Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các sở, ngành, địa phương bám sát mục tiêu, xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 15/7, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 8 đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng ban và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Phó Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Cải cách hành chính tỉnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp nên việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về CCHC đã được tích cực thực hiện, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng. Điển hình như xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc…
Cải cách thể chế, cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Việc xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể, với nhiều mô hình hiệu quả.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết tâm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tính đến tháng 6/2024, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 400/991 nhiệm vụ; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.327/3.009 nhiệm vụ. Công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra cải cách hành chính được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức đa dạng và nội dung phong phú tới từng nhóm đối tượng.
Tại Hà Tĩnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ CCHC được quan tâm sâu sát. Trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CCHC được nâng lên rõ rệt. Tinh thần đổi mới, sáng tạo để cải cách nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ ngày càng được thể hiện rõ và mang lại niềm tin, sự hài lòng của Nhân dân đối với chính quyền. Trong 6 tháng đầu năm, Hà Tĩnh đã hoàn thành 40 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tiếp tục triển khai và áp dụng có hiệu quả các mô hình, sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC của các năm trước, đồng thời tiếp tục tìm kiếm, đăng ký xây dựng và thí điểm, triển khai có hiệu quả các mô hình, sáng kiến mới. Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp tiếp tục được đổi mới theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm biên chế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành và địa phương đạt được trong công tác CCHC. Đồng thời, chỉ ra một số hạn chế đang tồn tại để kịp thời khắc phục trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và địa phương quyết tâm cao, lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm trong triển khai CCHC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực cho công tác CCHC. Đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến TTHC.
Tăng cường cải cách công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác thông tin truyền thông về CCHC, nhất là truyền thông về chính sách; tập trung cao cho công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, xã hội số, công dân số, số hóa hồ sơ, số hóa dữ liệu; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến; nâng cao hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà BCĐ CCHC Chính phủ giao trong năm 2024...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo sau phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo tại đầu cầu Hà Tĩnh sau phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các sở, ngành và địa phương nắm bắt, quán triệt đầy đủ các nội dung của phiên họp; bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch CCHC năm 2024 của tỉnh, trong đó, chú trọng xây dựng các kế hoạch, chương trình, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác CCHC năm 2023 và 6 tháng đầu năm, nhất là liên quan đến các chỉ số về PAPI, PAR INDEX, SIPAS, PCI…
Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành rà soát các nội dung liên quan đến công tác cải cách TTHC để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo UBND tỉnh; rà soát Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đảm bảo đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đôn đốc các sở, ngành, địa phương nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, số hóa kết quả giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến; quan tâm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thể chế, cải cách bộ máy, cải cách tài chính công, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử..