Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn xã Lâm Trung Thủy. Chỉ trong vòng 10 ngày, từ ngày 13 đến 23/11, địa phương này đã ghi nhận 36 con, của 13 hộ chăn nuôi, ở 5 thôn bị mắc bệnh. Điều này cho thấy dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng. Huyện Đức Thọ đã công bố dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Lâm Trung Thủy, đồng thời khoanh vùng các khu vực có nguy cơ dịch bùng phát cao, ở một số địa bàn lân cận.
Thời gian này, người chăn nuôi ở xã Lâm Trung Thủy đang đề cao cảnh giác, chủ động phòng chống dịch.
Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm hiện đang chăn nuôi 37 con lợn thịt và lợn nái, trong đó khoảng 20 con đang trong thời điểm chuẩn bị xuất bán. Theo chị cho biết, đàn vật nuôi vẫn đang khỏe mạnh, ăn uống bình thường. Tuy nhiên, trước khi gia đình chuẩn bị xuất bán, đã nhờ thú y xã đến lấy mẫu xét nghiệm, thì phát hiện 9 con bị mắc dịch tả lợn Châu Phi, với tổng trọng lượng 450 kg và buộc phải tiêu hủy. Đây là đàn lợn được gia đình chị Trâm chăn nuôi, để cung ứng ra thị trường vào dịp giáp tết, nhưng dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, đã gây thiệt hại lớn về kinh tế của gia đình chị.
Việc bắt buộc người chăn nuôi, phải lấy mẫu gia súc để xét nghiệm, trước khi xuất bán, và phải có giấy chứng nhận, chứng minh vật nuôi khỏe mạnh, không mắc dịch tả lợn Châu Phi trước khi xuất chuồng, là một trong những giải pháp hiệu quả ở Lâm Trung Thủy, nhằm chủ động phát hiện gia súc mắc bệnh. Từ đó có các giải pháp khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan ra diện rộng. Bởi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính, thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Vật nuôi khi mới nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, không có các biểu hiện lâm sàng, vì vậy người chăn nuôi rất khó để phát hiện lợn mắc bệnh, ngoại trừ lấy mẫu xét nghiệm.
Xã Lâm Trung Thủy là địa phương có ổ dịch cũ, đến thời điểm này, toàn xã đã 36 con, của 13 hộ gia đình bị mắc bệnh. Chủ yếu tập trung ở 5 thôn: Trung Bắc, Trung Khánh, Trung Đông, Trung Nam và Hòa Bình. Tổng trọng lượng 2.666 kg. Dưới sự hướng dẫn của Trung tâm ứng dụng KHKT - và bảo vệ cây trồng, vật nuôi, ngày 23/11, địa phương đã tiến hành tiêu hủy.
Hiện nay, huyện Đức Thọ đã ban hành Quyết định số 1989/QĐ-UBND về việc công bố dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Lâm Trung Thủy; đồng thời khoanh vùng các khu vực có nguy cơ dịch bùng phát cao, gồm các xã: Bùi La Nhân, Yên Hồ,Tân Dân, An Dũng, Thanh Bình Thịnh.
Ông Hà Quang Thăng - Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT - bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện cho hay: Để tăng cường các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan ra diện rộng, Trung tâm ứng dụng KHKT - bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ, và xã Lâm Trung Thủy đã cử cán bộ về tận thôn và hộ chăn nuôi, để rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, nhằm phát hiện sớm vật nuôi bị nhiễm bệnh. Trung tâm cũng đã cấp 300 lít hóa chất tiêu độc khử trùng, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh chuồng trại, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo theo quy định
Xã Lâm Trung Thủy cũng đã thực hiện nghiêm các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương, bất khi khi nào phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh, không vận chuyển lợn ra vào đại bàn trong thời gian có dịch, hoặc khi không có văn bản xác nhận an toàn của cơ quan thú y. Không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi.
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế dịch bệnh phát tán lây lan, huyện Đức Thọ cũng yêu cầu các địa phương lân cận, tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hộ chăn nuôi, người hành nghề buôn bán, giết mổ, để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh.