HĐPHPBGDPL - BAN TƯ PHÁP XÃ THANH BÌNH THỊNH
THÔNG TIN PHÁP LUẬT MỚI THÁNG 03/2020
Có hiệu lức trong tháng 03/2020
Cảnh sát giao thông “vòi tiền” người vi phạm bị buộc thôi việc
Buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính được đề cập tại Nghị định số 19 năm 2020 của Chính phủ.
Nghị định có hiệu lực từ 31/3/2020. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Theo đó, công chức, viên chức nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc nếu có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; Dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi bị xử lý vi phạm hành chính.
Hình thức kỷ luật này cũng được áp dụng với hành vi giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; Đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra…
Ở mức độ nhẹ hơn, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức hoặc cách chức.
Bằng đại học không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức
Thông tư 27 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 01/3/2020.
Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư này là quy định không ghi thông tin về hình thức đào tạo như chính quy hay tại chức hay vừa làm vừa học… trong nội dung chính của văn bằng như quy định cũ.
Nội dung này sẽ được ghi trên phụ lục và kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Như vậy, từ ngày 01/3/2020, trên văn bằng sẽ chỉ còn các nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng…
Trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên
Đây là nội dung chính của Nghị định 14/2020 do Chính phủ ban hành ngày 24/01/2020 và có hiệu lực từ ngày 15/3/2020.
Để được hưởng trợ cấp, giáo viên phải đáp ứng đủ 03 điều kiện:
- Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 05 năm trở lên;
- Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011.
- Đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 01/01/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
Mức trợ cấp được quy thành tiền và tính theo công thức:
Số tiền trợ cấp = (Mức lương hưu tháng x 10%) x Số năm được tính trợ cấp
Trường hợp giáo viên đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được hưởng trợ cấp mà từ trần từ 01/01/2012 trở về sau thì vợ, chồng, bố, mẹ, hoặc con có thể làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Những người thân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được.
Bán rượu dưới 5,5 độ không bắt buộc phải có giấy phép
Chính phủ đã ban hành Nghị định 17 năm 2020 sửa đổi, bổ sung hàng loạt điều kiện đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có điều kiện kinh doanh rượu.
Thay vì quy định chung chung như trước đây, tại Nghị định này, nguyên tắc quản lý rượu đã được định rõ, đặc biệt là những nội dung liên quan đến giấy phép. Cụ thể:
- Sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép;
- Bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện;
- Sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
Với quy định này có thể thấy, những cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ không bắt buộc phải có giấy phép hoặc đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Quy định mới về điều kiện thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT
Tại Thông tư 01/2020/TT-BYT vừa được ban hành mới đây, Bộ Y tế đã sửa đổi, bổ sung danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/3/2020.
So với quy định tại Thông tư 30 năm 2018, điều kiện và tỷ lệ thanh toán của một số loại thuốc được thay đổi như sau:
- Thuốc Liraglutide: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 30% cho người bệnh đái tháo đường tuýp 2 đáp ứng đồng thời các tiêu chí:
+ Trên 40 tuổi, BMI > 23, mắc đái tháo đường tuýp 2, có bệnh lý tim mạch hoặc tăng huyết áp;
+ Không kiểm soát đường huyết sau thời gian 03 tháng
+ Suy thận nồng độ CrCI < 59 ml/phút
- Tinh bột este hóa: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi việc sử dụng dịch truyền đơn thuần không cải thiện lâm sàng; điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế
- Thuốc Imatinib: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn hoặc u mô đệm dạ dày ruột với mức thanh toán 80% (trước đây chỉ thanh toán 50%).
Tiếp tục thí điểm cho người bán dâm hoàn lương vay vốn làm ăn
Theo Quyết định số 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/3/2020, sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy… tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31/12/2020. Từ năm 2021 trở đi, thông qua đánh giá kết quả đạt được sẽ xem xét quyết định việc mở rộng trên phạm vi cả nước.
Và như vậy, trong năm 2020, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy… vẫn được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
Số tiền vay được dùng cho việc mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, đầu tư làm các nghề thủ công, góp vốn kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác…
Muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt
Tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã có những quy định chi tiết về một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/3/2020.
Cụ thể:
- Phải biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam: Có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam;
- Phải đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú;
Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
- Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trong trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch nước ngoài thì phải đáp ứng các điều kiện như:
- Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho Việt Nam và việc nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Việt Nam;
- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước đó;
- Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng…
Nghị định này được ban hành ngày 03/02/2020, có hiệu lực từ ngày 20/3/2020.
Hướng dẫn quy trình lựa chọn sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 01 hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3/2020.
Theo Thông tư này, việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình như sau:
- Tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách cho mỗi môn học. Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp;
- Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Sau đó bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
- Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng.