Nhân dân xã Đức Thịnh chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.

   Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo được du nhập vào vùng đất Đức Thịnh từ rất sớm, ngay từ thời kỳ lập xóm, lập thôn. Những tư tưởng, giá trị cao đẹp của các tôn giáo như các tiết nghi, lễ nghĩa… đã được người dân nơi đây tiếp thu, lấy đó làm đạo lý gìn giữ gia phong, dạy dỗ con cái. Nhiều họ tộc trong xã đã lấy việc dạy - học chữ Nho làm nghiệp cho đời. Họ đem tri thức, ánh sáng văn hóa Nho giáo đến các làng quê, truyền cho các thế hệ học trò. Vì vậy mà kẻ sỹ, người có học luôn được coi trọng trong làng xã.

   Tư tưởng ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ; luật nhân quả, nghiệp, luân hồi theo giáo lý của đạo Phật cũng ăn sâu vào nếp nghĩ, việc làm của mỗi người dân. Đạo lý tu thân tích đức của Phật giáo đã bán rễ và trở thành một bộ phận quan trọng trong tư tưởng, văn hóa, đạo đức của người dân xã Đức Thịnh.

   Ảnh hưởng rõ nét nhất của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo có lẽ là việc nhân dân đã xây dựng được hệ thống các đền, đình, miếu mạo. Song đình, đền, miếu mạo của người dân Việt Nam nói chung, người dân Đức Thịnh nói riêng không chỉ dừng lại ở việc thờ cúng thần linh mà các vùng các làng đều xây dựng đình làng còn để sinh hoạt việc làng hàng năm. Mỗi làng đều có nhà Thánh và các công trình đền, miếu để thờ phụng các vị thần được sùng bái. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Đức Thịnh cũng chịu nhiều tác động của những biến cố, thăng trầm về địa lý, lịch sử thiên tai, địch họa… nên một số di sản văn hóa (đặc biệt là văn hóa vật thể) bị tàn phá, dỡ bỏ chỉ còn lại dấu tích, thậm chí là mất hẳn. Đặc biệt là trong giai đoạn tiêu thổ kháng chiến (1946 - 1947), hợp tác hóa và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1972) các đền, đình dần dần bị phá bỏ để lấy vật liều làm trường học, kho tàng, trụ sở; một số công trình khác được chuyển sang làm vật liệu phục vụ công tác Quốc phòng. Các đồ tế khí, sắc phong một phần bị mất mát, một phần chuyển về nhà Thánh Thái Yên khi có chủ trương hợp tự.

   1. Nhà Thánh Văn

   Đây là một trong những dấu tích minh chứng cho truyền thống “tôn sư trọng đạo”, coi Nho giáo như là một tôn giáo của người dân nơi đây. Các triết lý đạo đức, nhân sinh của Nho giáo như: nhân - lễ - nghĩa - trí - tín…; đạo Tam cương, Ngũ thường… được bà con tích cực học hỏi, trau dồi và trở thành tâm thức trong suốt cuộc đời.      Điều dễ thấy là các triết lý này phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam nên nó có sức cuốn hút người dân một cách mạnh mẽ. Vì thế, trên đất Đức Thịnh ngày nay còn có dấu tích Nhà Thánh Văn thờ Khổng Tử (người sáng lập Nho giáo) và các vị tiên, cúng tế một năm hai lần vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch.

   Nhà Thánh văn được xây dựng tại xã Quang Chiêm (nay là xóm Nhà Thánh Liên Thịnh). Kinh phí do Tổng Văn Lâm và xã Quang Chiêm (tên gọi của Đức Thịnh lúc bấy giờ) đóng góp. Dấu tích hiện nay vẫn còn 2 tấm bia và phối tự Bùi Văn Trứ (1706 - 1775), đậu tiến sỹ năm Quý Hợi (1743), lúc 37 tuổi là cháu đời thứ 7 Bùi Cẩm Hổ (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh).

   2. Đền Côi

   Đền thờ thần “Cao Các cương nghị Đại Vương” (thiên thần) là thần đất, thần nước… nhằm phù hộ cho dân làng “người yên, vật thịnh”. Cũng có thuyết cho rằng: thần Cao Các là tướng Cao Lỗ, tả tướng của nước Âu lạc, đời vua An Dương Vương khi truy kích giặc Ân qua vùng này, do bị thương có rơi bảy giọt máu nên dân làng lập đền thờ để ghi nhớ công ơn.

   Đền được xây dựng tại thôn Quang Chiêm (nay là nhà văn hóa thôn Quang Tiến) vào khoảng năm 1754. Kinh phí do dân làng và các gia đình giàu có lúc bấy giờ đóng góp.

   Đây là ngôi đền lớn, uy nghi nhất xã lúc bấy giờ; được xây dựng trong khuôn viên rộng gần 2ha; các chi tiết kiến trúc được chạm trổ tinh xảo. Đền có cả thượng điện và hạ điện. Trong đền có đầy đủ đồ tế khí.  Trước đền có hai cây muỗm rất to có đến 4, 5 người ôm không xuể, xung quanh có rất nhiều cây cối xanh tươi bốn mùa. Ngoài ra, hai bên có hai dãy nhà tả - hữu. Trước đền có hai cột nanh với hang trúc chắn ngang rất đẹp. Đây là nơi hội họp dân làng khi tế lễ và cũng là nơi nghi dấu ấn tuổi thơ bao thế hệ.

   Năm  thứ 14 cảnh Hưng (nhà Lê) sắc phong: “Cao Các cương nghị Đại Vương: Thượng đẳng thần”. Sau đó, các đời vua: Cảnh Thịnh, (Tây Sơn), Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định (nhà Nguyễn) cũng đều có sắc phong.

   Ngày 01 tháng 5 âm lịch hàng năm, dân làng cùng hội tư Võ tổ chức tế lễ rất long trọng. Chủ tế là ông Nguyễn Bá Hồ - quan Tứ phẩm (Quản Cơ hoặc Cai Cơ), là một chức quan võ thời Nguyễn, Quản Cơ đứng đầu một Cơ (500 - 600 lính); dân làng thường gọi quan Quản.

   Ngày nay, qua bao thăng trầm của lịch sử, đền chỉ còn lại dấu tích về vị trí mà thôi. Những năm gần đây người dân thôn Quang Tiến tái lập lại việc dựng miếu thờ và tế lễ thần “Cao Các cương nghị Đại Vương” vào ngày 01 tháng 5 âm lịch hàng năm do hội người cao tuổi đứng ra tổ chức.

    


                                                                       Nhà Văn hóa thôn Quang Tiến 2019, vị trí Đền Côi năm xưa.

       Miếu đền côi

 

   3. Đền Thánh Mẫu

   Ngoài đền Côi còn có đền Thánh Mẫu ở xóm Đò Trai. Đây còn gọi là đền Tam tòa Thánh Mẫu thờ Liễu Hạnh công chúa - một nhân vật huyền thoại, đó là Đệ nhị tiên chủ Quỳnh Nương ở Thiên Cung. Vì có tội lỡ tay làm vỡ chén ngọc, nàng bị Ngọc Hoàng Thượng đế đày xuống trần gian 3 lần và hóa thân thành Giáng Tiên. Giáng Tiên là một công chúa xinh đẹp, tài giỏi và tinh thông thơ phú, chuyên cứu giúp dân lành, trừng trị kẻ ác; là một vị nữ thần trong hệ thống Tứ bất tử của thần linh Việt Nam (Viên Sơn Thánh-Sơn Tinh, Chữ Đồng Tử, Liễu Hạnh Công Chúa và Đức Thánh-Trần Hưng Đạo). Với sự hiển linh thần diệu của Thánh Mẫu Liễu Hạnh nhân dân nhiều nơi lập đền thờ phụng và tôn vinh là "Mẫu nghi thiên hạ-Mẹ của muôn dân" và các đời vua thời Hậu Lê và Tây Sơn đã phong thần cho bà lên đến hàng thượng đẳng thần. Sau cải chính, hết hạn đày, được về trời và được Ngọc Hoàng phong làm Liễu Hạnh công chúa.

   Đền Thánh Mẫu tọa lạc trên mảnh đất có diện tích 372 m2 thuộc xóm Đò Trai, xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVI thời Lê Trung hưng (1533-1789). Trước cửa đền có tạc hai con voi đế đứng chầu. Vì thế, trước đây trong dân gian đã có câu ca:

     “Ai về Quang Chiêm xã mà coi

     Có sông tắm mát, có hai voi đứng chầu”

   Năm Thành Thái thứ mười (1898), nhà Vua đã sắc phong Liễu Hạnh công chúa là: “Linh ứng Thượng đẳng thần”. Hiện nay, taih đền còn lưu giữ 3 sắc phong niên hiệu Thành Thái thứ 10, Duy Tân thứ 3 và Khải Định thứ 9. Đền Thánh Mẫu từ xưa tới nay nổi tiếng linh ứng. Hàng năm cứ vào ngày 12/3 âm lịch, nhân dân trong xã và các vùng phụ cận lại tổ chức lễ tế trọng thể tại đền để tri ân và tưởng nhớ công ơn của bà đối với quê hương, đất nước.

   Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng, Đền Thánh Mẫu được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự lớn lao, niềm tự hào đối với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội và bà con nhân dân xã Đức Thịnh.

   Tại nơi xây đền chỉ còn lại nền nhà và một cây lươu bươu cao vút. Theo nguyện vọng của dân làng. Năm 2011, bà con đã đóng góp tôn tạo đền Thánh Mẫu trên nền cũ khá quy mô.

Đền thờ Thánh Mẫu

    

   

   Đền thờ Thánh Mẫu không chỉ được xây dựng ở xã Quang Chiêm mà ở huyện Đức Thọ còn có 6 nơi nữa, đó là các xã: Đức Dũng, Đức Yên, Đức Lạng, Trung Lễ, Trường Sơn, Đức Tùng.

   4. Đền Ống

   Đền Ống được xây dựng ở làng Quang Chiêm (nay là khu đất trường tiểu học) vào thế kỷ XIX. Đền thờ ông Hoàng Ngọc Liêu (tên thật là Hoàng Tá Thốn), quê ở Long Thành, Yên Thành, Nghệ An là tướng quân thời Hưng Đạo Vương. Vì giỏi bơi lội, ông được sung vào đội thủy quân do Yết Kiêu chỉ huy. Trong trận đánh ở Bạch Đằng Giang (1285), ông đã có công lớn: bắt sống Ô Mã Nhi, góp phần đánh tan quân Nguyên - Mông lần thứ ba. Vì có công lớn, ông được vua Trần phong tước hầu, giao cai quản vùng đất Hoan Diễn (cả vùng Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay). Ông được nhân dân vùng Hoan Diễn tôn kính và tự hào. Khi ông mất (trong một trận thủy chiến với bọn cướp biển), đã được Triều đình truy phong: “sát Hải Đại Tướng quân”. Nhân dân Nghệ - Tĩnh lập đền thờ ông làm thần hộ mệnh cho người làm nghề sông nước - gọi là “Sát hải Đại vương”.

   Ở Đức Thọ, đền thờ ông còn được xây dựng ở làng Đông Thái (Tùng Ảnh), Đền Hai (Hữu Chế) và nhiều nơi khác.

   Năm Thành Thái thứ sáu, ngày 25 tháng 9 năm 1894, nhà Vua sắc phong cho ông là: “Thượng đẳng thần”. Sau đó các vua Duy Tân, Khải Định cũng đều có sắc phong.    Trong đền có hai vật tượng trưng cho nghề sông nước đó là cái oi và cái nhủi được sơn son để thờ cúng.

   Hàng năm, đền tế vào dịp Xuân - Thu do một quan chức có địa vị cao nhất lúc bấy giờ làm chủ tế.

   5. Đền Ngoài

   Đền ngoài hay còn gọi là đền thờ Uy Minh Vương. Đền được xây dựng vào khoảng năm 1846 tại khu vực vườn cây phụ lão thôn Quang Tiến hiện nay. Đền thờ Lý Nhật Quang  - là con trai Lý Thái Tổ được anh trai là Lý thái Tông (Lý Nhật Mã) cử vào trấn viễn Hoan Châu từ thế kỷ XI.

   Ông đã có công tổ chức dân làng đắp đê, chống giặc, chiêu tập dân li tán lập làng dọc sông Lam và núi Hồng Lĩnh. Vì vậy, dân cư từ Thanh Hóa, Nghệ An đến định cư ở khu vực này khá nhiều. Khi mất ông được Triều đình truy phong “Uy Minh Vương”. Dân làng Quang Chiêm lập đền thờ ông làm vị Thành Hoàng làng. Đây cũng là đền “Tam tòa Uy Minh Vương Lý Nhật Quang”. Năm Thiệu Trị thứ sáu, ngày 27 tháng 3 năm 1846, nhà Vua sắc phong: “Tam tòa Thành Hoàng chi thần”. Các triều đại kế tiếp như Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều sắc phong: “Tam tòa Đại Vương Thượng đẳng thần”.

   Đền còn được xây dựng tại Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu), Nhân Bồi (Đô Lương), Nam Dương (Nam Đàn).

   Làng Quang Chiêm còn có đền Trửa là nhà Thánh làng do Hội tư Văn làng thờ - tế Khổng Tử. Chủ tế lúc đó là ông Phạm Khuê (cửu phẩm Bá hộ), là người có học vị cao nhất trong làng..

   Ngoài ra còn có chùa Nồi do hội phật tử xây dựng từ đời Lê (khu vực Cửa Trùa, xóm Quang Tiến ngày nay)

   Ngày nay, với chủ trương của Đảng và Nhà nước: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhằm phát huy các giá trị truyền thống văn hóa và lịch sử nên các di tích trên vùng đất xã Đức Thịnh đang thường xuyên được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng kế hoạch tôn tạo và bảo tồn.

   Cũng như mọi người dân Việt Nam, người dân Đức Thịnh thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên… Chữ hiếu được đề cao đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc. Các nghi lễ thờ cúng dựa vào Thọ Mai Gia Lễ, đây là một cuốn sách viết về phong tục của người Việt, gồm những quy định về lễ nghĩa trong gia đình đối với việc tang chế và cưới hỏi do Tiến sĩ Hồ Sĩ Tân hiệu Thọ Mai (1690 - 1760) người Hoàn Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An nghi chép lại. Trong tâm linh của mỗi người dân cho rằng “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nên việc thờ phụng tổ tiên rất thành kính. Bỏ tổ tiên bị coi là mất gốc, bất nhân, bất nghĩa. Gia đình nào dù giàu có hay nghèo đói, quan chức hay dân thường, con trưởng hay con thứ đều có bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian giữa nhà, trang nghiêm, sạch sẽ. Ngày sóc, ngày vọng hàng tháng hoặc ngày kỵ, hay mùa có lúa mới, gạo mới, khi có hiếu hỷ đều lên hương đèn, dâng hoa quả, vật phẩm làm lễ cáo gia tiên. Những lúc gia đình có biến cố xẩy ra, gặp những điều không may mắn, gia đình khấn vái gia tiên phù hộ, giúp đỡ. Vào các ngày Tết, ngày giỗ, Rằm tháng Giêng, Tết Đoan ngọ, Rằm tháng Bảy… mọi nhà đều tổ chức cúng đơm. Người có của thì mâm cỗ khang trang, nhà nghèo thì trầu cau, hương, rượu không ai sao nhãng. Họ lớn đông người, có của thì làm nhà thờ riêng, họ nhỏ khó khăn thì lập bàn thờ ở nhà tộc trưởng. Những tục lệ ở làng có thể bớt bỏ, cúng tế ở đền có thể sao nhãng, nhưng ngày giỗ của dòng họ vẫn được thực hiện nghiêm túc, trang trọng từ đời này sang đời khác.

   Sự bảo lưu, giữ gìn các tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ bao thăng trầm của thời gian thể hiện nét đẹp của người dân Đức Thịnh về cội nguồn, về lòng biết ơn “ăn quả nhớ người trồng cây”. Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã xây đắp nên tình yêu quê hương, đất nước của người dân Đức Thịnh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

   Ở Đức Thịnh, còn có một số đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Sau khi du nhập vào Việt Nam, năm 1657, đạo Thiên Chúa chính thức được vị Thừa sai Đắc lộ truyền bá vào một bộ phận dân cư Đức Thịnh (xóm Liên Thịnh), sau đó hình thành nên họ giáo Yên Thịnh. Sinh hoạt giáo hội của các tín đồ trước đây hết sức khó khăn do chưa có nhà thờ để cầu nguyện. Mãi đến năm 1941, nhà thờ họ giáo Yên Thịnh mới được xây dựng. Tuy nhiên, trải qua hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, cùng với sự tàn phá của thiên tai, nhà thờ bị hư hỏng nặng; đến năm 2001, nhà thờ mới được xây dựng lại. Hiện nay, Đức Thịnh có 5% giáo dân (khoảng 50 hộ, 200 nhân khẩu). Trong suốt chiều dài lịch sử, bà con giáo dân Đức Thịnh luôn sống tốt đời, đẹp đạo, kính chúa, yêu nước, đoàn kết giáo - lương xây dựng quê hương


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 188.762
    Online: 38