Bằng cấp là giấy tờ, hồ sơ do tổ chức có thẩm quyền cấp cho các đối tượng đủ điều kiện về tiêu chí kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tùy thuộc vào từng lĩnh vực nhất định. Đây cũng là giấy tờ bắt buộc phải có của một số ngành nghề đặc thù.
Thế nhưng, hiện nay, tình trạng mua bán bằng giả diễn ra ngày càng tinh vi, công khai và phức tạp. Chỉ cần thực hiện vài thao tác trên mạng, ngay lập tức hiện ra số điện thoại của các đối tượng làm giả văn bằng, chứng chỉ. Thậm chí, không ít đối tượng còn công khai, chủ động gửi tin nhắn điện thoại để quảng cáo cho hoạt động của mình. Các đường dây môi giới cũng như hoạt động làm bằng giả tồn tại với các chiêu thức ngày một tinh vi hơn.
Giữa tháng 6 năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã triệt xóa thành công một đường dây làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xuyên quốc gia, khởi tố 24 bị can, thu giữ nhiều tang vật liên quan. Đây là đường dây làm giả bằng cấp, giấy tờ có nhiều đối tượng tham gia, hoạt động trên toàn quốc. Bước đầu Cơ quan Công an xác định, các đối tượng đã thu lợi bất chính hơn 20 tỷ đồng từ những hoạt động phi pháp.
Tại tỉnh Bình Định, cơ quan An ninh điều tra Công tỉnh đã triệt xóa một đường dây chuyên bán bằng cấp, chứng chỉ giả với quy mô lớn, có sự tham gia của hàng chục đối tượng. Từ năm 2018, theo quy định của nhà nước, tàu cá khi hoạt động phải có chứng chỉ thợ máy, thuyền trưởng, máy trưởng. Biết ngư dân có nhu cầu mua và sử dụng chứng chỉ trên, đối tượng Nguyễn Tấn Hải đã móc nối với nhiều đối tượng khác làm giả các loại chứng chỉ trên bán cho ngư dân với giá từ 2 đến 5 triệu đồng.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp
Công an quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội thực hiện bóc gỡ nhóm đối tượng Làm văn bằng giả do hai anh em ruột Lê Văn Hoàng, và Lê Hoàng Phi trú tại Bình Thuận cầm đầu. Các đối tượng đã làm giả văn bằng của hàng ngìn trường đại học cao đẳng trên cả nước. 1 tấn phôi bằng, chứng chỉ các loại. 1200 con dấu của các các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cùng nhiều máy móc, thiết bị có liên quan.
Đây chỉ là một vài vụ trong hàng trăm, hàng nghìn vụ việc làm văn bằng, chứng chỉ giả mà cơ quan chức năng tiến hành điều tra và bắt giữ. Có thể nói, làm bằng giả là một hành vi phạm tội nghiêm trọng, có thể gây hậu quả lớn cho xã hội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, nếu cơ quan, tổ chức nào mà không có chức năng, nhiệm vụ nhưng lại cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc là không có nhiệm vụ thẩm quyền nhưng lại giả mạo cơ quan, tổ chức khác để cấp văn bằng, chứng chỉ thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đưa ra mức xử phạt về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức cụ thể như sau:
- Khung 1: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
- Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3: hạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Khung 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.
Hơn nữa, theo Điều 359 Bộ luật Hình sự quy định người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
- Làm, cấp giấy tờ giả;
- Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Như vậy, đối với tội giả mạo trong công tác:
+ Đối tượng tác động là giấy tờ, tài liệu chữ ký của người có chức vụ quyền hạn.
+ Người phạm tội đã tác động vào giấy tờ, tài liệu, chữ ký bị sai lệch không đúng với thực tế.
+ Đối tượng xâm phạm là hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức, làm cho cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín.
Mức phạt tù với tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự như sau:
- Khung 1: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
+ Làm, cấp giấy tờ giả;
+ Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
- Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
+ Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
- Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
+ Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
- Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;
+ Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Theo VOV
Link: https://vov.vn/phap-luat/khung-hinh-phat-nao-cho-nhung-doi-tuong-lam-gia-van-bang-chung-chi-post1110961.vov