1. Quy định mới về tiền lương ngày nghỉ lễ
Theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên, ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương.
Cụ thể, trong các ngày nghỉ nêu trên, tiền lương được tính như sau: Tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày ngày lao động nghỉ.
Trước đây, tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được quy định cụ thể là tiền lương của tháng trước liền kề.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/12/2018.
2. Từ năm 2022, NLĐ nước ngoài phải đóng BHXH bắt buộc với mức 8%
Đây là nội dung quan trọng tại Nghị định 143/2018/NĐ-CPvề BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo đó, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi:
Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn với NSDLĐ tại Việt Nam.
Về mức đóng, cụ thể như sau:
- Đối với NLĐ, hàng tháng đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất (từ ngày 01/01/2022);
- Đối với NSDLĐ:
+ Từ ngày 01/12/2018, hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của NLĐ như sau: 3% quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% quỹ bảo hiểm TNLĐ – BNN.
+ Từ ngày 01/01/2022 thì đóng thêm 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
3. Từ 01/12/2018, bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT
Nội dung nổi bật này nêu tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo đó, bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT đơn cử như:
- Nhóm tham gia theo hộ gia đình: chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (không tham gia tại các nhóm khác);
- Nhóm do NSDLĐ đóng: thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng, công nhân công an đang phục vụ trong Quân đội, Công an nhân dân và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Nghị định 146 cũng điều chỉnh nhóm đối tượng với người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng chuyển từ nhóm do cơ quan BHXH đóng sang nhóm do ngân sách nhà nước đóng.
4. Thêm một đối tượng được miễn học phí từ năm học 2018-2019
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 145/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đến năm học 2020-2021.
Bên cạnh 15 trường hợp theo quy định hiện hành, từ năm học 2018-2019 (từ ngày 01/9/2018) bổ sung thêm trường hợp miễn học phí với trẻ em học lớp mẫu giáo 05 tuổi khi trẻ ở:
Vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc hoặc trẻ thường trú ở xã, thôn ĐBKK vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em mẫu giáo 05 tuổi làm Đơn đề nghị miễn học phí theo mẫu tại Phụ lục I, II ban hành kèm Nghị định này để được hưởng chính sách miễn học phí.
5. Quy định mới về điều kiện, tiêu chuẩn của giáo viên dạy lái ô tô
Nghị định 138/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe.
Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải đảm bảo có ít nhất 01 giáo viên dạy thực hành lái trên một xe tập lái (quy định hiện hành không yêu cầu phải có).
Đồng thời, phải có đội ngũ giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn đơn cử như:
- Tiêu chuẩn chung: giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định;
- Dạy lý thuyết: có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên;
- Dạy thực hành lái xe:
+ Có GPLX hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2;
+ Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định…
Xem nội dung chi tiết tại Nghị định 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018
6. Hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ sản phẩm của động vật hoang dã
Đây là những nội dung nổi bật tại Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234, 244 của Bộ Luật hình sự.
Theo đó, việc xử lý hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm được hướng dẫn như sau:
- Hành vi thực hiện kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự 2015.
- Hành vi thực hiện từ trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp nhằm mục đích buôn bán, thu lợi bất chính.
Xem thêm chi tiết tại Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.
7. Quy định mới về mức giá cước tối đa dịch vụ thư cơ bản
Từ ngày 01/12/2018, mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập được áp dụng theo Thông tư 12/2018/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, mức giá cước tối đa dịch vụ thư cơ bản (gồm cả bưu thiếp) trong nước cho lần lượt các nấc khối lượng đến 20g; trên 20g đến 100g; trên 100g đến 250g là 4.000 đồng; 6.000 đồng; 8.000 đồng. Mỗi 250g tiếp theo đến 2000g là 2.000 đồng.
Mức giá cước tối đa cho dịch vụ thư cơ bản từ Việt Nam đi các nước dao động từ 15.000 đồng - 23.000 đồng ở nấc khối lượng 20g tùy thuộc vào quốc gia và vùng lãnh thổ…
Thông tư này được ban hành ngày 15/10/2018
8. Không được tổ chức họp kết hợp tham quan, nghỉ mát
Một trong những nội dung nổi bật nhất được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Quyết định 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018, có hiệu lực từ ngày 25/12/2018 về chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính Nhà nước là quy định 05 trường hợp không tổ chức họp, trong đó có:
- Họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
- Họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp;
- Họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới giải quyết…
9. Mở rộng đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi nhà giáo
Ngày 25/10/2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 27/2018/TT-BGDĐT quy định sửa đổi, bổ sung nội dung Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 và Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006; Theo đó:
Các đối tượng nhà giáo đã được xếp vào các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07) cũng là đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Thông tư 27/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10/12/2018.
10. Quy định mới về cấp giấy phép hoạt động điện lực
Ngày 16/10/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 36/2018/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Theo đó:
Không còn hướng dẫn đối với giấy phép xuất, nhập điện vì điều kiện về giấy phép này đã được bãi bỏ theo quy định tại Khoản 7, Điều 7 của Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018.
Bổ sung thêm trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực là: các nhà máy điện mặt trời lắp đặt tại 01 địa điểm, 01 điểm đấu nối và phát điện có công suất lắp đặt dưới 01 MWp để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Tổ chức tham gia hoạt động phát điện phải nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực, chậm nhất là trước 15 ngày làm việc tính từ ngày dự kiến chính thức vận hành thương mại (thay vì chậm nhất 30 ngày như quy định hiện nay).
Thông tư 36/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 06/12/2018.
11. Xét xử bị cáo dưới 18 tuổi, Thẩm phán không mặc áo choàng
Theo Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/09/2018 của Tòa án nhân dân tối cao, những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ được xét xử tại Phòng xét xử thân thiện.
Khi xét xử vụ án này, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân và không mặc áo choàng. Phòng xử án được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.
Với vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán, Tòa án phải xét xử kín. Đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc để bảo vệ bí mật đời tư cho người dưới 18 tuổi thì cũng có thể xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Đặc biệt, không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.
Hoàng Thơ