Câu 1. Ông Trần Văn B là công chức Phòng Kinh tế thuộc UBND huyện X có hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Tuy nhiên sau đó ông B tiếp tục tái phạm. Hỏi ông B có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nào với hành vi tái phạm trên?
Trả lời:Khoản 1 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 9. Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ, công chức
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định tại Điều 8 Nghị định này mà tái phạm”.
Trong đó, Khoản 4 Điều 8 quy định về việc áp dụng hình thức khiển trách đối với hành vi: “ Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Như vậy trong tình huống trên, ông Trần Văn B là công chức Phòng Kinh tế thuộc UBND huyện X có hành vi vi phạm pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Nay ông B có hành vi tái phạm, do đó căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, ông B bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Câu 29. Ông Nguyễn Văn A đã bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc do có hành vi tham nhũng trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh X. Sau một năm kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực, ông A có ý định đăng ký dự tuyển vào vị trí chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Y (thuộc tỉnh Z). Hỏi việc hồ sơ ký dự tuyển của ông A có được chấp nhận không?
Trả lời: Điểm c Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định: “Sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực, công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc được quyền đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Trường hợp bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc do tham nhũng, tham ô hoặc vi phạm đạo đức công vụ thì không được đăng ký dự tuyển vào các cơ quan hoặc vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm”.
Trong tình huống trên, do ông A bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc do có hành vi tham nhũng khi đang đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh X, do đó không được đăng ký dự tuyển vào các cơ quan hoặc vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm. Vì vậy, hồ sơ đăng ký dự tuyển vào vị trí chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Y (thuộc tỉnh Z) của ông A sẽ không được chấp nhận.
Câu 30. Đề nghị cho biết, Công chức (không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà tái phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, công chức (không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP mà tái phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương.
Câu 31. Trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Lao động – Tiền lương của Sở LĐTBXH tỉnh K, bà X có hành vi nhận hối lộ và đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Nay bà X tái phạm. Hỏi bà X bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nào đối với hành vi tái phạm này?
Trả lời: Điều 11 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về việc áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý như sau:
“Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm”.
Trong tình huống trên, bà X trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Lao động - Tiền lương của Sở LĐTBXH tỉnh K đã có hành vi nhận hối lộ và đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP. Nếu bà X tiếp tục tái phạm thì bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật giáng chức theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Câu 32. Đề nghị cho biết hình thức kỷ luật áp dụng đối với viên chức (giữ chức vụ quản lý) có hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hỏi viên chức có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;”
Trong đó, khoản 5 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức có hành vi vi phạm: “Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.”
Đối chiếu những quy định trên, viên chức (giữ chức vụ quản lý) có hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức.
Câu 33. Theo quyết định, đơn vị A được mua sắm tài sản là 300 triệu đồng, trong quá trình mua sắm tài sản và để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đơn vị A đã mua vượt mức cho phép 35 triệu đồng và giải trình để đáp ứng yêu cầu của công việc. Xin hỏi giải trình của đơn vị A có được chấp nhận không? Pháp luật quy định hướng xử lý trong trường hợp này như thế nào?
Trả lời: Để bảo đảm việc mua sắm, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, tránh thất thoát, lãng phí, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định nghiêm cấm đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức (khoản 2 Điều 10).
Cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước (Nghị định số 63/2019/NĐ-CP). Theo đó:
- Phạt tiền đối với hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định theo các mức phạt sau:
+ Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt dưới 50.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản;
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt từ 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản trở lên.
Đồng thời, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản đầu tư, mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức đối với hành vi trên.
Như vậy, đơn vị A mua vượt định mức 35 triệu đồng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và phải nộp lại số tiền vượt định mức là 35.000.000 đồng.