Sáng 09/4, Thị trấn Đức Thọ long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh Nhà thờ Phan Như Khuê và Nhà thờ Bùi Đình Hựu.
Tới dự lễ có Phó giám đốc Sở VH - TT và DL Trần Xuân Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Xuân Hùng.
Cùng con cháu dòng tộc họ Phan Như Khuê, và họ Bùi Đình Hựu.
Nhà thờ Phan Như Khuê được xây dựng năm Quý Sửu (1733) tại Tổ dân phố 1, thị trấn Đức Thọ. Nhà thờ có khuôn viên rộng, gồm hai tòa Thượng điện, Bái đường, khuôn viên, tắc môn, tam quan…Là công trình di tích văn hóa tín ngưỡng, lưu niệm được xây dựng để thờ danh tướng Phan Như Khuê, người có nhiều công lao, đóng góp cho quê hương, đất nước. Phan Như Khuê sinh ngày 19/8 Qúy Dậu, mất ngày 7/9 Ất Hợi, thọ 63 tuổi. Người xã Yên Trung, huyện La Sơn, Viên ngoại lang. Là nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc nửa cuối thế kỷ XVII. Ngài giữ hai trọng trách quan trọng của Triều Lê.
Năm 19 tuổi (1711 - Tân Mão) đời Vĩnh Thịnh thi Hương trúng Tam trường. Năm 22 tuổi (1714) thi Hương trúng Tứ trường, thi Hội trúng Tam trường. Được mời vào kinh dạy dỗ con vua, giữ chức Vương Phủ Thị Nội, được ban Tự Thừa Viên Ngoại Lang. Năm Tân Mùi (1751) phụng thăng Quốc Tử Tế Tửu. Rồi lại thăng Hàn Lâm thừa chỉ. Mất năm Ất Hợi (1755). Mộ ở Thanh Am xứ.
Sau nhiều lần nâng cấp tôn tạo đến nay, nhà thờ Phan Như Khuê vẫn giữ được cổ kính và linh liêng. Hiện lưu giữ một bản sắc phong và một số tư liệu Hán Nôm, về quá trình làm quan, công lao, hành trạng của ông. Bia khắc ghi công lao của ông được dựng ở Quốc Tử Giám Hà Nội.
Nhà thờ Bùi Đình Hựu, được xây dựng vào năm Khải Định thứ 7 (1922) tại Tổ dân phố 3. Nhà thờ là nơi thờ tự liệt tổ, liệt tông của dòng họ. Mà trong đó cụ Bùi Đình Hựu, tổ đời thứ 6, một vị quan thanh liêm, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình đã luôn yêu thương dân, tạo phúc cho trăm họ. Đến khi mất, được nhân dân vì cảm ơn ân đức mà lập đền thờ, tôn làm thành hoàng của làng, nổi tiếng linh thiêng. Về sau vua Khải Định ban sắc, phong làm Phúc thần, giao cho nhân dân hai giáp xã Yên Trung thờ phụng, để tiếp tục che chở và bảo vệ cho nhân dân nơi quê hương bản quán. Nhà thờ còn là nơi thờ tự hai vị nghĩa dũng của nghĩa quân Phan Đình Phùng là cụ Bùi Đình Ất, và cụ Bùi Đình Vượng. Theo lời các cụ cao tuổi trong dòng tộc, trong kháng chiến chống Pháp, nhà thờ còn là nơi diễn ra 1 số cuộc họp kín của chi bộ cộng sản Yên Trung (trong họ có các cụ Bùi Xuân Cúc, Bùi Xuân Tùng), và là địa điểm học tập của trường tiểu học thị trấn trong chiến tranh chống Mỹ.
Trước cách mạng tháng 8/1945, việc tế lễ phúc thần Bùi Đình Hựu được hội đồng kỳ mục xã Yên Trung, và nhân dân, cùng chức sắc hai giáp Đông Hà, Trung Lân tổ chức vào ngày húy kỵ của ông (26/7 âm lịch) hàng năm tại đình làng. Lễ tế được xem là một lễ trọng, và là sự kiện văn hóa tâm linh tiêu biểu của cộng đồng dân cư trong vùng. Nơi giáo dục truyền thống và gửi gắm niềm tin, khát vọng an lạc của hậu thế.
Di tích nhà thờ Bùi Đình Hựu mặc dầu mới được tôn tạo lại, nhưng tuân thủ theo mô típ kiến trúc truyền thống, sử dụng vật liệu cổ truyền, thể hiện được nét cổ kính, uy nghiêm của một công trình văn hóa tâm linh, với bố cục hài hòa, sàm mộng chắc khít, đảm bảo được sự vững chắc. Trên các cấu kiện như cột, giao kỷ, đường xà, hạ, hòn kê, ván thưng, đuôi vì kèo các nghệ nhân đã chạm rồng, phượng, các hoa văn hình sóng nước cách điệu bằng kỷ thuật chạm bẹt sắc sảo, tinh tế, thể hiện sự kính ngưỡng đối với các bậc tiền nhân, đồng thời gửi gắm ước vọng, niềm tin, về một tương lai tươi sáng cho con cháu học hành thành đạt, cầu mong hạnh phúc, no đủ, sinh sôi phát triển và mãi mãi trường tồn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Xuân Hùng phát biểu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch UBND huyện mong muốn con cháu 2 dòng họ quản lý, bảo vệ tốt di tích. Tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt tâm linh của con cháu, tôn tạo nâng cấp phù hợp phong tục, và đúng quy định của pháp luật.
Phó giám đốc Sở VH - TT và DL Trần Xuân Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Xuân Hùng trao Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh hai nhà thờ Họ Bùi Đình Hựu và Họ Phan Như Khuê.
Nhà thờ Phan Như khuê và nhà thờ Bùi Đình Hựu được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thể hiện ghi nhận của Đảng, Nhà nước, đối với công lao to lớn của các bậc tiền bối, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Con cháu 2 dòng họ sẽ quản lý, sử dụng có hiệu quả 2 di tích, xem đây là nơi giáo dục truyền thống cho con cháu.