Chiều ngày 4/9, UBND huyện tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3 và tình hình mưa bão trên địa bàn trong những ngày tới. Đồng chí Trần Hoài Đức, chủ tịch UBND huyện và đồng chí Nguyễn Anh Đức phó chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp.
Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 13 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5-10km/h.
Đ/c Bùi Khắc Phong, Phó phòng NN-PTNT huyện báo cáo tình hình diễn biến của cơn bão số 3.
Dự báo trong những ngày tới, bão số 3 sẽ tiếp tục mạnh thêm, di chuyển nhanh về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khu vực Vịnh Bắc Bộ, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta.
Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3.
Để chủ động ứng phó với bão, Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức yêu cầu : Đối với các địa phương, phòng, ngành tuyệt đối không chủ quan lơ là, tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, không để bị động, bất ngờ. Khẩn trương huy động tối đa máy móc, nhân lực để tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa Hè Thu 2024. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả; đặc biệt lưu ý xây dựng phương án sơ tán 07 hộ với 20 nhân khẩu tại khu vực Rú Dầu xã Hòa Lạc, 01 hộ với 2 nhân khẩu tại chân cầu Treo thôn Vĩnh Yên xã Đức Lạng khi có tình huống khẩn cấp ...
Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian mưa bão, lũ lớn để đảm bảo an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ nếu xẩy ra tại địa phương, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xẩy ra.
Giao Phòng NN-PTNT: Chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, đặc biệt là đối với các công trình xung yếu, không đảm bảo an toàn;
Phòng Kinh tế - Hạ tầng: Kiểm tra, triển khai phương án đảm bảo giao thông trên các trục giao thông, chuẩn bị phương tiện, vật tư khắc phục sự cố sạt lở do mưa lớn gây ra; điều tiết giao thông ở các tuyến đường giao thông để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.
Ban Quản lý Dự án XDCB huyện: Chỉ đạo các đơn vị đang thi công trên địa bàn huyện khẩn trương triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với công trình, người và máy móc, thiết bị khi có bão và mưa lớn xẩy ra.
Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Trung tâm Văn hóa -Truyền thông huyện, các phương tiện truyền thanh xã, thị trấn thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Các phòng, ban, đơn vị cấp huyện: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai khẩn trương các giải pháp hỗ trợ các địa phương rà soát, bổ sung các Phương án PCTT&TKCN sát với tình hình thực tế.
Tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND huyện và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện để chỉ đạo.