1. Quyết định 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Theo Quyết định các đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gồm: Cây trồng là lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê. Vật nuôi là trâu, bò, lợn. Nuôi trồng thủy sản là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Quyết định quy định, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định nêu trên được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (20% phí bảo hiểm nông nghiệp) khi đáp ứng đầy đủ quy định sau:

+ Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

+ Có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

+ Có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định pháp luật về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Quyết định cũng quy định cụ thể rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; trâu, bò, lợn; tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra như: Thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất...); dịch bệnh đối với cây lúa (bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn...); dịch bệnh đối với trâu, bò, lợn (bệnh lở mồm long móng, tai xanh, nhiệt thán, xoắn khuẩn). 

Quyết định nêu rõ: Không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh đối với cây cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.
Quyết định quy định cụ thể địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, trong đó, đối với cây lúa, tại 7 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.

Đối với cây cao su, tại 8 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.

Đối với cây cà phê, tại 7 tỉnh: Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.

Đối với cây hồ tiêu, tại 6 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đối với cây điều, tại 6 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai.

Đối với trâu, bò, tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương.

Đối với lợn, tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai.
Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tại 5 tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 24 tháng 06 năm 2022.

2. Nghị định 24/2022/NĐ-CP ngày 06/4/2022 sửa đổi các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Theo đó, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là giấy chứng nhận) sửa đổi như sau:

 Tổng cục GDNN cấp giấy chứng nhận đối với trường cao đẳng (hiện hành cấp giấy chứng nhận đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học);

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đối với:

Trường trung cấp, trung tâm GDNN, doanh nghiệp;

Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (quy định mới).

Cơ sở giáo dục đại học đã được cấp Giấy chứng nhận để tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù hoặc thuộc các dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư thì tiếp tục được tuyển sinh đến hết ngày 31/12/2025.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2022

3. Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 12/4/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của  Nghị định 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của chính phủ  quy định chi tiế thi hành Luật Bưu chính 2010

Theo đó, việc công khai giá cước dịch vụ bưu chính (DVBC) quy định như sau:

 Đối tượng thực hiện công khai giá cước gồm: Doanh nghiệp cung ứng DVBC và Đại lý cung ứng DVBC có quyền quyết định, điều chỉnh giá cước DVBC.

- Nội dung công khai: Giá cước DVBC bằng đồng Việt Nam, đã gồm các loại thuế, phụ phí của dịch vụ và thông tin liên quan khác (nếu có).

Thời điểm công khai: kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ.

Hình thức công khai: Dưới một hoặc một số hình thức như niêm yết tại điểm phục vụ, thông báo bằng văn bản, đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc các hình thức khác để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của mọi tổ chức, cá nhân.

Giá cước được công khai phải thống nhất với giá cước mà doanh nghiệp, tổ chức đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2022

4. Nghị định 26/2022/NĐ-CP ngày 14/4/2022 về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, bộ máy và trụ sở hoạt động của Lãnh sự danh dự (LSDD) được quy định như sau:

- LSDD có thể thuê người lao động phục vụ cho việc thực hiện chức năng lãnh sự của mình; tự chịu trách nhiệm và tự thanh toán các chi phí liên quan đến việc thuê lao động phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam;

Những người lao động này không được thực hiện chức năng lãnh sự với danh nghĩa LSDD và không được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ của LSDD.

LSDD phải có trụ sở hoạt động để thực hiện chức năng lãnh sự của mình; Trụ sở hoạt động của LSDD là trụ sở của Cơ quan LSDD; Mỗi cơ quan LSDD chỉ có một trụ sở hoạt động;

Trong khi thực hiện chức năng lãnh sự, LSDD phải phân định rõ trụ sở để thực hiện các chức năng lãnh sự của LSDD và trụ sở cơ sở kinh doanh, thương mại cá nhân của mình.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2022

5. Nghị định 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo đó, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN;

Đảm bảo đủ vốn điều lệ quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2022;
          Có Hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 6 Nghị định 23/2022;

Việc thành lập DN phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2022 và thay thế các văn bản pháp luật sau đây:

a) Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty con của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;

b) Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

c, Bãi bỏ Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước.

6. Thông tư 19/2022/TT-BCA ngày 29/4/2022 quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân.

Theo đó, đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân đủ điều kiện xử lý phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Về hình thức:

+ Đơn được viết bằng tiếng Việt; ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ người viết đơn; có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn.

+ Nếu viết đơn bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng;
- Về nội dung:

Trong đơn phải ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; nội dung, lý do khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; yêu cầu của người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh;

 Các tài liệu liên quan đi kèm (nếu có).

Trường hợp đơn có nhiều nội dung khiếu nại thì cán bộ xử lý hướng dẫn người gửi  tách riêng từng nội dung để gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình thì đề xuất tách riêng từng nội dung để giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Thông tư 19/2022/TT-BCA có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2022 và thay thế Thông tư 68/2013/TT-BCA ngày 26/12/2013.

Trên đây là các văn bản QPPL, chính sách của Trung ương có hiệu lực trong tháng 6 năm 2022 các Đồng chí cán bộ đảng viên tiếp cận để phục vụ cho quá trình công tác chuyên môn và tuyên truyên các chính sách pháp luật mới theo ngành, lĩnh vực phụ trách./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 122.767
    Online: 88