiệu quả bồi dưỡng.

Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này, cụ thể gồm 6 nhóm tiêu chí: nhóm tiêu chí đánh giá về chương trình, tài liệu bồi dưỡng; nhóm tiêu chí đánh giá về học viên; nhóm tiêu chí đánh giá về giảng viên; nhóm tiêu chí đánh giá về cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ; nhóm tiêu chí đánh giá về khóa bồi dưỡng; nhóm tiêu chí đánh giá về hiệu quả bồi dưỡng.

Đánh giá, nghiệm thu chất lượng dịch vụ

Việc đánh giá chất lượng dịch vụ được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí đánh giá tại Phụ lục kèm theo Thông tư này theo phương thức chấm điểm, thang điểm 100. Cụ thể, chất lượng dịch vụ được đánh giá theo các mức:

- Tốt: Tổng điểm đạt từ 70 điểm đến dưới 80 điểm.

- Đạt: Tổng điểm đạt từ 50 điểm đến dưới 70 điểm.

- Không đạt: Tổng điểm dưới 50 điểm.

Khi chất lượng dịch vụ được đánh giá từ mức đạt trở lên, sẽ được nghiệm thu, thanh toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật. Chất lượng dịch vụ được đánh giá ở mức tốt là một trong các căn cứ để cơ quan đặt hàng xem xét, ưu tiên lựa chọn đơn vị cung ứng khi triển khai các dịch vụ tương tự theo quy định hiện hành của nhà nước.
Người đứng đầu cơ quan đặt hàng trình cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng đánh giá chất lượng dịch vụ để xác định mức độ đạt được làm cơ sở thực hiện nghiệm thu khối lượng, chất lượng và thanh toán dịch vụ. Hội đồng đánh giá chất lượng dịch vụ có số thành viên là số lẻ và có ít nhất 05 thành viên bao gồm: Chủ tịch là người đứng đầu cơ quan đặt hàng; 01 Phó Chủ tịch là cấp phó của người đứng đầu cơ quan đặt hàng; các thành viên là đại diện các đơn vị liên quan và chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng; 01 thư ký Hội đồng.

Hội đồng đánh giá chất lượng dịch vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận thống nhất. Kết quả khảo sát thu được từ các phiếu đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (nếu có) là cơ sở để Hội đồng xem xét đánh giá chất lượng dịch vụ.

Đơn vị cung ứng lập, quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành về tạm ứng, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Phương thức đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công

Đánh giá định lượng bằng chấm điểm trên cơ sở trọng số, mức đánh giá và tổng hợp điểm đánh giá theo mỗi tiêu chí, nhóm tiêu chí đánh giá.

Điểm đánh giá cho mỗi nhóm tiêu chí được xác định trên cơ sở tổng điểm đánh giá của các tiêu chí thành phần trong nhóm. Điểm đánh giá cuối cùng là tổng cộng điểm đánh giá của tất cả các nhóm tiêu chí đánh giá sau khi đã hiệu chỉnh theo trọng số tương ứng của mỗi tiêu chí.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2023.

2. Thông tư số 08/2023/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Lưu trữ.

Thông tư này quy định tiêu chí, tiêu chuẩn làm cơ sở để đánh giá chất lượng và nghiệm thu sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Lưu trữ, bao gồm: Dịch vụ thu thập tài liệu Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam của Lưu trữ lịch sử; dịch vụ bảo quản tài liệu lưu trữ Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam của Lưu trữ lịch sử; dịch vụ sử dụng tài liệu lưu trữ Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam của Lưu trữ lịch sử phục vụ nhiệm vụ chính trị; dịch vụ sử dụng tài liệu lưu trữ Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam của Lưu trữ lịch sử phục vụ nhu cầu xã hội (sau đây gọi tắt là dịch vụ).

Thông tư được áp dụng với các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực Lưu trữ theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu (gọi tắt là cơ quan đặt hàng); các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực Lưu trữ (gọi tắt là đơn vị cung ứng dịch vụ).

Theo quy định tại Thông tư, dịch vụ thu thập tài liệu lưu trữ bao gồm: Dịch vụ chỉnh lý tài liệu lưu trữ nền giấy; dịch vụ thu thập tài liệu lưu trữ vào Lưu trữ lịch sử.

Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ chỉnh lý tài liệu lưu trữ nền giấy quy định tại Phụ lục 01 của Thông tư này.

Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ thu thập tài liệu lưu trữ vào Lưu trữ lịch sử quy định tại Phụ lục 02 của Thông tư này.

Nội dung và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bảo quản tài liệu lưu trữ

Dịch vụ bảo quản tài liệu lưu trữ bao gồm: Dịch vụ vệ sinh kho bảo quản tài liệu lưu trữ và vệ sinh tài liệu lưu trữ nền giấy; dịch vụ bồi nền tài liệu lưu trữ; dịch vụ tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.

Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vệ sinh kho bảo quản tài liệu lưu trữ và vệ sinh tài liệu lưu trữ nền giấy thực hiện theo quy định tại Phụ lục 03 của Thông tư này.

Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bồi nền tài liệu lưu trữ thực hiện theo quy định tại Phụ lục 04 của Thông tư này.

Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ thực hiện theo quy định tại Phụ lục 05 của Thông tư này.

Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sử dụng tài liệu lưu trữ

Dịch vụ sử dụng tài liệu lưu trữ gồm: Dịch vụ phục vụ sử dụng tài liệu tại phòng đọc; dịch vụ biên soạn, xuất bản ấn phẩm lưu trữ.

Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ phục vụ sử dụng tài liệu tại phòng đọc thực hiện theo quy định tại Phụ lục 06 của Thông tư này.

Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ biên soạn, xuất bản ấn phẩm lưu trữ thực hiện theo quy định tại Phụ lục 07 của Thông tư này.

Nghiệm thu chất lượng dịch vụ

Chất lượng dịch vụ được nghiệm thu sau khi toàn bộ tiêu chí được đánh giá ở mức độ Đạt.

Cơ quan đặt hàng thực hiện nghiệm thu chất lượng dịch vụ đối với đơn vị cung ứng dịch vụ. Kết quả nghiệm thu được thể hiện bằng biên bản nghiệm thu.

Căn cứ kết quả nghiệm thu, đơn vị cung ứng dịch vụ quyết toán kinh phí với cơ quan đặt hàng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật.

Các cơ quan đặt hàng có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện dịch vụ đạt hiệu quả, đảm bảo đúng khối lượng, chất lượng, định mức và thời gian thực hiện; tổ chức đánh giá, nghiệm thu chất lượng dịch vụ theo tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư này, các quy định pháp luật khác có liên quan; căn cứ biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng và tài liệu khác có liên quan, cơ quan đặt hàng thanh toán kinh phí cho đơn vị cung ứng dịch vụ và quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật; thực hiện kiểm tra, giám sát theo định kỳ hoặc đột xuất, nếu phát hiện sai sót yêu cầu đơn vị cung ứng dịch vụ khắc phục, xử lý kịp thời, đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Đơn vị cung ứng dịch vụ có trách nhiệm tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ đảm bảo đúng quy trình và chất lượng theo tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư này, các quy định pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm lập quyết toán kinh phí cung ứng dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

3. Thông tư số 11/2023/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá.

Thông tư này quy định về việc tổ chức thực hiện đối với các địa điểm cấm hút thuốc lá; nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các địa điểm cấm hút thuốc lá

Theo Thông tư số 11/2023/TT-BYT, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục số II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà: nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trừ các địa điểm quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này; khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng: cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác, trừ các địa điểm quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này.

Phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn: ô tô; tàu bay; tàu điện.

Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá: khu vực cách ly của sân bay; quán bar, quán karaoke, vũ trường; khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
           Các yêu cầu đối với địa điểm cấm hút thuốc lá

Yêu cầu chung đối với tất cả địa điểm cấm hút thuốc lá

- Có đặt, in, bố trí (sau đây gọi chung là đặt) biển hoặc chữ hoặc biểu tượng với nội dung cấm hút thuốc lá (sau đây gọi chung là biển). Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo mẫu số 1 và mẫu số 2 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Biển bảo đảm các yêu cầu sau đây: nội dung thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn; chất liệu biển bền, khó phai; biển đặt ngoài trời chịu được tác động của môi trường bên ngoài; kích thước, cỡ chữ của biển phù hợp với vị trí, không gian đặt biển; chữ đậm, dễ đọc; màu chữ, biểu tượng tương phản với màu nền; biển đặt tại địa điểm công cộng trong điều kiện không đủ ánh sáng: có phản quang hoặc chiếu sáng biển hoặc hình thức phù hợp khác để bảo đảm dễ nhìn.

- Việc đặt biển bảo đảm các yêu cầu sau đây: khoảng cách giữa các biển phù hợp với quy mô, không gian của từng địa điểm; đặt biển ở vị trí dễ quan sát, khu vực có nhiều người qua lại; cổng vào khu vực khuôn viên, khu vực để xe ngoài trời; đối với khu vực trong nhà đặt tại cửa ra vào, sảnh trước, khu vực tiếp đón, ghế chờ, các tầng của cầu thang bộ, trong thang máy, hành lang có mái che, nhà để xe, nhà vệ sinh.

- Không có gạt tàn, dụng cụ dùng cho hút thuốc, đầu mẩu và tàn thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Yêu cầu riêng đối với địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên

- Có biển tại khu vực khuôn viên.

- Địa điểm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển tại khu vực khám bệnh, buồng bệnh, căng tin, nhà ăn.

- Địa điểm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển tại hội trường, phòng họp, phòng làm việc, khu vực phòng học, phòng bảo vệ, thư viện, phòng đa năng, căng tin, nhà ăn, khu vực phòng nghỉ nội trú, bán trú.

- Địa điểm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển tại phòng họp, phòng sinh hoạt chung, nhà ăn, phòng nghỉ và các khu vực cần thiết khác có trẻ em.

- Địa điểm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư này: đặt biển tại nơi có chứa nguồn nguy cơ cháy nổ.

Yêu cầu riêng đối với địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà

- Địa điểm quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển ở phòng làm việc, hội trường, phòng họp, phòng bảo vệ, căng tin, nhà ăn.

- Trường hợp địa điểm này có khu vực ngoài trời, khuôn viên được phép hút thuốc lá thì vị trí được phép hút thuốc lá cần cách xa cửa ra vào, lối thoát hiểm, cửa sổ để bảo đảm khói thuốc không ảnh hưởng đến các địa điểm này.

Yêu cầu riêng đối với phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn

Biển được đặt ở vị trí phía khoang lái để mọi người ngồi trong phương tiện giao thông công cộng dễ quan sát, ở vị trí các cửa lên xuống.
Yêu cầu riêng đối với địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá

- Có biển với nội dung chỉ dẫn lối đi đến khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo mẫu biển số 3 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá cần đáp ứng các yêu cầu sau đây: có biển với nội dung khu vực được hút thuốc lá. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo mẫu biển số 4 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này; phòng dành riêng cho người hút thuốc lá: Bảo đảm riêng biệt, có thông khí riêng; không mở cửa, thoát, thải khí sang các phòng, khu vực không hút thuốc lá, hành lang dùng chung với các phòng khác; có vật dụng để chứa đầu mẩu, tàn thuốc lá; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

- Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác: tối thiểu đặt biển tại sảnh, quầy lễ tân, khu vực chung, các phòng lưu trú; nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (nếu có): không bố trí tại sảnh chung, không bố trí làm nơi lưu trú cho người không hút thuốc lá.

- Tàu thủy: Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bố trí trên boong tàu hoặc bố trí phòng riêng đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này.

- Tàu hỏa: Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá nên bố trí phía cuối đoàn tàu, không bố trí tại khu vực tiếp nối giữa 02 toa hành khách.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2023

4. Thông tư s 06/2023/TT-BTTTT của  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành  hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Nguyên tắc biên tập nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu

Nguyên tắc chung

- Đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.

- Loại bỏ trong chương trình tất cả các nội dung vi phạm các điều cấm của pháp luật về báo chí và quy định pháp luật khác; những vấn đề còn gây tranh cãi, những vấn đề chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

- Bảo vệ trẻ em và đối tượng dễ bị tổn thương khác đối với các nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực.

- Loại bỏ trong chương trình những nội dung, đoạn hội thoại có ý chê bai, dèm pha về nguồn gốc, xuất thân của người đối thoại hoặc nhân vật được đề cập; những nội dung lấy nhược điểm thân thể của cá nhân để chọc cười; những từ ngữ, ký hiệu miệt thị, trái văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam; hạn chế sử dụng tiếng lóng, từ ngữ chửi thề nếu không phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh, nội dung được chương trình đề cập.

- Loại bỏ chương trình trong trường hợp khi thực hiện biên tập chương trình, phát hiện trong chương trình, tại địa điểm diễn ra sự kiện, địa điểm tổ chức sự kiện thể thao, giải trí có xuất hiện hình ảnh, hoạt động vi phạm các điều cấm của pháp luật, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam hoặc có các yếu tố chính trị nhạy cảm.

Đối với các chương trình ghi âm, ghi hình để phát sau: thực hiện biên tập chương trình như quy định tại khoản 1, bao gồm cả bản chữ (text) và tệp (file) hình ảnh, âm thanh.

Đối với các chương trình trực tiếp theo thời điểm diễn ra sự kiện

- Đối với chương trình do đơn vị biên tập là đơn vị tổ chức sản xuất: Thực hiện biên tập chương trình như quy định tại khoản 1 nêu trên; biên tập từ khâu kịch bản đến khâu tổ chức sản xuất trước khi diễn ra chương trình trực tiếp và giám sát, biên tập trực tiếp nội dung tại thời điểm truyền phát từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

- Đối với chương trình khai thác, mua bản quyền trong nước và nước ngoài: Thực hiện biên tập chương trình như quy định tại khoản 1; rà soát trước nội dung căn cứ lịch truyền phát chương trình đã có trước, theo kịch bản hoặc nội dung chương trình được đối tác cung cấp trước khi diễn ra chương trình trực tiếp và giám sát, biên tập trực tiếp nội dung tại thời điểm truyền phát từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

- Đối với các chương trình thể thao và giải trí có nội dung liên quan đến y tế, giáo dục và trò chơi điện tử trực tuyến: Thực hiện biên tập như quy định tại khoản 1 và phải bảo đảm đáp ứng quy định của pháp luật chuyên ngành.
Các tiêu chí, mức phân loại chương trình

Các tiêu chí để phân loại chương trình bao gồm: Về chủ đề, nội dung; về bạo lực; về khỏa thân, tình dục; về ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; về kinh dị; về hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục; về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Mức phân loại chương trình theo các tiêu chí trên để phân loại được xếp từ thấp đến cao như sau:

Loại P: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem ở mọi độ tuổi;

Loại K: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem dưới 13 tuổi với điều kiện nghe, xem cùng cha, mẹ, người giám hộ;

Loại T13: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 13 tuổi trở lên;

Loại T16: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 16 tuổi trở lên;

Loại T18: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 18 tuổi trở lên;

Loại C: Chương trình không được phép phổ biến.

Đối với chương trình được phân loại C: Không được phép cung cấp trên dịch vụ.

Đối với các chương trình có mức phân loại từ loại K đến loại T18: phải thực hiện cảnh báo;

Đối với các chương trình giải trí là các chương trình truyền hình thực tế, biểu diễn nghệ thuật; các chương trình truyền hình có nội dung thi tài, biểu diễn về những hành động mạo hiểm, nguy hiểm, có nguy cơ gây thương tích; các chương trình truyền hình giả tưởng, chương trình dàn dựng lại từ sự việc có thật; các chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật, có tính bạo lực, nguy hiểm: phải có dòng chữ cảnh báo chậm nhất trước 03 giây so với thời điểm diễn ra tình huống, nội dung cần cảnh báo và được duy trì trong suốt quá trình diễn ra tình huống, nội dung này để người xem không bắt chước, học theo.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu; nguyên tắc quản lý nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu đã được biên tập, phân loại và cảnh báo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023.

5. Thông tư số 48/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý tài sản công.

Theo Thông tư số 48/2023/TT-BTC, tài sản công cập nhật thông tin vào Phần mềm Quản lý tài sản công (Phần mềm) gồm: Tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; Tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm theo quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhập dữ liệu tài sản vào Phần mềm

Thông tư số 48/2023/TT-BTC quy định thông tin dữ liệu tài sản công cập nhật vào Phần mềm là thông tin tại báo cáo kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án, đơn vị chủ trì quản lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thông tin dữ liệu tài sản công cập nhật vào Phần mềm bao gồm:

- Thông tin báo cáo kê khai lần đầu, báo cáo kê khai bổ sung, báo cáo kê khai tài sản sử dụng chung, báo cáo kê khai sử dụng tài sản công vào các mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết, khai thác theo hình thức khác, báo cáo kê khai thay đổi thông tin, báo cáo kê khai thông tin xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo các Mẫu số: 04a-ĐK/TSC, 04b-ĐK/TSC, 04c-ĐK/TSC, 04d-ĐK/TSC, 04đ-ĐK/TSC, 04e-ĐK/TSC, 04g-ĐK/TSC, 04h-ĐK/TSC, 04i-ĐK/TSC, 06a-ĐK/TSC, 06b-ĐK/TSC, 06c-ĐK/TSC, 06d-ĐK/TSC, 07-ĐK/TSC ban hành kèm theo Thông tư này.

- Thông tin báo cáo kê khai, báo cáo thay đổi thông tin, báo cáo kê khai thông tin xử lý của tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo các Mẫu số: 05a-ĐK/TSDA, 05b-ĐK/TSDA, 05c-ĐK/TSDA, 06a-ĐK/TSC, 06b-ĐK/TSC, 06c-ĐK/TSC, 06d-ĐK/TSC, 07-ĐK/TSC ban hành kèm theo Thông tư này.

- Thông tin báo cáo kê khai tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thực hiện theo các Mẫu số: 01-KK/TSXL, 02-PAXL/TSXL, 03-KQXL/TSXL, 04-KQTC/TSXL ban hành kèm theo Thông tư này.

- Trình tự, hồ sơ báo cáo kê khai tài sản tại các điểm a, b và c khoản này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Duyệt dữ liệu tài sản trên Phần mềm

Chậm nhất là 07 ngày làm việc, kể từ ngày dữ liệu được nhập vào Phần mềm và cơ quan tài chính các Bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính nhận được báo cáo kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án, đơn vị chủ trì quản lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân, cán bộ quản lý có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu giữa báo cáo kê khai và dữ liệu đã nhập vào Phần mềm để thực hiện duyệt dữ liệu đối với: a) Tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án là đất, nhà, xe ô tô hoặc tài sản cố định khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản; b) Các tài sản trong từng Quyết định tịch thu hoặc Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định trên, sau khi cán bộ sử dụng nhập dữ liệu vào Phần mềm thành công thì mọi thông tin về tài sản là dữ liệu chính thức, không phải thực hiện duyệt dữ liệu đối với các tài sản này.

Khai thác, sử dụng thông tin

Theo Thông tư, việc khai thác, sử dụng thông tin trong Phần mềm thực hiện theo quy định tại Điều 114 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Theo đó, có 3 hình thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công: Kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; tra cứu thông tin về tài sản công được công khai trên Cổng (Trang) thông tin điện tử có nhiệm vụ công khai tài sản công; theo văn bản yêu cầu được cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận.

Bộ Tài chính có quyền khai thác, sử dụng thông tin về tài sản công trên phạm vi cả nước trong Phần mềm.

Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các đơn vị được phân cấp nhập dữ liệu có quyền khai thác, sử dụng thông tin về tài sản công thuộc phạm vi quản lý trong Phần mềm.

Thông tin khai thác từ Phần mềm được sử dụng để: Phục vụ công tác lập kế hoạch (ngắn hạn, dài hạn), công tác chỉ đạo, điều hành, báo cáo, phân tích dự báo của Chính phủ, của Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có thẩm quyền; làm căn cứ để lập dự toán, xét duyệt quyết toán, quyết định, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát việc giao đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, khai thác, xử lý tài sản công.

Tài khoản của các đơn vị nhập dữ liệu đã được tạo trong Phần mềm trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục sử dụng tài khoản đó để nhập dữ liệu. Việc tạo tài khoản nhập dữ liệu từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thi thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 27 tháng 8 năm 2023.

Thông tư này thay thế Thông tư số 184/2014/TT-BTC ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước và bãi bỏ khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 9 Thông tư số 144/2017/TT-BTC và các Mẫu biểu số: 04a-ĐK/TSC, 04b-ĐK/TSC, 04c-ĐK/TSC, 05a-ĐK/TSDA, 05b-ĐK/TSDA, 05c-ĐK/TSDA, 06a-ĐK/TSC, 06b-ĐK/TSC, 06c-ĐK/TSC, 06d-ĐK/TSC, 07-ĐK/TSC ban hành kèm theo Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

6. Thông tư số 50/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ.

Thông tư số 50/2023/TT-BTC hướng dẫn chi tiết về xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP.
Theo đó, đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc được điều chỉnh mức lương cơ sở thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2023/TT-BNV ngày 26/6/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổ chức chính trị - xã hội và Hội và các văn bản của cơ quan có thẩm quyền; trong đó, chú ý một số nội dung gồm: Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc để xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở là số thực có mặt tại thời điểm ngày 01/7/2023 trong phạm vi số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt); không tổng hợp số đối tượng vượt chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) năm 2023; các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý số biên chế dôi dư theo quy định của pháp luật; không tổng hợp số đối tượng là người làm việc theo chế độ hợp đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 24/2023/NĐ-CP; các cơ quan, đơn vị bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao và các nguồn thu hợp pháp khác để chi trả cho các đối tượng này theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tư cũng nêu rõ, nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP cho các đối tượng quy định căn cứ vào mức tiền lương cơ sở tăng thêm; hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ; hệ số phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức tuyệt đối), tỷ lệ các khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn). Trong đó, cách thức xác định mức lương, phụ cấp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, bao gồm nhu cầu kinh phí tăng thêm do điều chỉnh mức lương cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách sau:

a) Đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Bộ Quốc phòng; thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng (thuộc đơn vị dự toán do ngân sách nhà nước bảo đảm); thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật, học viên Công an nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân, công nhân công an và thân nhân người làm công tác cơ yếu.

b) Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp uỷ viên các cấp theo Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24 tháng 6 năm 2008 của Ban Bí thư; chế độ bồi dưỡng hàng tháng phục vụ hoạt động cấp uỷ thuộc cấp tỉnh theo Quy định số 09-QĐ/VPTW ngày 22 tháng 9 năm 2017 của Văn phòng Trung ương Đảng.

c) Hoạt động phí của Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

d) Hỗ trợ quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố theo mức khoán từ ngân sách nhà nước.
Nhu cầu kinh phí điều chỉnh trợ cấp tăng thêm cho cán bộ xã nghỉ việc được xác định căn cứ vào số đối tượng thực có mặt tại thời điểm ngày 01/7/2023, mức trợ cấp tăng thêm quy định tại Nghị định số 42/2023/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Nội vụ về việc điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng.

Thông tư số 46/2019/TT-BTC ngày 23 tháng 7 năm 2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 137.220
    Online: 14