Viên chức BHXH tỉnh Hà Tĩnh tuyên truyền chính sách BHYT học sinh
Chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện từ năm 1992 thông qua Điều lệ về BHYT. Năm 2008, chính sách BHYT đã được luật hoá thành Luật BHYT số 25/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày ngày 14/11/ 2008, có hiệu lực từ ngày 01/7/2009.
Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam để tuyên truyền về Luật Bảo hiểm y tế; khuyến khích, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác bảo hiểm y tế và cán bộ, nhân viên ngành y tế.
Sự ra đời của chính sách BHYT thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Theo đó, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, chính sách BHYT đã được thực hiện có hiệu quả hầu hết người dân, các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách BHYT và xác định việc tham gia BHYT vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, góp phần tăng trưởng bền vững độ bao phủ BHYT.
Độ bao phủ BHYT phát triển bền vững
Đồng chí Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh chủ trì Hội nghị giao ban công tác giám định BHYT
Tại Hà Tĩnh, chính sách BHYT đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, trong đó đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2009, toàn tỉnh có 612.089 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 57,5% dân số, đến năm 2015 có 1.031.063 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 81,8%; đến hết hết tháng 6 năm 2024 có 1.179.207 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,6%.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2021 mặc dù có nhiều khó khăn trong công tác phát triển đối tượng do tác động của dịch bệnh Covid-19, hàng năm tỷ lệ người dân thôi hưởng chính sách hỗ trợ BHYT biến động lớn nhưng diện bao phủ BHYT vẫn tăng hằng năm. Đến nay, hầu hết tất cả các nhóm người có thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đều đã được tham gia BHYT; được ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương hoặc huy động từ các nguồn lực khác để đóng, hỗ trợ đóng BHYT.
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng nâng cao
Hệ thống cơ sở y tế ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế được quan tâm và triển khai có hiệu quả, chuyên sâu, đặc biệt hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện.
Hiện nay, Hà Tĩnh có cơ quan BHXH đã ký hợp đồng với 36 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT, trong đó có 08 cơ sở KCB tuyến tỉnh và tương đương; 28 cơ sở KCB tuyến huyện, thị xã và tương đương; Các cơ sở y tế tuyến huyện kí hợp đồng và tổ chức KCB BHYT tại 218 trạm y tế tuyến xã. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức từ tỉnh đến xã, gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập đã giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.
Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng qua từng năm: năm 2009 đón 897.961 lượt; năm 2015 có trên 1.002.825 lượt; năm 2023 có đến 1,944,389 lượt KCB BHYT và 06 tháng đầu năm 2024 có 969.496 lượt KCB BHYT.
Song song với việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT và chất lượng dịch vụ KCB BHYT, quỹ BHYT được bảo toàn, tăng trưởng bền vững qua các năm trong điều kiện các nguồn lực có hạn. Kiểm soát chi, chống trục lợi, gian lận quỹ được tăng cường; tối ưu hoá trong sử dụng nguồn quỹ BHYT, cân đối được thu chi và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Năm 2023, số chi KCB BHYT từ quỹ BHYT khoảng 1.489,4 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2009. Quỹ BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần chăm lo sức khỏe Nhân dân..
Cùng với đó, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh BHYT. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được được đưa vào danh mục chi trả của BHYT.
Giảm thủ tục hành chính, thực hiện đề án 06 nhằm mục tiêu chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Dùng căn cước công dân có gắn chip đăng ký khám chữa bệnh
Bên cạnh gia tăng quyền lợi KCB BHYT, thời gian qua, người tham gia BHYT còn được thụ hưởng nhiều lợi ích, tiện ích từ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số, thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành BHXH Việt Nam tập trung ưu tiên triển khai nhằm vừa tạo thuận lợi, phục vụ tốt người bệnh BHYT, vừa chống trục lợi, tối ưu quỹ BHYT.
Theo đó, số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được BHXH tỉnh giản lược tối đa; đẩy mạnh giao dịch điện tử (người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch trực tuyến với cơ quan BHXH 24/7) Bộ TTHC được cắt giảm trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 giúp người dân giao dịch với cơ quan BHXH nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất.
Thực hiện Đề án số 06, tính đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 1.194.982 người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN được xác thực đúng với CSDL quốc gia về dân cư (tương ứng tỷ lệ hơn 99,97% tổng số người đang tham gia đã được đồng bộ), không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội (hiện nay Hà Tĩnh vẫn đang duy trì xếp thứ nhất toàn quốc về tỷ lệ đồng bộ). Số người đang tham gia chưa được đồng bộ, xác thực đúng với cơ sở dữ liệu dân cư hiện nay là 404 người (chiếm ~ 0.03%).
Đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT trên toàn tỉnh đã triển khai KCB BHYT bằng Căn cước công dân, vừa rút ngắn thời gian, thủ tục KCB, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, chống trục lợi quỹ. Qua đó, đã đem lại rất nhiều lợi ích không chỉ giúp người bệnh được đơn giản hóa thủ tục KCB, không phải lo lắng việc bảo quản hay quên thẻ BHYT khi đi KCB mà còn đảm bảo tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin KCB; tiết kiệm thời gian đón tiếp, hướng dẫn của cơ sở KCB và quản lý chống trục lợi quỹ BHYT hiệu quả hơn.
BHXH huyện Cẩm Xuyên tổ chức ra quân hưởng ứng ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024
Có thể thấy rằng, việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành để dành khi ốm” nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân./.
Nhóm tác giả:
Nội dung: Tuyết Linh, Như Hoa
Thiết kế đồ họa: Tuấn Trung