UBND xã Quang Vĩnh

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

BÀI PHÁT THANH TUYÊN TRUYỀN

VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI THÁNG 04/2022

 

CHỦ ĐỀ

Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình

 

 

 Hỏi : Bạo lực gia đình là gì?

Đáp: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Hỏi: Bạo lực gia đình gồm những hành vi nào?

Đáp: Bạo lực gia đình gồm những hành vi sau:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

- Cưỡng ép quan hệ tình dục;

-Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Hỏi: Những hành vi nào bị nghiêm cấm?

Đáp: Những hành vi bị nghiêm cấm là:

- Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

-Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.

- Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

- Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình.

- Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật.

- Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.

Hỏi: Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình?

Đáp:  - Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

+ Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

+ Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

+ Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Hỏi: Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình ở đâu, như tế nào?

Đáp: -  Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp sau:

+ Nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình; trường hợp phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

+ Nhân viên tư vấn phải có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm yêu cầu về chuyên môn theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực tư vấn. Trong quá trình tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình, nhân viên tư vấn có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình; trường hợp phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

- Cơ quan công an, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

         

Nơi nhận:      

- Truyền thanh;

- Lưu.

TM. UBND

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

Nguyễn Quang Việt

 

 

 

 

 

UBND xã Quang Vĩnh

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

BÀI PHÁT THANH TUYÊN TRUYỀN

VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI THÁNG 04/2022

 

CHỦ ĐỀ

ĐỊNH KIẾN VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ THEO GIỚI

Ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới là phụ nữ và phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội. Nhưng bất chấp thực tế này, trong nhiều nền văn hoá, phụ nữ không những không được đánh giá và đối xử đúng với năng lực và vị trí thực tế của mình, mà còn là đối tượng của những định kiến tiêu cực, nặng nề và chịu sự phân biệt trong đối xử.

Ngay từ thời cổ đại, ở Hy Lạp, cái nôi của nền dân chủ, nhà triết học Euripide đã viết: “Kẻ nào thôi không nói xấu về phụ nữ nữa thì đúng là một thằng điên”. Khổng Tử, người mà chúng ta biết có một ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hoá của các quốc gia phương Đông cũng đã nói: “Phụ nữ là những người dễ làm đồi bại và cũng dễ bị đồi bại”. Còn Thiên Chúa giáo, một trong những tôn giáo lớn trên thế giới cũng quan niệm phụ nữ chỉ là một tạo vật không hoàn mỹ được Chúa tạo ra từ chiếc xương sườn của người đàn ông. ở Việt Nam, một trong những quan niệm về phụ nữ được thể hiện trong câu châm ngôn cổ xưa: “Đàn bà đái không qua ngọn cỏ”. Tư tưởng hàm chứa trong câu châm ngôn này nói lên rất rõ sự coi thường của xã hội đối với phụ nữ.

Có thể thấy, những định kiến tiêu cực về người phụ nữ không hề mất đi mà được lưu truyền trong nhiều nền văn hoá, từ đời này sang đời khác, bất chấp thực tế xã hội đã có nhiều thay đổi. Điều này khiến chúng ta dễ dàng nhận thấy và chỉ ra rằng, thực tế hiện nay phụ nữ đang ở một vị trí thấp kém hơn so với nam giới. Phụ nữ bị hạn chế trong sở hữu tài sản và tiếp cận các nguồn lực kinh tế, trong giáo dục và công nghệ; phụ nữ ít có tiếng nói trong gia đình và xã hội; phụ nữ mang gánh nặng công việc trong vai trò kép v..v…

Liên Hợp Quốc đã đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng thể chế thuận lợi nhằm mang lại quyền lợi và cơ hội phát triển cho phụ nữ. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại và nó được điều khiển bởi hạt nhân cơ bản nhất là định kiến giới. ở Việt Nam, trong tương quan với nam giới, phụ nữ thuộc nhóm những người có thu nhập thấp. Tình trạng bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận và hưởng lợi từ các quyền, nguồn lực hoặc tiếng nói thường gây bất lợi cho phụ nữ nhiều hơn, mặc dù chúng cũng tác động xấu tới những đối tượng khác trong xã hội. Cái giá mà chúng ta phải trả cho tình trạng bất bình đẳng giới bao gồm  hàng loạt chi phí trực tiếp về phúc lợi xã hội, tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Những hậu quả của bất bình đẳng giới không loại trừ một ai, thậm chí những thế hệ tương lai cũng tiếp tục chịu thiệt thòi.

Lịch sử phát triển xã hội cho thấy không thể có tiến bộ xã hội thật sự nếu vẫn còn một bộ phận nào đó của xã hội bị đối xử bất công hoặc bị loại trừ. Do vậy, nâng cao bình đẳng giới đã trở thành một phần của chiến lược quốc gia về phát triển bền vững. Tiến bộ về bình đẳng giới là một yêu cầu bắt buộc để Việt Nam đạt được 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu số 3 là tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho phụ nữ, mà Việt Nam cùng với 188 quốc gia khác đã nhất trí thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc vào năm 2000. Những mục tiêu này đảm bảo mọi việc chính phủ tiến hành đều nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội và lợi ích chung sẽ được phân phối công bằng cho cả nam giới và phụ nữ. Tuy nhiên, chúng ta thấy nguyên nhân sâu xa của bất bình đẳng giới đã làm chậm lại quá trình đạt tới những mục tiêu bình đẳng giới mà chính phủ đã đề ra; cản trở nỗ lực xây dựng xã hội mà ở đó cả nam giới và phụ nữ đều được hưởng lợi từ những thành tựu của sự phát triển. Đó chính là những hậu quả của định kiến và phân biệt đối xử theo giới gây ra. Điều này cũng chỉ ra rằng: Việc nghiên cứu định kiến và phân biệt đối xử theo giới càng trở nên cần thiết và nó bắt nguồn từ tính chất phức tạp không dễ nhận biết của hiện tượng này.

Đứng trên quan điểm giới, chúng ta dễ dàng nhận thấy định kiến giới len lỏi vào trong mọi hoạt động của xã hội, tồn tại trong mọi tầng lớp dân cư. Người mang định kiến không chỉ là nam giới mà còn có cả phụ nữ. ở bất cứ đâu, trong bất cứ mối quan hệ nào giữa nam giới và phụ nữ, chúng ta cũng có thể bắt gặp định kiến. Tuy nhiên, khi hỏi một người rằng “Liệu bạn có định kiến về phụ nữ không?”. Có lẽ một số đông áp đảo đã có sẵn câu trả lời: “Không, hoàn toàn không!”. Mỗi cá nhân có thể dễ dàng chỉ ra định kiến và sự cố chấp mù quáng của người khác trong mối tương quan giữa phụ nữ và nam giới, nhưng lại không nhận thấy những xu hướng như vậy cũng tồn tại ngay trong chính bản thân mình. Và hiển nhiên, những hình thức của định kiến giới trở nên rất khó phát hiện vì chúng ta đã quá quen với nó. Chúng ta đã sống trong một môi trường mà ở đó những khuôn mẫu giới tính sẵn có trở nên “tự nhiên”, “bình thường” theo kiểu đàn ông phải như thế này, phụ nữ phải như thế kia. Chúng ta dễ dàng cảm thấy kỳ quặc khi “Thằng bé này mặc quần áo như một bé gái!”, hoặc khó chịu khi “Lão ấy cư xử như đàn bà”. Đó chính là những khuôn mẫu đã trở thành định kiến mà mỗi người ít nhiều tiếp thu được, tuỳ thuộc vào giới tính của mình.

Xoá bỏ định kiến, nghĩa là thay đổi nhận thức và thái độ của mỗi người là công việc không dễ dàng. Không phải bất cứ ai cũng nhận thấy mình đang mang định kiến về người khác, hay có xu hướng phân biệt đối xử với người khác. Vì vậy, những xu hướng này thường được “ẩn giấu” đằng sau “tính hợp lý” mà mỗi người thường dùng để lý giải cho định kiến của mình.

Khi nói về định kiến giới, chúng ta thường tập trung nói về sự “thua thiệt”, sự “bất công” của phụ nữ so với nam giới. Tuy nhiên nhìn ở góc độ của khoa học giới, chắc chắn rằng nam giới cũng phải chịu những định kiến và áp lực trong vai trò của họ. Ví dụ, vai trò “trụ cột kinh tế” trong gia đình là một vai trò được xã hội quy gán cho người đàn ông. Vì vậy, khi gia đình gặp khó khăn, người phụ nữ thường quy trách nhiệm cho nam giới. Với bản thân nam giới, họ không thể không mặc cảm trong vai trò người chồng, người cha của mình, dù họ đã hết sức cố gắng. Tuy nhiên, trên thực tế, định kiến giới thường được xã hội mô tả dưới dạng là định kiến đối với phụ nữ.

Chúng ta khó có thể phủ nhận một thực tế hiện nay là phụ nữ đang ở vị trí thứ yếu so với nam giới. Hơn nữa, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, định kiến đối với phụ nữ dường như mang nhiều hàm nghĩa “tiêu cực” hơn so với nam giới. Phụ nữ thường được coi là những người “tình cảm yếu ớt”, “phụ thuộc”, “thụ động”, “thiếu chí tiến thủ…”, còn nam giới là những người “ sáng suốt”, “quyết đoán”, “quyền uy và tự chủ”…

Những nhận định đối với phụ nữ của một nhóm xã hội nào đó ban đầu có thể xuất phát từ những dấu hiệu dựa trên một số hiện thực nhất định. Nhưng khi chúng được khái quát hoá một cách tuyệt đối và coi đó là những chuẩn mực để đánh giá, phán xét và ứng xử với tất cả phụ nữ, trong khi thực tế đã thay đổi, thì những nhận xét này trở thành định kiến. Mặt khác, thực tế cuộc sống biến chuyển nhanh chóng và đa dạng, trong khi quan niệm của chúng ta có thể đúng với đa số trường hợp trước đây nhưng không còn phù hợp với thực tiễn của xã hội ngày nay. Ví dụ, trong xã hội phong kiến, phụ nữ đã rất thích hợp với vai trò nội trợ và chăm sóc các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, xã hội hiện nay đã thay đổi, phụ nữ đang khẳng định khả năng của mình trong các vai trò xã hội và kinh tế. Nếu chúng ta vẫn còn quan niệm chung rằng: phụ nữ là thụ động, ỷ lại còn nam giới là người trụ cột trong gia đình, thì cách nhìn này càng phải xem lại, vì nó ít nhiều mang màu sắc của định kiến giới.

Xem xét các biểu hiện của định kiến từ góc độ giới, chúng ta thấy: ở mức độ nhẹ, định kiến và phân biệt đối xử theo giới với phụ nữ thể hiện ở ngôn từ cửa miệng, lời nói dân gian như “Đồ đàn bà”, “Các bà thì biết gì”; hoặc thể hiện ở sự né tránh, đơn giản qua việc lườm nguýt, lừ mắt, im lặng và phớt lờ theo kiểu “Không thèm dây với đàn bà”. ở mức độ cao hơn, định kiến thể hiện trong nhận thức xã hội, trong quan niệm xã hội về những gì phụ nữ “có thể” hay “không thể”, phụ nữ “nên làm” hay “không nên làm”, theo kiểu: “Phụ nữ không thể giữ các vị trí trưởng”, “Phụ nữ không thể làm lãnh đạo” … Những quan niệm này thể hiện hệ tư tưởng của các nhóm xã hội nhất định, hoặc của toàn xã hội. Đơn cử một ví dụ, văn hóa hay tín ngưỡng “Thờ cúng tổ tiên”, “Nối dõi tông đường” thường được coi là “trọng trách” của người đàn ông. Điều này thực chất thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tư tưởng định kiến còn được xuyên suốt qua tục ngữ, ca dao, như “Đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng toang hoang cửa nhà”, hay “Bồ cu mà đỗ nóc nhà, mấy đời đàn bà đi hỏi đàn ông” v.v..

ở một mức độ cao hơn nữa, định kiến thể hiện trong các hành vi ứng xử mang tính phân biệt, nhằm bảo vệ “quyền” của người đàn ông, của người chồng trong gia đình, như những hình thức bạo hành trong gia đình, những hành vi phân định “của phụ nữ”, “của nam giới” trong công việc. Nhiều trường hợp, sự phân biệt đối xử còn được thể hiện trong việc hạn chế cơ hội học tập, vui chơi và chất lượng dinh dưỡng của trẻ em gái so với trẻ em trai. Những hình thức bạo hành đối với phụ nữ không chỉ thể hiện qua những bằng chứng cụ thể, dễ nhận biết, mà nhiều biểu hiện của định kiến và phân biệt đối xử theo giới với phụ nữ còn được “ngụy trang”, “trá hình” một cách tinh vi với những sắc thái mới theo kiểu “bảo vệ”, “nâng đỡ” phụ nữ như việc không cho vợ tham gia hội họp vì sợ đi đêm không an toàn; nhiều nam giới chỉ chấp nhận cho vợ tham gia các hoạt động xã hội nếu như vợ tự thu xếp ổn thoả việc gia đình và chăm sóc con cái; hoặc không trao những việc trọng trách cho phụ nữ vì sợ họ “vất vả”. Thậm chí, pháp luật còn “bảo vệ” phụ nữ bằng cách cho họ nghỉ hưu trước nam giới 5 năm. Trong khi đối với nữ trí thức, thành công trong sự nghiệp của họ thường bắt đầu muộn hơn đồng nghiệp nam, vì thời gian nghỉ sinh con, nuôi con nhỏ, vì gánh nặng của công việc gia đình. Sự trá hình, tinh vi của nhiều loại hình định kiến làm cho quá trình nhận dạng và thay đổi chúng càng trở nên khó khăn, phức tạp.

Định kiến và phân biệt đối xử theo giới là rào cản sự phát triển của phụ nữ và phát triển xã hội. Gánh nặng “vai trò kép” của phụ nữ chỉ ra một thực tế là đa số phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn dành nhiều thời gian làm việc và có quá ít thời gian nghỉ ngơi giải trí so với nam giới. Gánh nặng này ảnh hưởng tới sức khoẻ thể chất của phụ nữ. Đây là một chỉ báo quan trọng có nguồn gốc từ định kiến và phân biệt đối xử đối với sự phân công đối xử theo giới. ở một khía cạnh khác, việc người phụ nữ phải đảm nhận hầu hết các công việc trong gia đình sẽ hạn chế thời gian họ tham gia các công việc xã hội. Do đó phụ nữ bị hạn chế về mặt nhận thức xã hội, khía cạnh này phản ánh chỉ báo phát triển tinh thần ở phụ nữ bị hạn chế so với nam giới.

Người ta nhận thấy rằng tình trạng suy dinh dưỡng và tỉ lệ tử vong của trẻ em có mối liên quan chặt chẽ với trình độ học vấn của các bà mẹ. Trẻ em là đối tượng trực tiếp phải chịu thiệt thòi do các bà mẹ ít học, không được trang bị những hiểu biết và kỹ năng cần thiết trong việc giáo dục và chăm sóc con cái. Sự thất học và phụ thuộc vào người khác của người mẹ sẽ lấy đi ở họ sự tự tin, lòng tự trọng, làm suy yếu khả năng nuôi dưỡng và bảo vệ đứa trẻ. Kết quả, người mẹ không thể nuôi dưỡng con theo những cách thức đúng đắn, khoa học. Đây là một trong những nguồn gốc chủ yếu dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong của trẻ nhỏ. Những bà mẹ có trình độ học vấn cao thường sinh ít con hơn, lập gia đình muộn hơn, có sự hiểu biết tốt hơn về kế hoạch hóa gia đình, quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và tiêm chủng cho trẻ nhỏ đầy đủ hơn. Với trình độ học vấn của mình, họ tự chủ trong việc quyết định thời điểm sinh con, số lượng con và các biện pháp tránh thai mà họ muốn sử dụng. Một số nghiên cứu đã cho thấy mối tương quan tỉ lệ thuận giữa trình độ học vấn của người mẹ và kết quả học tập của con cái. Nếu trình độ học vấn của người mẹ càng cao thì thành tích trí tuệ của con cái họ càng lớn (Rosenzwweig và Wolpin,1994). Thực tế này cho thấy những người mẹ có học vấn cao có khả năng chỉ bảo con cái mình tốt hơn, thông qua việc dạy dỗ ở nhà và là tấm gương cho con cái noi theo. Trình độ học vấn của người mẹ có một tầm quan trọng rất lớn đến tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và thành tích trí tuệ của trẻ nhỏ. Vì vậy, hạn chế phụ nữ và trẻ em gái đến trường hoặc không tạo điều kiện cho họ được hưởng một nền giáo dục ở những cấp cao hơn, đồng nghĩa với việc tước bỏ nhiều cơ hội để thế hệ sau có một thể chất khỏe mạnh hơn và một nền học vấn tốt hơn.

ở một số nước trên thế giới, những nghiên cứu sâu trong lĩnh vực sức khoẻ tinh thần cũng đã chỉ ra một số tổn hại tâm lý khó đo lường đối với phụ nữ, nhất là những phụ nữ thường xuyên làm các công việc gia đình. Đó là trạng thái căng thẳng tinh thần (stress), sự tổn thương lòng tự trọng, mất lòng tin vào bản thân và tương lai. Có thể nói, cái giá của định kiến và phân biệt đối xử theo giới dưới khía cạnh tâm lý thường không dễ được nhìn thấy.

Đứng trước xu thế của sự thay đổi, nhiều phụ nữ đang bị đặt trước một sự lựa chọn khó khăn: lui về chăm sóc gia đình hay phấn đấu cho nghề nghiệp? Chọn con đường phấn đấu trong lĩnh vực nghề nghiệp mà bớt thời gian chăm sóc gia đình dễ làm người phụ nữ rơi vào mặc cảm tội lỗi, trong khi xã hội cho rằng công việc gia đình là thiên chức của phụ nữ. Trường hợp nếu không thể vượt qua được “mặc cảm” đó, phụ nữ thường chọn giải pháp lui về với các công việc gia đình hoặc cố gắng cáng đáng cả hai vai trò. Sự lựa chọn nào quả thực cũng là khó khăn với người phụ nữ.

Cái giá tiếp theo phải trả cho định kiến và phân biệt đối xử theo giới là làm kìm hãm sự phát triển xã hội nói chung. Sự phân biệt đối xử với theo giới làm mất cân bằng giới trong phát triển, đồng thời làm mất đi tiềm năng, vai trò người phụ nữ trong phát triển. Thực tế ở nhiều quốc gia cho thấy, phân biệt đối xử với theo giới ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội. Sự phân biệt đối xử về giới thu hẹp các cơ hội dành cho phụ nữ, cũng như hạn chế vai trò và khả năng của họ trong quá trình tham gia và thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Đứng về phương diện quốc gia, sự phân biệt đối xử theo giớivới phụ nữ và trẻ gái ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế do không tận dụng hết tiềm năng sản xuất và sức sáng tạo của phụ nữ.

 

Cụm từ “bình đẳng nam- nữ” được đưa vào Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946. Tuy nhiên, đứng từ góc độ nghiên cứu lý luận, vấn đề bình đẳng giới trong vòng mười năm trở lại đây mới bắt đầu được quan tâm và phải đến nghị quyết 23 của Đảng (3/2003) thì ba chữ “bình đẳng giới” mới được đưa vào thực tiễn và mang ý nghĩa của khoa học giới. Vấn đề định kiến và phân biệt đối xử theo giới là một biểu hiện cụ thể của bất bình đẳng giới. Xét từ góc độ nghiên cứu khoa học, định kiến và phân biệt đối xử theo giới là một khái niệm mới mẻ ở Việt Nam. Những công trình nghiên cứu về định kiến và phân biệt đối xử theo giới ở nước ta chưa nhiều, chưa hệ thống và ít nhận được sự quan tâm của giới học thuật. Vì vậy, về mặt lý luận, nghiên cứu nguồn gốc phát sinh, nguồn gốc củng cố của những loại hình định kiến giới đang tồn tại và xem xét ảnh hưởng của chúng tới sự phát triển của phụ nữ và nam giới trong những bối cảnh văn hoá – xã hội khác nhau là điều rất ý nghĩa.

Đứng trên phương diện thực tiễn, nghiên cứu về định kiến và phân biệt đối xử theo giới đặc biệt cần thiết đối với những nhà hoạch định chính sách và những ai quan tâm đến hoạt động bình đẳng giới tại Việt Nam. Chúng ta đã có những chỉ báo toàn cầu, chỉ báo cấp quốc gia và thậm chí có những con số thống kê về tình hình bất bình đẳng giới ở từng địa phương cụ thể. Những chỉ báo mang tính định lượng là những chỉ báo rất quan trọng. Tuy nhiên, những chỉ báo mang tính truyền thống này chưa thâu tóm được độ sâu và chưa phản ánh được chất lượng của các mối quan hệ giới. Hơn nữa, những chỉ báo định lượng không lý giải cho chúng ta biết nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại dai dẳng. Vì vậy, việc tìm hiểu định kiến và phân biệt đối xử theo giới sẽ giúp gợi lên những suy nghĩ về vấn đề giới, cung cấp thông tin cho những nhà hoạch định chính sách, tạo ra động lực cho những thay đổi cụ thể và nhằm bổ sung cho những số liệu định lượng đã có.

Với sự cần thiết của việc nghiên cứu định kiến và phân biệt đối với phụ nữ được trình bày ở trên, chúng tôi hy vọng cuốn sách chuyên khảo này- “Định kiến và phân biệt đối xử theo giới- Lý thuyết và thực tiễn” – sẽ cổ vũ độc giả xem xét đến mối quan hệ giới nhạy cảm ở Việt Nam. Điều này giúp chúng ta có thể dự đoán tốt hơn các tác động khác nhau của các chuẩn mực văn hoá – xã hội tới phụ nữ và nam giới. Từ đó, chúng ta có thể xây dựng một mô hình can thiệp đủ mạnh để phá vỡ vòng quay của định kiến và phân biệt đối xử – rào cản đối với sự tiến bộ của phụ nữ hiện nay.                                                   

Nơi nhận:      

- Truyền thanh;

- Lưu.

TM. UBND

CHỦ TỊCh

 

 

 

 

Nguyễn Quang Việt

 

 

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 82.682
    Online: 88