Chùa Đá (Thạch Động Tự) một ngôi chùa linh thiêng gắn liền với những địa danh Rú Lái, Rú Thông (Tùng Lĩnh) thuộc vùng địa linh nhân kiệt Tùng Ảnh - Đức Thọ. Ngày xưa là một ngôi chùa lớn nhất vùng Tây Bắc của huyện La Sơn (huyện Đức Thọ ngày nay), thu hút nhiều nhà sư có tên tuổi đến tu hành, trong số đó có một số nhà sư đã tu hành đắc đạo thành Phật mà xá lỵ đã được cất giữ trong các mộ tháp của vườn chùa.

Chùa Đá ngày xưa là một ngôi chùa lớn nhất vùng Tây Bắc của huyện La Sơn (huyện Đức Thọ ngày nay), thu hút nhiều nhà sư có tên tuổi đến tu hành, trong số đó có một số nhà sư đã tu hành đắc đạo thành Phật mà xá lỵ đã được cất giữ trong các mộ tháp của vườn chùa.

 

 

Thăng trầm ngôi chùa trên 600 tuổi

Chùa Đá (Thạch Động Tự) một ngôi chùa linh thiêng gắn liền với những địa danh Rú Lái, Rú Thông (Tùng Lĩnh) thuộc vùng địa linh nhân kiệt Tùng Ảnh - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Ngày xưa chùa Đá có tên là “Huyền Lâm Tự”, tộc phả Họ Phan - hiệu Tùng Mai ghi lại như sau: Vào triều Lê Huyền Tông (1663-1671), Phan Lĩnh tên tự là Như Chỉ thông nghề y, sùng đạo Phật, theo nhà sư là Huyền Trân đến sống ở chùa Huyền Lâm của bản xã, sau khi mất, các đệ tử chất củi hoá thân rồi đem di cốt về chôn ở am sau chùa. Sau này chùa Huyền Lâm đổ nát, chùa xây mới đặt lại là Thạch Động Tự (chùa Đá).

Chùa Đá được xây dựng cách đây trên 600 năm, chùa nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ nên vào những năm 1968, 1969 đã bị phá hủy hoàn toàn. Chùa Đá ngày xưa là một ngôi chùa lớn nhất vùng Tây Bắc của huyện La Sơn (huyện Đức Thọ ngày nay), thu hút nhiều nhà sư có tên tuổi đến tu hành, trong số đó có một số nhà sư đã tu hành đắc đạo thành Phật mà xá lỵ đã được cất giữ trong các mộ tháp của vườn chùa. Gia phả của Họ Phan đã ghi trong tháp Am chùa có di cốt của nhà Sư Phan Lĩnh; gia phả của các dòng họ khác đã ghi trong Tháp Am này còn có thêm hài cốt của hai vị sư là Mai Phúc Thông và Võ Chân Nhân.

Chùa nằm trên triền đồi thoai thoải liền kề với chân núi Tùng Lĩnh thuộc dãy Trà Sơn, nhiều danh lam thắng cảnh như hồ Khe Lang, hồ Phượng Thành, núi Chữ Nhật (được gọi là Nhất Tự Sơn), bãi đá ghềnh Tàng, núi Tùng Lĩnh - bến Tam Soa, đền thờ tướng Đinh Lễ - công thần nhà Lê, Rú Mồ Côi ở phía Nam có mộ phần và nhà thờ danh tướng Lê Bôi, lăng mộ lãnh tụ Cần Vương Phan Đình Phùng, khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú.

Tương truyền: “Ở phía Đông Nam núi Tùng Lĩnh, giữa một bãi đất bằng phẳng có một “Tòa Đá” chiều rộng gần 4m, cao khoảng 2m, nổi tiếng linh thiêng, cho nên mỗi lần trong vùng có nạn dịch bệnh hoặc thiên tai, người dân ở đây thường mua sắm lễ vật đến thắp hương cầu khấn và đều được “Thần Đá” phù hộ cho tai qua nạn khỏi. “Tòa Đá” ngự trên một vùng đắc địa, núi Mồ Côi ở phía Nam, núi Cồn Hội phía Bắc, phía Đông Bắc là núi Tùng Lĩnh soi mình xuống bến Tam Soa, nơi hợp lưu của sông Ngàn Sâu và sông Ngàn Phố, xa xa là những cánh đồng phì nhiêu, bát ngát nhờ phù sa của dòng sông La bồi đắp. Trước phong cảnh hữu tình và sự linh thiêng của “Tòa Đá”, vào thời vua Lê Thái Tổ, người ta đã xây dựng nơi đây một ngôi chùa để thờ Phật”.

Chùa quay về hướng Đông Bắc với 3 tòa thượng, trung, hạ điện, mỗi tòa có chiều rộng 6m, dài 8m, lợp ngói xây tường với 12 cây cột gỗ mít, được nối tiếp với nhau bởi một hệ thống máng nước bằng gạch. Trên nóc mỗi toà được đắp nổi hình “lưỡng long, chầu nguyệt” hoặc hình “rồng múa, phượng chầu”. Riêng tòa thượng điện được xây bao phủ lên tòa đá, với dụng ý dùng tòa đá làm bàn thờ Phật cho nên mới có tên là “Thạch Động Tự”. Phía trong chùa ngoài những hình hoa văn miêu tả cảnh núi non sông nước và cảnh sinh hoạt dân gian đương thời còn có hàng trăm bức tượng Phật được bố trí từ trên cao xuống thấp. Cao nhất trên tòa đá là các pho tượng: Phật Tổ Như Lai, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Phật Bà Quán Âm 12 tay cùng các vị Kim Cương, La Hán. Cánh hữu là bức tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng nhiều bức tượng thần khác trông sinh động như người thật.

Phía trước chùa về mé Đông Bắc được xây dựng một tháp chuông với 4 cây cột gỗ mít có đường kính từ 35 - 40 cm, tháp cao 10m, phía trên tháp treo quả chuông bằng đồng có đường kính một mét nặng trên nửa tấn. Phía dưới của tháp chuông treo một khánh đá dài trên 1,2m. Tương truyền vào ngày rằm, mồng một hoặc vào các ngày lễ tết, tiếng chuông chùa Đá gióng giả vang xa từ 4 - 5 dặm như mời gọi và giục giã các phật tử gần xa mau về lễ Phật.

Ngoài 3 tòa thượng trung hạ điện và ngọn tháp chuông, phía Đông Nam khuôn viên chùa còn có ngọn tháp nhiều tầng là nơi các nhà sư ngồi cầu kinh, niệm Phật ở ngoài trời, một nhà Tạ Trù rộng 4m, dài 8m, xây tường lợp ngói dùng để cho khách thập phương tới bày mâm cỗ.

Thời đó, ở vùng này mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, nhiều dòng họ quy tụ về đây lập làng, khai khẩn đất hoang, phát triển các ngành nghề, cuộc sống no đủ tạo nên một vùng sầm uất của đất La Sơn xưa.

Dấu tích xưa còn lại

Hiện trong khuôn viên của chùa Đá lưu giữ 1 tảng đá nguyên khối khoảng 7 tấn, trên tảng đá có dấu bàn chân rất rõ, được tìm thấy ở độ sâu 1,7m, khi đào móng tại móng nền chùa cũ (động đá). Tảng đá này được nối tiếp một dãy uốn lượn nay còn nguyên vẹn, những dấu tích còn lại chùa Đá ngày xưa là 2 Tháp Am còn khá nguyên vẹn gồm một am cao, một am thấp. Ngoài ra còn có một cây thị trên 400 trăm tuổi, cành lá xum xuê, có nhiều trái, theo các cụ cao niên và người dân ở đây kể: “Cây thị có cảm xúc đặc biệt, nếu không thắp hương khấn vái, cành lá bị rủ, lá lật lên, hoặc khi có những biến cố lớn, cây thị bị rụng lá…”. Chùa đã giữ được trên chục pho tượng Phật cổ có niên đại hàng trăm năm. Khuôn viên chùa được mở rộng khoảng một ha.

Thầy trụ trì chăm lo Phật pháp và tôn tạo chùa Đá nói: “Chuyện tâm linh thì không nên nói nhiều, vì nó tùy thuộc vào niềm tin của mọi người vào Đức Phật. Nhiều người tin vào Phật giáo thì cho rằng những chuyện kỳ diệu xảy ra ở chùa Đá đều là nhờ vào Phật độ trì, còn những người chưa tin hoặc không tin vào Phật thì bảo đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tất nhiên, mỗi người đều có quyền suy nghĩ khác nhau về Phật và cũng có những cảm quan riêng mà không phải lúc nào cũng nên lý giải bằng khoa học. Nhưng theo quan điểm của riêng tôi dưới trần gian này, bất kỳ ai cũng đều là con cháu của Đức Phật nên đều được Đức Phật che chở, độ trì như nhau cả…”.

 

Tri ân hội tụ và tâm đức tôn tạo chùa Đá

Nằm ở vị trí thuận lợi giao thông thủy bộ, chùa Đá là nơi tụ họp các “hội kín” của phong trào Cần Vương do lãnh tụ Phan Đình Phùng lãnh đạo, của các tổ chức tiền thân Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là nơi họp Chi bộ Đảng, Đoàn Thanh niên cứu quốc, đội nhi đồng… Khuôn viên chùa cũng là nơi luyện tập dân quân tự vệ của địa phương vì trước chùa có khoảng đất bằng phẳng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Đá là một trong những địa điểm làm kho lương thực, kho bách hóa, thuốc men trước khi vận chuyển ra chiến trường. Hình ảnh chùa Đá đã nằm trong tiềm thức của nhiều thế hệ con em địa phương vì đã là nơi giao lưu tụ họp trước khi rời quê hương lên đường tham gia cách mạng. Là căn cứ cách mạng cho nên suốt những năm leo thang, đánh phá miền Bắc máy bay Mỹ đã hàng chục lần ném bom phá khuôn viên chùa Đá làm cháy sập ngôi chính điện, tháp chuông, cùng các bức tượng quý, đồ vật trong chùa tản mát, thứ thì bị bom đạn chôn vùi, thứ được rước về gửi vào các chùa khác

 

 

Thể theo tâm nguyện của đông đảo phật tử và nhân dân, được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền, dự án trùng tu, phục dựng chùa Đá (Thạch Động Tự) đã và đang được triển khai thực hiện. Hiện nay ngôi chánh điện, Tháp chuông, nhà Tăng của chùa đang được tiến hành trùng tu xây dựng với sự phát tâm, công sức nhân dân và phật tử khắp mọi miền đất nước. Với sự đồng thuận của các cấp chính quyền, ngôi chùa bắt đầu được tôn tạo với quy mô lớn, đến thời điểm hiện tại, các phần cơ bản như nhà Tam Bảo, Điện Mẫu, Động Đá, Quán Âm Các, việc đúc chuông và tượng Phật bằng đồng đã hoàn thành, trong chùa hiện có 2 chiếc chuông lớn nhỏ (chiếc lớn nặng 1 tấn, chiếc nhỏ nặng hơn 1 tạ) và 1 tượng Quán Thế Âm nặng 2 tấn.

 

 

Theo lời của người trông coi chùa và vị sư trụ trì, kiến trúc đồ sộ này là thành quả công đức của hàng trăm con em quê hương của nhiều dòng họ khắp cả nước. Bà con ở đây, khi nhắc đến chùa Đá, thường nhắc đến người khởi tâm xây chùa là Nhà giáo, Tiến sĩ Phan Hoàng Thi - một người con của quê hương Tùng Ảnh; cụ từng là giảng viên của các trường đại học có tên tuổi, đã đứng ra vận động con cháu, kêu gọi nhiều dòng họ làm công đức cho việc trùng tu, tôn tạo ngôi chùa này.

Sau khi hoàn thành chùa Đá không chỉ là nơi quy hướng tâm linh của người đệ tử Phật, mà còn là địa chỉ văn hóa lịch sử trong quần thể di tích đáng để du khách thập phương vãn cảnh chiêm bái, học tập. Với những giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh của mình, chùa Đá đã góp thêm cho quê hương Đức thọ một địa chỉ đỏ bên cạnh những thắng cảnh nổi tiếng như: chùa Am, Nhà thờ và khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú; nhà thờ và khu mộ nhà ái quốc Phan Đình Phùng, nhà thờ Bùi Dương Lịch, Khu mộ Lê Bôi...

Ngày 28/2/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 732/QĐ-UBND về việc công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với chùa Đá.

 

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Bản đồ hành chính
      PHÁT THANH ĐỨC THỌ
      Thống kê: 3.278.750
      Trong năm: 1.339.809
      Trong tháng: 180.695
      Trong tuần: 47.515
      Trong ngày: 3.702
      Online: 84