VỀ ĐỨC THỌ THĂM LÀNG BÁNH GAI NỨC TIẾNG
Từ ngã ba Bãi Vọt đi men theo quốc lộ 8A khoảng 15 km chúng ta sẽ đến với làng Khóng, thuộc xã Đức Yên, huyện Đức Thọ. Cùng với hến sông La, bún bò Đò Trai, bánh gai làng Khóng là đặc sản không thể thiếu khi nói về vùng quê hiền hòa này.
Nghề làm bánh gai ở làng Khóng có truyền thống khoảng hơn 50 năm nay. Ở địa phương, có hàng chục hộ theo nghề. Để làm ra một chiếc bánh gai thơm ngon, cần phải có nhiều nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, cùi dừa, mật mía... nhưng lá gai mới chính là linh hồn của chiếc bánh.
Tên bánh cũng chính từ lá gai mà thành.
Tại làng Khóng, người dân trồng cây gai ngay trong vườn nhà. Cây gai trưởng thành cao từ 1,5-2 m, trung bình mỗi tháng cho thu hoạch một đợt lá, vòng đời kéo dài khoảng 2 năm. Khi thu hoạch, người dân chặt ngang gốc cây rồi bón phân và tưới nước để cây tiếp tục sinh trưởng.
Lá gai được ngắt bỏ cuống, phơi khô từ một đến hai nắng rồi đóng gói, nhập cho các cơ sở sản xuất với giá 40.000 đồng/kg.
Làm bánh gai phải trải qua nhiều công đoạn. Gạo nếp sau khi ngâm nước khoảng 2 giờ, vo sạch sẽ, để ráo rồi đem chế biến thành bột bằng cách giã nhuyễn cho đến khi mịn đều. Lá gai khô được rửa sạch, dùng máy ép lại và lọc qua vải sạch cho hết mùi hăng, sau đó cho vào giã cùng với bột gạo nếp. Mật mía được cho vào trong quá trình này. Hỗn hợp cuối cùng dẻo quánh và có màu đen mượt, vị ngọt thơm.
Đậu xanh làm nhân phải là những hạt căng tròn không bị lép, sau khi đồ chín được trộn với cùi dừa rồi vê tròn thành cục nhỏ.
Đến công đoạn gói bánh, người thợ lấy phần vỏ bánh bọc đều quanh nhân.
Lá chuối dùng để gói bánh khi mua về được rửa lại bằng nước sạch rồi để ráo, lau khô.
Bánh sau khi gói lá chuối được buộc chặt. Dùng lá chuối khô gói bánh giúp cho phần vỏ không bị rách mà giữ được lâu hơn, khi hấp bánh không bị hư lá hay phì bánh ra bên ngoài.
Gia đình ông Nguyễn Trọng Đạt, bà Nguyễn Thị Nho (ở làng Khóng) có gần 30 năm gắn bó và sinh sống bằng nghề làm bánh gai. Ông Đạt cho hay, mỗi ngày cơ sở ông bán ra thị trường khoảng 1.500 chiếc bánh, tạo việc làm cho 6 người dân địa phương.
Những chiếc bánh gai hoàn chỉnh chuẩn bị được đem đi hấp.
Bánh gai được xếp tròn, đẹp mắt bên trong nồi hấp.
Bánh gai được nấu theo kiểu cách thủy trong khoảng một giờ đồng hồ. Nồi nước sôi được đặt phía dưới cùng, hai nồi hấp được đặt chồng lên nhau ở bên trên.
Bánh chín được xếp vào thùng xốp, chờ đem đi nhập ở nhiều cửa hàng, đại lý trong huyện, tỉnh với giá 3.000-5.000 đồng/chiếc. Bánh gai là thứ bánh ăn nguội, không ăn nóng được vì khi bóc ra vỏ bánh sẽ dính vào lá, vào tay. Trải qua nhiều thăng trầm, bánh gai làng Khóng vẫn giữ được phong vị riêng có, thường được người dân mua làm quà biếu mỗi khi đi xa.
Theo Đặng Phương (Baohatinh.Vn)