Chính phủ vừa ban hành Nghị định số110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Quy định mới về tổ chức lễ hội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

 

Nghị định nêu rõ nguyên tắc tổ chức lễ hội. Theo đó, việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước, tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn  hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.

Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân; phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Nghị định quy định không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội

Người tham gia lễ hội phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường; không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác; không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội.

Nghị định quy định rõ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định trên còn phải thực hiện các quy định sau: Không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).

Lễ hội phải đăng ký trước khi tổ chức

Nghị định quy định lễ hội phải đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi tổ chức gồm:

1- Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề do cơ quan trung ương tổ chức (lễ hội cấp quốc gia) được tổ chức lần đầu.

2- Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có từ 2 tỉnh trở lên tham gia tổ chức (lễ hội cấp khu vực) được tổ chức lần đầu.

3- Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 2 năm trở lên.

Lễ hội phải đăng ký với UBND cấp tỉnh trước khi tổ chức gồm:

1- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp tỉnh được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 2 năm trở lên;

2- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có nhiều huyện thuộc một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia tổ chức (lễ hội cấp tỉnh) được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 2 năm trở lên.

Lễ hội phải đăng ký với UBND cấp huyện trước khi tổ chức gồm:

1- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp huyện được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 2 năm trở lên;

2- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có nhiều xã thuộc một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương tham gia tổ chức (lễ hội cấp huyện) được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 2 năm trở lên.

3- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp xã được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 2 năm trở lên.

4- Lễ hội truyền thống cấp huyện, cấp xã được tổ chức hàng năm nhưng có thay đổi về cách thức tổ chức, nội dung, địa điểm so với truyền thống.

Tạm ngừng tổ chức lễ hội nếu sai lệch nội dung, giá trị

Nghị định quy định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp sau:

1- Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội;

2- Tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người;

3- Xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương;

4- Có hoạt động phát tán hoặc tuyền truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân.

Nguồn: Tác giả: Phương Nhi(chinhphu.vn)

Cổng thông tin điện tử huyện Đức Thọ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 170.783
    Online: 76