Tùng Châu là một xã thuộc huyện Đức Thọ, được sáp nhận từ xã Đức Tùng và xã Đức Châu theo Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh, là một xã nằm phía Bắc của huyện Đức Thọ, phía Đông giáp Sông Lam và sông La phía Nam giáp xã Liên Minh, phía Tây giáp xã Trường Sơn, phía Bắc giáp xã Nam Cường - Nam Đàn – Nghệ An cách trung tâm huyện 4km với diện tích tự nhiên là 9.61km2có 1234 hộ dân với 3.371 nhân khẩu được phân bổ đều trên 7 thôn.
Là vùng rốn lũ, khi mùa mưa đến với lượng mưa trung bình nhưng chỉ cần kéo dài 2-3 ngày, nước sông Lam, sông La đổ về là cả vùng trở thành biển nước; Lụt mang phù sa đến nên đất đai rất màu mỡ, thích hợp cho gieo trồng nhiều loại cây trồng, tuy nhiên độ chua phèn của đất lớn, không bằng phẳng, nhiều đầm đìa, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng.
Về giao thông: có dòng sông La chảy qua phía Đông và dòng sông Lam chảy qua phía Bắc giao thông đường thủy có nhiều thuận lợi, có đường sắt chạy qua trung tâm xã. Hệ thống giao thông đường bộ có đường 8B ( Liên Minh - Tùng Châu) nối với xã Nam Cường (Nam Đàn, Nghệ An), đường vượt lũ, huyện lộ 10 Bãi Con - Kim Thịnh nối với xã Nam Kim ( Nam Đàn , Nghệ An).
* Đời sống vật chất
- Tập quán sản xuất
Cũng như các địa phương khác trong huyện, cư dân Tùng Châu trước đây lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính. Là vùng đồng bằng thấp trũng, đất đai màu mỡ do phù sa bồi đắp nhưng thường bị khô hạn về mùa nắng (do tác động của gió Lào), mùa mưa thường bị lụt, lũ nên sản xuất nông nghiệp bấp bênh, mỗi năm chỉ sản xuất một vụ chính Đông Xuân. Trước đây các biện pháp thâm canh dựa trên kinh nghiệm cha truyền con nối “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Các loại cây trồng có lúa chiêm (lúa ré) là giống lúa chịu hạn nhưng năng suất thấp, một ít nếp thơm, ở các đội biền cấy lúa bát ngoạt… Hoa màu có lạc, ngô, khoai trồng ngoài đồng, khoai chuối, khoai dong… trồng trong vườn. Công cụ sản xuất là cày chìa vôi, bừa chữ chi, vồ đập đất, liềm hái, gàu giai, gàu sòng…
Ngoài sản xuất nông nghiệp còn có một số nghề phụ như trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, trồng bông dệt vải nhưng chủ yếu tự sản, tự tiêu. Một số người có gánh hàng xén bán rong tại làng hoặc chợ Đò, chợ Thượng, phường Yên Trúc có nghề đánh cá, đò dọc…
Vào những năm sau Cách mạng có du nhập nghề kẹo che ép mía, ép dầu lạc nhưng ít nhà làm vì ít vốn. Công cụ sản xuất được cải tiến, ngoài gàu giai, gàu sòng có thêm guồng đạp nước, có xe bò thay xe cút kít…
- Ăn, ở, mặc, đi lại
Trước Cách mạng tháng Tám, cuộc sống của người dân rất nghèo khổ: thiếu ăn, thiếu mặc, nhà tranh vách đất, vách nứa. Lương thực chủ yếu là ngô (ngô vỏ vùi), khoai, có ít gạo thì cơm độn ngô, khoai. Những tháng giáp hạt ăn khoai lang, khoai dong, khoai riềng trừ bữa. Thức ăn chủ yếu là dưa, cà, nước dam, nước cáy, nước tương muối trường. Đàn ông mặc quần đùi, đàn bà mặc váy cộc, nhuộm nâu. Đi lại chủ yếu dựa vào đôi chân trần (chân đất), người giàu sang có đôi guốc mộc, sang hơn nữa có đôi guốc sơn. Phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng đôi vai với quang gánh. Phường chở đất thuê có xe cút kít. Vì cuộc sống khó khăn nên mọi nhà (kể cả gia đình khá giả) mọi người đều phải chắt bóp để sao cho khỏi đứt bữa hàng ngày.
Sau Cách mạng tháng Tám đời sống nhân dân được cải thiện. Phần lớn ruộng đất công được chia cho nông dân thiếu ruộng đất hoặc ít ruộng đất. Năm 1952 - 1953, thực hiện giảm tô nông dân lại được chia thêm ruộng đất, tô tức đỡ nặng nề. Một số tập quán sản xuất truyền thống dần thay đổi. Trình độ thâm canh ngày càng cao hơn; công cụ sản xuất ít nhiều có cải tiến… Mọi người phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất đảm bảo đời sống, góp phần cung cấp lương thực cho tiền tuyến.
** Đời sống tinh thần
Tuy cuộc sống vật chất còn nghèo nhưng người dân Tùng Châu vẫn có một đời sống tinh thần phong phú.
- Tôn giáo, Tín ngưỡng
+ Tôn giáo: sinh hoạt tôn giáo đến với người dân Tùng Châu từ khi nào chưa có cứ liệu khẳng định, nhưng theo những chứng tích còn lại thì nó đã có từ rất lâu. Trong xã từng có sự song tồn của cả Phật giáo và Đạo giáo. Các tôn giáo này đều được nhân dân Tùng Châu rất tôn trọng nhưng tuyệt đại đa số người dân chưa bao giờ là tín đồ ngoan đạo (dân ở đây không sùng đạo, các ngôi chùa trước đây cũng không có sư, không có thiện nam tín nữ). Phật giáo được du nhập vào Tùng Châu từ rất sớm bởi tư tưởng “từ, bi, hỷ, xả” và lối sống nhân nghĩa, bác ái rất phù hợp với lý tưởng của con người. Trên địa bàn xã Tùng Châu có 5 di tích lịch sử trong đó có 01 di tích cấp quốc gia là đền Trần Duy và 04 di tích cấp tỉnh là đền Kim Môn, chùa Vạn Phúc, đền Tường Xá, nhà thờ Lê Năng Tri.
+ Tín ngưỡng:
Tục thờ tổ tiên: việc thờ phụng tổ tiên không chỉ là phong tục tập quán mà là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, con cháu phải ghi nhớ công ơn của các bậc tiền bối, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Trong quan niệm của mọi người, ông bà cha mẹ chết đi chỉ mất phần xác, còn phần hồn vẫn “sống” bên con cháu. Bởi vậy con cháu thường dành một chỗ trang trọng trong nhà để thờ người đã khuất, đó là bàn thờ gia tiên. Bàn thờ gia tiên được đặt ở chỗ cao khiết nhất, thiêng liêng nhất trong nhà. Tùy tập quán từng nơi, có nơi đặt bàn thờ gia tiên ở gian giữa (gian bảy), có nơi đặt ở gian ngoài.
Tùy hoàn cảnh từng gia đình mà bàn thờ gia tiên được bố trí đơn sơ hoặc cầu kỳ. Cho dù đơn sơ hay cầu kỳ, trên bàn thờ gia tiên không thể thiếu bộ ngũ sự (một nồi hương, 2 ống cắm hương, 2 cọc đèn nến) hoặc thất sự (thêm hai bình hoa).
Giỗ (kỵ) con cháu có lễ cúng tiên thường vào chiều hôm trước và hôm sau là chính kỵ. Các ngày lễ tết trong năm con cháu sắm lễ vật kính thỉnh ông bà cha mẹ về vui cùng con cháu. Sau giỗ và sau lễ tết con cháu hóa vàng mã cho người cõi âm.
Trên nhà có họ: họ có nhà thờ tổ tiên. Họ lớn có nhà thờ “đại tông” và nhà thờ “tiểu tông” của các chi. Ngày giỗ tổ, xuân thu nhị kỳ (rằm tháng giêng, rằm tháng bảy - trung nguyên, thượng nguyên) các họ đều có lễ cúng tế, là dịp để con cháu trong họ tề tựu bày tỏ lòng thành đối với tổ tiên.
Trước Cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên nhà ở, nhà thờ họ còn đơn sơ, chỗ thờ phụng chưa được tươm tất, nhưng nặng chữ “tâm” con cháu không hề sao nhãng việc thờ phụng gia tiên, tổ tiên.
Tục thờ gia thần: trong nhà cùng với việc thờ phụng gia tiên người ta còn thờ gia thần để cầu được phù hộ cho an khang thịnh vượng. Vị gia thần được thờ phổ biến trong các gia đình là vị thần Táo quân - Ông bếp - Vua bếp. Ngoài việc thờ “Táo quân” trong nhà, nhiều gia đình còn dựng một ngôi nhà ngoài vườn thờ riêng thổ công, gọi là thổ chủ.
Tục thờ thần và tín ngưỡng Thành Hoàng: cũng như các địa phương khác, tục thờ thần và tín ngưỡng Thành Hoàng được nhân dân Tùng Châu coi trọng. Nhân dân ta đã dành cho Thành hoàng làng một niềm tin tưởng thiêng liêng, kính cẩn. Trong quan niệm của dân gian, Thành hoàng là những vị thần bảo vệ làng. Thành Hoàng có thể là một vị thần trong thần thoại, cổ sử, cũng có thể là những anh hùng võ tướng, những người có công khai dân lập ấp, mở rộng cơ nghiệp, bảo vệ đất nước, cũng có thể là những người chết oan uổng hay bất đắc kỳ tử… Ở Tùng Châu có nhiều đền thờ thành hoàng như: đền Tường Xá (ở làng Tường Xá) thờ cao sơn, cao các và hai vị tướng: hữu phủ trung cầu Phùng tướng công (vị tướng họ Phùng - chưa rõ tên) và tả kiến thấu tiền đạo tướng quân (không rõ họ tên); Đền làng Đài thờ thành hoàng Văn Giang linh ứng (người đi nhủi chết đuối); đền Chiêu Phúc ở Diên Phúc thờ công thần nhà Lê Trần Duy, miếu Văn Đô ở làng Diên Phúc thờ Văn Đô linh ứng (người xít đu tử nạn). Đền làng Tứ ở làng Tứ thờ thành hoàng trung đẳng thần; đền Giáp Cầu ở làng Cầu thờ Bản thổ thành hoàng; đền Kim Môn ở làng Kim Môn (còn gọi là đền làng Đào) thờ thành hoàng Thọ Xá hầu (Đào Quang Nhiêu); đền Yên Quả (đền Làng Ao) ở Yên Quả 2 thờ thánh mẫu Liễu Hạnh; đền Yên Trúc ở phường Yên Trúc thờ Bản thổ thành hoàng; đền Văn Quang ở giáp Văn Quang thờ Bản thổ thành hoàng.
Trước Cách mạng đây là những ngôi đền to đẹp, khuôn viên rộng rãi, cây cối xanh tươi (ví như ở đền Kim Thịnh có cây mọc mộng tán rộng to cao, 7 người ôm mới xuể, nhiều cây thông có đường kính 1m; hoặc ở đền Tường Xá có những cây muồng, mít, chay… có tuổi thọ hàng trăm năm). Năm 1960 có chủ trương hợp tự, có tự khí, đồ thờ cúng, các sắc phong… đưa về tập trung ở chùa Vền, theo thời gian mọi thứ hư hỏng, lụt trôi, đền chùa bị dỡ phá, có nơi làm trường học, có nơi làm trụ sở làm việc của xã, hợp tác xã, làm nhà kho hợp tác xã, một số không được tu sửa mục nát…).
- Phong tục, tập quán
+ Tục mừng thọ: truyền thống “kính lão đắc thọ” là một trong những bản sắc văn hoá cao đẹp của người Việt Nam từ xưa đến nay, mọi người, mọi nhà đều ao ước được “phúc, lộc, thọ” (tam đa). Hàng năm, đến đầu tháng giêng làng mở hội yến lão, lễ được tổ chức long trọng, mọi người đều có mặt đông đủ thể hiện sự tôn kính người già (trọng xị). Các gia đình khá giả có ông bà, cha mẹ già cũng thường tổ chức lễ mừng thọ. Bà con, bạn hữu, làng xóm đến dự tiệc đông vui, làng cũng cử người đến mừng. Sau Cách mạng tháng Tám đời sống vật chất tinh thần được nâng cao, nhiều gia đình vào dịp đầu năm âm lịch đều tổ chức mừng thọ cho ông bà, cha mẹ. Con cháu, bà con, họ hàng, làng xóm, chính quyền địa phương đến chúc phúc vui vẻ theo đời sống mới.
+ Tục cưới hỏi: trước Cách mạng việc dựng vợ gả chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ hai bên “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, “nam nữ thụ thụ bất thân”. Trước lúc cưới có những cặp vợ chồng không hề biết mặt nhau. Từ khi “chạm ngõ” đến khi cưới nhiều thủ tục rườm rà, tốn kém. Nhà giàu sắm đồ nữ trang từ đầu đến chân, mở tiệc ăn uống linh đình; nhà nghèo cũng phải mua sắm sính lễ, mời mọc họ hàng hai bên ăn uống. Có nhiều cặp vợ chống cưới nhau xong làm lụng vất vả suốt đời vẫn không trang trải hết nợ.
Sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt từ khi thực hiện chủ trương “xây dựng đời sống mới” tục cưới hỏi có sự thay đổi. Nam nữ tự do tìm hiểu. Đã có nhiều đám cưới tập thể do chi đoàn đứng ra tổ chức. Những thanh niên lên đường nhập ngũ khi đã có người yêu chưa kịp cưới, chính quyền, các đoàn thể đứng ra tổ chức lễ “hứa hôn”. Đồ nữ trang, tổ chức ăn uống tùy hoàn cảnh từng gia đình hai bên nhưng đã hạn chế đến mức tối đa. Ngày cưới thực sự là ngày đại hỷ của đôi tân hôn, ngày vui của gia đình hai bên nội ngoại, của bà con và bạn bè thân hữu… Lễ cưới vừa thể hiện nét truyền thống, đồng thời cũng mang ý nghĩa trọng đại cả đời của đôi trai gái.
+Tục tang lễ, ma chay: ở Tùng Châu tục tang lễ, ma chay cũng mang tính cộng đồng sâu sắc. Trong làng, trong xã bất cứ gia đình nào khi có người nhà ốm đau, bệnh tật, được anh em, bà con lối xóm, đại diện đoàn thể, chính quyền xã đến thăm hỏi, động viên, được con cháu nội ngoại, anh em ruột thịt chăm sóc chu đáo, cứu chữa tận tình. Khi có người qua đời, không kể ngày đêm, mưa nắng, bà con thân hữu, anh em, bạn bè đều đến thăm viếng, động viên chia sẻ và giúp đỡ những công việc cần thiết, sau đó đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau Cách mạng tháng Tám một số tập tục thay đổi như không để người chết dài ngày trong nhà, các thủ tục cúng tế đơn giản hơn, có nơi đã bỏ tục mời cơm sau ba ngày…
+Tục mời nhau uống nước chè xanh: là một nét đẹp của làng quê. Sau những lúc đi làm việc ở đồng áng vất vả trở về, mọi người lại quây quần bên mươn (kiểu bàn mặt đan bằng tre) cùng nhau thưởng thức bát nước chè xanh “ba chò” (chò xanh, chò nóng, chò chát) cùng nhau kể chuyện đông tây kim cổ (thường các gia đình mời luân phiên nhau cho nên ngày nào cũng có). Cơm sốt, canh sốt, nước cốt chè xanh mới nấu là những thứ khoái khẩu của người nông dân nghèo.
Tục mời nhau ăn trầu trước đây phổ biến trong lớp trung niên, cao tuổi (cả đàn ông, đàn bà). Ăn trầu chẳng những thơm miệng, chắc răng mà còn là phương tiện giao tiếp hàng ngày của bà con láng giềng, chòm xóm bởi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Trù em trù đậy trù khăn/Trù dắt lưng mấn anh không ăn mô mà mời” là sự tỏ tình đầy thi vị của các chàng trai cô gái đến tuổi cập kê. Ngày nay tục mời nhau ăn trầu chỉ còn ở lớp người cao tuổi, nhưng cũng như trước đây đến ngày húy kỵ, các ngày lễ tết trong năm trên bàn thờ gia tiên, tổ tiên không thể thiếu cơi trầu cau, ngày hỏi, ngày cưới không thể thiếu buồng cau, liền trầu.
Ngoài ra, trước Cách mạng tháng Tám người dân Tùng Châu còn có tục đàn ông búi tóc, đàn bà nhuộm răng đen, chít khăn vấn tóc quanh đầu. Từ sau năm 1945, tục này không còn nữa.
- Giáo dục: ngay từ thời phong kiến, khi cuộc sống của người dân còn vô vàn khó khăn nhưng ai có chí học hành, dùi mài kinh sử đều được làng khuyến khích, đỗ đạt được làng trọng vọng. Truyền thống tốt đẹp ấy được giữ gìn và lưu truyền mãi cho đến ngày nay.
Thời phong kiến các trường học của Nhà nước có Quốc tử giám ở Kinh thành, các trường xứ (trấn, tỉnh), các trường của phủ, huyện. La Giang/La Sơn do phủ Đức Quang/Đức Thọ kiêm lý nên trường phủ cũng là trường huyện. Đầu đời Lê trường đóng ở xã Phi Cảo, sau đổi thành xã Thịnh Quả, nơi đặt phủ lỵ Đức Quang (phủ lỵ Đức Quang đóng trên địa bàn giáp Văn Quang thuộc Đức Tùng bây giờ). Do trường đóng trên địa bàn của xã nên con em Thịnh Quả, Tường Xá, Yên Trúc có điều kiện học hành. Bởi vậy, ngay từ thời Lê đã có nhiều người đỗ đạt cao.
Các vị Hương khoa đời Lê có: Lê Năng Tri (quê Tường Xá), đỗ Hương Cống khoa thi năm 1507, làm đến chức Đô ty, đô quan; Phạm Toản (quê Tường Xá), đỗ Hương Cống khoa thi năm 1733, làm đến chức Tri huyện; Lê Công (quê Tường Xá), đỗ Hương Cống khoa thi năm không rõ, làm đến chức Tri phủ; Lê Cầu (quê Phi Cảo), đỗ Hương Cống khoa thi năm không rõ, làm đến chức Tả mặc Nghệ An; Lê Đăng Truyền (quê Phi Cảo), đỗ Hương Cống khoa thi năm nào không rõ, làm đến chức Tả mặc. Ngoài ra có Phạm Ái (quê Tường Xá) đỗ Nho sinh; Lê Năng Cung (quê Tường Xá) đỗ tam tràng, Lê Văn Hưu (quê Tường Xá), đỗ Sinh đồ.
Các vị đại khoa thời Lê có: Tần Lê Thoan (quê Phi Cảo), học vị đồng tiến sĩ, khoa thi 1712 làm đến chức Lại khoa cấp sự trung, Lê Cận (quê Tường Xá), học vị đồng tiến sĩ làm quan đến chức Giám sát ngự sử, khoa thi 1715, Bùi Tiên Sinh (quê Tường Xá) học vị tiến sĩ làm quan đến chức Hữu tham nghị, nghĩa lấm nam.
Đến đời Nguyễn trường dời sang Bùi Xá (tổng Yên Hồ) điều kiện học hành có khó khăn hơn. Tuy nhiên với tinh thần hiếu học con em Thịnh Quả, Tường Xá, Yên Trúc đã “tầm sư học đạo” nên cũng có nhiều người đỗ đạt làm quan.
Các vị hương khoa đời Nguyễn có: Phan Tử Khâm (quê Thịnh Quả) đậu cử nhân năm 1906, làm đến chức Tri huyện; Đặng Bình (quê Thịnh Quả), đậu Tú tài, Lê Danh Dương, Lê Khắc Kiệm, Lê Văn Lương, Đào Tục (quê Tường Xá) đều đậu Tú tài.
Các vị đại khoa đời Nguyễn: Đào Văn Huân (quê Thịnh Quả) đậu Phó Bảng khoa thi năm 1910, làm đến chức Thừa biện, hàm trước tác.
Từ khi thực dân Pháp đặt nền thống trị nước ta (1884) cho đến năm 1906 (đời vua Thành Thái) triều đình phong kiến vẫn duy trì việc học và mở các khoa thi Hán học, đồng thời mở mang tân học với việc dạy chữ quốc ngữ, chữ Pháp, dạy toán và khoa học thường thức. Đến năm 1918 (đời vua Khải Định) thì bỏ hẳn khoa cử chữ Hán. Ngày 30.10.1906 toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thiết lập chương trình giáo dục Pháp - Việt ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Ở tổng Thịnh Quả có trường sơ học liên hương, trường đóng ở Văn Quang, có 3 lớp: Lớp 5 (đồng ấu), lớp 4 (dự bị), lớp 3 (sơ đẳng), học sinh Thịnh Quả, Tường Xá, Yên Trúc theo học rất đông (kể cả học sinh nữ), nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở kỳ thi lấy bằng yếu lược, vì nhà nghèo, trường xa không đủ điều kiện học lên, chỉ có Trần Trinh, theo học trường Tiểu học Đức Thọ nhưng rồi cũng phải bỏ giữa chừng để hoạt động cách mạng; Nguyễn Hữu Viện, Hoàng Côn, Đặng Đình Mai đỗ bằng Tiểu học (Prime). Một số có điều kiện học lên Cao đẳng tiểu học như Lê Ngụ, Lê Đệ, Trịnh Can… đỗ bằng Thành Chung (Diplom).
Mặc dù việc học chữ Hán không được khuyến khích nhưng nhiều người đã theo học các lớp dạy tư do các thầy đồ trong làng, xã mở như ở Diên Phúc có cụ đồ Yên, cụ Trần Hài mở lớp dạy chữ Hán, thầy giáo Trưng (Lê Hòe) ở Tường Xá vừa dạy chữ Hán vừa dạy chữ quốc ngữ.
Sau Cách mạng, năm 1946 xã Tùng Châu thành lập, thực hiện nền giáo dục cách mạng, mỗi làng có một lớp ấu trĩ, cả xã có một trường tiểu học 4 lớp (lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất). Trường học ở đền Yên Quả, sau dời lên làng Cầu (Đức Tùng bây giờ). Sau cải cách giáo dục (1950) bên cạnh trường cấp 1 (trường Tiểu học) có trường cấp 2 gồm 2 lớp: lớp 5, lớp 6 do thầy giáo Thái Ninh (người Thanh Hóa) làm hiệu trưởng. Ngoài giáo dục phổ thông, phong trào bình dân học vụ xóa nạn mù chữ phát triển rầm rộ. Năm 1948, xã Tùng Châu được huyện công nhận xóa nạn mù chữ.
- Sinh hoạt văn hoá
+ Trò chơi dân gian: tùy theo lứa tuổi các trò chơi dân gian truyền thống diễn ra hàng ngày, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhộn nhịp nhất là vào dịp đầu xuân. Hội làng mở vào dịp mùng 2, có khi kéo dài đến mùng 7. Trẻ em trong bộ quần áo mới cùng ông bà, cha mẹ, anh, chị em ra đình làng xem hội: chọi gà, đánh cờ người, cờ thẻ, tổ tôm, xít đu…
Sau Cách mạng tháng Tám, hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra sôi nổi, chị em phụ nữ có trò múa đao, múa kiếm; nam thanh niên có trò chơi hộp thư bí mật. Làng Tường Xá, Kim Môn, Yên Quả, làng Đài có đội tuồng, làng Diên Phúc có đội kịch nói. Mỗi làng có một đội hát sắc bùa để chúc những điều tốt lành nhân dịp đầu xuân năm mới (30 tết hát ở đình làng, mùng một và mùng hai hát ở nhà dân). Các điệu hát ru, các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh như hát ví, hát dặm…đã đi vào tiềm thức của mọi người. Bất kỳ người mẹ, người chị nào cũng biết hát ru con, ru em. Hát ví, hát dặm ngoài các làn điệu lời cổ, hàng năm vào dịp đầu xuân nam thanh nữ tú thường tụ tập thành từng nhóm (nam riêng, nữ riêng) hát đối đáp bằng những sáng tác ngẫu hứng, các điệu ví điệu hò cũng được các phường đò dọc hát đối đáp trên sông.
+ Về lễ hội: có lễ rước sắc diễn ra ở các làng thuộc xã Thịnh Quả, làng Tường Xá, phường Yên Trúc. Lễ được tiến hành vào dịp đầu xuân. Sắc thần được gửi ở các vị hào lão có danh vọng. Trước tết, vào 30 tháng chạp làng rước sắc thần về đền thờ, sáng mùng 3 tất cả các dân đinh tụ tập ở đền để sửa soạn cho lễ rước sắc. Rước sắc là dịp biểu dương nghi trượng của thần, thanh thế của làng, là hội vui xuân của dân. Đi trước là cờ, thẻ, tán, lọng, binh khí, kiệu, trống, chiêng, thanh la, nảo bạt…rất tuần tự nghiêm trang khiến người đi xem chật kín cả đường. Ở tất cả các làng có lễ tế thành hoàng làng vào dịp đầu năm (tế xuân), giữa năm (tế thu) nhưng chủ yếu là lễ tế xuân (15.2). Dân đinh trong làng góp tiền làm mâm cỗ, xôi thịt cúng tế tại đền. Cúng xong các vị chức sắc, chức dịch, các cụ cao tuổi được mời ra các mâm đã bày sẵn, phần xôi thịt còn lại được chia theo đinh.
Sau cách mạng, ở các thôn xóm đều có hội quán, vào các ngày lễ lớn của dân tộc như: tết độc lập, tết thiếu thi, tết trung thu… đều được chính quyền đứng ra tổ chức, nhân dân đến dự đông vui.