Đức Thọ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử với nhiều di tích có giá trị lâu đời. Những năm qua, đặc biệt là trong quá trình xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao, cấp ủy chính quyền luôn quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy được nguồn nội lực, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà Mai Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Đức Thọ cho biết: “Toàn huyện Đức Thọ hiện có trên 200 di tích, trong đó có 82 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tự hào về truyền thống của quê hương, những năm qua, đặc biệt quá trình xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao, các xã, thị trấn ở huyện Đức Thọ đều đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn”.
Đền thờ Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao tại thôn Đồng Cần, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ là một trong những di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1998. Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (1420 - 1496) còn gọi là Quang thục Hoàng Thái hậu, mẹ đẻ vua Lê Thánh Tông.Theo truyền thuyết để lại, trong một lần vua ngự giá thân chinh đi dẹp giặc Chiêm Thành, bà cùng đi với Vua, khi thắng trận, trên đường trở về bà không may mắc bệnh và qua đời. Mộ phần được an táng tại vùng Đồng Cần, sau đó cải táng về quê ở Thanh Hóa. Để tưởng nhớ tới công lao to lớn của Hoàng Thái Hậu, nhân dân đã lập đền thờ bà tại đây.
Ngày 26/3 âm lịch hàng năm, nhân dân thôn Đồng Cần (xã Thanh Bình Thịnh) khách thập phương khắp mọi miền đều về di tích để dâng hương tưởng nhớ Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao.
Ông Phan Công Tín, Quản lý di tích Đền thờ Ngô Thị Ngọc Dao, xã Thanh Bình Thịnh cho hay: “Đền thờ tọa lạc trên diện tích hơn 400 m2, phong cảnh hữu tình. Đền có kết cấu kiến trúc chữ Nhị, được làm bằng gỗ lin, mái lợp ngói mũi hài, nội thất chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý. Trong Đền gồm có nhà hạ điện, thượng điện, bên trong đặt bàn thời hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Hiện tại ngôi đền chỉ còn lưu giữ được 2 ngôi nhà (Thượng điện. Hạ điện); đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1998. Năm 2008, địa phương đã đầu tư xây dựng thêm 1 căn nhà 3 gian làm nơi tiếp lễ, soạn lễ”.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, liên tục bị thiên tai, chiến tranh tàn phá, nhiều di sản ở Đức Thọ bị xuống cấp, nhiều di tích chỉ còn là phế tích.
Thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đức Thọ, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”. Thời gian qua, các địa phương ở Đức Thọ đã không ngừng nỗ lực khôi phục, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa. Trong đó, huyện đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch; các xã, thị trấn, các dòng họ đã nỗ lực kêu gọi nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích gắn với phát huy giá trị truyền thống các dòng họ, lễ hội truyền thống, du lịch tâm linh,...
Nhà thờ Bùi Đình Hựu tọa lạc tại tổ dân phố 3, Thị trấn Đức Thọ được xây dựng vào năm Khải Định thứ 7 (1922) là nơi thờ tự các bậc tiền nhân từng có nhiều công lao với dân, với nước qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc của dòng họ đại tôn Bùi Đình, trong đó cụ Bùi Đình Hựu, tổ đời thứ 6, một vị quan thanh liêm, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình đã luôn yêu thương dân, tạo phúc cho trăm họ.
Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ Bùi Đình Hựu ở thị trấn Đức Thọ.
“Trải qua lịch sử, một số hạng mục tại nhà thờ đã bị xuống cấp, con cháu dòng họ đã chung tay đóng góp gần 1,5 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo lại nhà thờ nhằm lưu giữ phát huy giá trị văn hóa truyền thống to lớn của dòng họ nhất là truyền thống hiếu học, yêu nước, tương thân tương ái…Năm 2021, nhà thờ được vinh dự đón nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”. Ông Bùi Hưng Hường, Hội đồng gia tộc họ Bùi Đình- Thị trấn đức Thọ cho hay:
Bên cạnh trùng tu tôn tạo, công tác phát huy giữ gìn các di tích cũng được huyện Đức Thọ quan tâm, đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú như: Học tập lịch sử địa phương, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hành trình về nguồn, kết nạp đoàn viên, đội viên tại các địa chỉ đỏ trên địa bàn; xây dựng mã QR tại các di tích giúp người dân và du khách cập nhật chính xác các dữ liệu, hình ảnh, tài liệu, địa điểm liên quan đến các khu di tích. Nhiều di tích đã được quan tâm bảo tồn và phát huy tốt, hàng năm thu hút lượng du khách đến tham quan, chiêm bái đông như: di tích lịch sử Trần Phú, Nhà thờ và khu mộ Đình Nguyên Tiến Sĩ P
han Đình Phùng, xã Tùng Ảnh; Chùa Am (xã Hòa Lạc), chùa Tiên Lữ (xã Tân Dân),...
Trường Tiểu học Thị trấn Đức Thọ tổ chức hoạt động ngoại khóa tại "địa chỉ đỏ" khu di tích lịch sử đồng chí Trần Phú, xã Tùng Ảnh.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thì việc khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện vẫn còn khá khiêm tốn. Vấn đề đặt ra là, các cấp, ngành của huyện Đức Thọ cần có nhiều hơn nữa các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích một cách khoa học nhất là việc giữ gìn văn hóa truyền thống trong thời đại số hiện nay.
“Xác định di tích lịch sử là nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là điểm tựa tinh thần vững chãi cho sự nghiệp xây dựng quê hương. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng...phát huy nội lực, kêu gọi vận động xã hội hóa, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích, phục hồi, phát triển các lễ hội truyền thống trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết 06 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa con người Đức Thọ, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”. Bà Mai Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Đức Thọ cho biết.