Hà Tĩnh xem xét mức hỗ trợ hằng tháng cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng

(Baohatinh.vn) - Kỳ họp thứ 14 khai mạc sáng nay (13/7) sẽ xem xét quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trong khi chưa bàn về phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Xung quanh nội dung này, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đã có cuộc trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh xem xét mức hỗ trợ hằng tháng cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần.

- PV: Xin bà cho biết cơ sở nào để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định chính sách quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn Hà Tĩnh tại kỳ họp lần này?

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Điều 44 Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định: “Tại thôn, ấp, bản, tổ dân phố phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do chủ tịch UBND cấp xã thành lập, quản lý và chỉ đạo”.

Toàn tỉnh hiện có 1.936 thôn, tổ dân phố; đã thành lập được 1.936 đội dân phòng với 1.936 đồng chí đội trưởng và 1.972 đồng chí đội phó. Đội trưởng, đội phó đội dân phòng có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo lực lượng dân phòng kịp thời phối hợp nắm chắc tình hình, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các nội quy an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC); tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC; xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra. Hiện nay, việc hỗ trợ hằng tháng cho chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện theo quy định.

Qua tham khảo, đã có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, còn 9 tỉnh chưa ban hành, trong đó có Hà Tĩnh. Do đó, chúng ta chưa kịp thời động viên, phát huy được hết tinh thần, trách nhiệm của lực lượng này khi tham gia công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Từ các căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn trên, việc trình HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn Hà Tĩnh là cần thiết, phù hợp với thực tế và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- PV: Thưa bà, theo nội dung tờ trình sẽ trình tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, mức hỗ trợ cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng là như thế nào?

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đối tượng áp dụng là đội trưởng, đội phó đội dân phòng được chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định thành lập, tham gia hoạt động động PCCC theo quy định của Luật PCCC và các văn bản có liên quan trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động, hỗ trợ đối với đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh xem xét mức hỗ trợ hằng tháng cho đội trưởng, đội phó đội dân phòngKỳ họp thứ 14 sẽ xem xét mức hỗ trợ hằng tháng cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng (Ảnh minh họa).

Mức hỗ trợ hằng tháng cho đội trưởng đội dân phòng bằng 17% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng; mức hỗ trợ cho đội phó đội dân phòng bằng 15% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng.

Như vậy, tổng kinh phí hỗ trợ cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn toàn tỉnh trong một năm là 24.674.395.200 đồng. Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách tỉnh bố trí trong dự toán giao hằng năm cho các huyện, thành phố, thị xã thực hiện.

- PV: Phụ cấp, bồi dưỡng cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị, song, đến nay, HĐND tỉnh vẫn chưa ban hành chính sách hỗ trợ. Bà có thể cho biết vì sao?

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Việc chưa trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố xuất phát từ các nguyên nhân cụ thể như sau:

Thứ nhất, ngày 10/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Nghị định 33 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, với nhiều điểm mới. Đó là thay đổi, điều chỉnh về số lượng người và chức danh công chức cấp xã; thay đổi tiêu chuẩn công chức cấp xã; sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức cấp xã; thay đổi căn cứ xếp lương cán bộ, công chức cấp xã; và các chế độ nâng lương, phụ cấp khác. Do đó, chưa trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố.

Thứ hai, các đối tượng cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được điều chỉnh tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP rất rộng. Chính vì vậy, cần phải tiến hành khảo sát, lấy ý kiến các đối tượng tác động đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

Do vậy, chính sách hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ được trình HĐND tỉnh Hà Tĩnh tại kỳ họp chuyên đề gần nhất.

Một số nội dung trọng tâm của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP:

1. Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã: hằng năm, do HĐND tỉnh quy định số lượng cụ thể cho từng huyện; các huyện tự quyết định số lượng cho từng đơn vị hành chính cấp xã (Khoản 4, 5, Điều 6)

2. Về tiêu chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã do UBND tỉnh quy định (Khoản 5, Điều 8; Khoản 4, Điều 10)

3. Về nhiệm vụ của từng chức vụ cán bộ cấp xã, chức danh công chức cấp xã: do UBND cấp huyện quy định (Khoản 12, Điều 9; Khoản 7, Điều 11)

4. Việc tuyển dụng công chức cấp xã được áp dụng quy định tại Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (Nghị định số 138/2020/NĐ-CP và Thông tư 06/2020/TT-BNV) (Điều 13)

5. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: theo quy định: loại I là 14 người, loại II là 12 người, loại III là 10 người (hiện tại tỉnh ta đang quy định không quá 9 người). Hàng năm, do HĐND tỉnh quy định số lượng cụ thể cho từng huyện; các huyện tự quyết định số lượng cho từng đơn vị hành chính cấp xã (Điều 33). HĐND tỉnh quy định chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã và mức phụ cấp cụ thể cho từng chức danh (Khoản 3, Điều 34)

6. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:

- Theo quy định không quá 3 chức danh (tỉnh Hà Tĩnh đang quy định không quá 2 chức danh)

- Khoán quỹ phụ cấp: Trung ương quy định 2 mức (6,0 lần mức lương cơ sở và 4,5 lần mức lương cơ sở); tỉnh ta hiện đang quy định 3 mức (3,6 lần mức lương cơ sở; 3,3 lần mức lương cơ sở; 3,0 lần mức lương cơ sở).

- HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp cụ thể cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (Khoản 3, Điều 34)

7. Người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố: được hưởng hỗ trợ hàng tháng (Khoản 7, Điều 33)

8.HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố (Khoản 3, Điều 34)

9. UBND tỉnh quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng đối với từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương (Khoản 8, Điều 36).

Tin liên quan:
Nhóm P.V


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 136.543
    Online: 68