Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ yêu cầu tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND huyện và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện.
Chiều nay 17/9, UBND huyện tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lũ địa bàn trong những ngày tới. Đồng chí Trần Hoài Đức, chủ tịch UBND huyện và đồng chí Nguyễn Anh Đức phó chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp.
Phó phòng NN-PTNT huyện Bùi Khắc Phong, báo cáo tình hình diễn biến của áp thấp khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lũ
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông hồi 14h ngày 17.9.2024
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão, từ chiều tối ngày 18/9 đến ngày 21/9, khu vực Hà Tĩnh có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500mm, nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp; mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở các khu đô thị, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão khi vào Biển Đông và tình hình mưa lớn trên các phương tiện truyền thông để kịp thời thông tin, cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị và và người dân chủ động phòng, tránh, ứng phó đảm bảo an toàn.
Huy động lực lương, máy móc để chặt tỉa cành cây cao gần nhà, các trụ sở cơ quan, trường học, trên các tuyến đường giao thông. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân neo giằng nhà cửa, các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các hộ già cả, neo đơn. Tổ chức nạo vét khơi thông các kênh tiêu, cống tiêu nước để hạn chế ngập úng.
Tiếp tục rà soát, bổ sung vào phương án sơ tán dân các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất ở thôn Hà Cát, thôn Vĩnh Yên xã Đức Lạng; thôn Vĩnh Khánh xã Trường Sơn, các hộ dân chân Rú Dầu xã Hòa Lạc; các khu vực đồi núi dốc, khe suối nhỏ các xã Tân Hương, Tân Dân, An Dũng, Đức Đồng và các hộ ở ven sông khu vực Cầu Treo thôn Vĩnh Yên xã Đức Lạng, các địa phương có người dân sinh sống dọc sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La, sông Lam chảy qua.
Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian mưa bão, lũ lớn để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ.
Triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi; Chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Trung tâm Văn hóa -Truyền thông huyện, các phương tiện truyền thanh xã, thị trấn thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai; tăng cường thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND huyện và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện để chỉ đạo.