HỘI ĐỒNG PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
GIÁO DỤC PHÁP LUẬT XÃ THANH BÌNH THỊNH
TÌM HIỂU THAM NHŨNG LÀ GÌ ? QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THAM NHŨNG
1. Khái niệm tham nhũng
Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Trong luật hình sự Việt Nam, nhiều hành vi tham nhũng cụ thể như hành vi tham ô, nhận hối lộ... đã được quy định tương đối sớm.
2. Chủ thể của tội tham nhũng
Chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng không chỉ trong khu vực Nhà nước, những người có chức vụ trong khi thực hiện công vụ mà còn mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước. Những người này bao gồm: cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan đơn vị quân đội nhân dân, cơ quan đơn vị công an nhân dân. Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp, cán bộ xã, phường, thị trấn.
Tội phạm về chức vụ ở khu vực ngoài Nhà nước áp dụng đối với 4 tội danh là: “Tội tham ô tài sản”, “Tội nhận hối lộ”, “Tội môi giới hối lộ” và “Tội đưa hối lộ”. Trong đó, tội danh tham nhũng có hai tội là: “Tội tham ô tài sản” quy định tại khoản 6, Điều 353 và “Tội nhận hối lộ” quy định tại khoản 6, Điều 354. Luật này cũng bổ sung việc xử lý hình sự đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài, công chức các tổ chức quốc tế công. Đồng thời mở rộng nội hàm "của hối lộ" cho phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo quy định của BLHS năm 1999, "của hối lộ" chỉ bao gồm tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá được bằng tiền. BLHS năm 2015 đã bổ sung “lợi ích phi vật chất” vào các cấu thành định tội đối với tội nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Hành vi đưa hối lộ được quy định cụ thể hơn: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ” (Điều 354, khoản 1).
Luật mới bổ sung cấu thành tăng nặng định khung hình phạt đối với một số tội, quy định cụ thể các tình tiết định tội, định khung hình phạt. Ví dụ như Điều 353 tội tham ô tài sản, bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự: Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...
3. Các loại tội phạm tham nhũng
Căn cứ Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các tội phạm về tham nhũng gồm:
- Tội tham ô tài sản (Điều 253);
- Tội nhận hối lộ (Điều 354);
- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355);
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356);
- Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357);
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358);
- Tội giả mạo trong công tác (Điều 359).
4. Những hành vi bị coi là tham nhũng
Căn cứ Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định các hành vi tham nhũng gồm:
– Tham ô tài sản;
– Nhận hối lộ;
– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
– Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
– Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
– Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
– Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Theo Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
“ 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng”.
“ 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
“ Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện”.
Căn cứ vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên có nhiều vụ án tham nhũng thực hiện cách đây 10 hoặc 15 năm đến năm 2019 mới bị khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để thực hiện điều tra, xử lý.
Việc quy định trong BLHS các tội phạm về tham nhũng cho thấy Đảng và nhà nước Việt Nam coi trọng việc đấu tranh với người tham nhũng như người phạm tội khác trong BLHS hiện hành.
Trong thời gian thi hành BLHS năm 2015, có nhiều người phạm tội về tham nhũng bị phát hiện, bị xét xử taị Tòa án, nhưng phạm tội về tham nhũng không giảm và diễn biến phức tạp hơn, thậm chí tội phạm chính là những người có thẩm quyền giám sát, thanh tra, kiểm tra hành vi tham nhũng.
Biên tập nội dung: Nguyễn Trọng Vinh. Phê duyệt: Đoàn Ngọc Hường